Thuê trực thăng đi đẻ, thăm nhà
Dịch vụ cho thuê trực thăng đã trở nên không còn xa lạ. Chỉ cần bỏ ra một số tiền, đáp ứng các yêu cầu và ký hợp đồng bay là bất cứ ai cũng có thể được phục vụ bằng những chuyến bay riêng.
Khó như bay trực thăng
Phải mất đến cả tháng trời, tôi mới hoàn thành công việc hỏi han thông tin, liên hệ các giấy tờ theo đúng quy định để được gặp đại tá Trần Xuân Dinh, Giám đốc Công ty Dịch vụ bay Miền Bắc, Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam.
Công ty hiện có gần chục chiếc trực thăng với khoảng 50 phi công làm việc. Ngoài thực hiện nhiệm vụ quốc phòng an ninh, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, công ty còn có dịch vụ cho thuê trực thăng. Đại tá Trần Xuân Dinh cho biết, bề ngoài chiếc trực thăng có vẻ nhỏ gọn như vậy nhưng thực ra thiết kế của nó phức tạp hơn nhiều so với chiếc máy bay thông dụng.
Việc huấn luyện phi công cũng đòi hỏi cao hơn, mất nhiều thời gian hơn và phức tạp hơn. Do luôn bay ở độ cao dưới 1.000m, không có đường bay cố định nên việc điều khiển bay đối với trực thăng cũng khó khăn hơn nhiều.
Do có nhiều cái khó đó nên yêu cùa đối với phi công cũng vô cùng nghiêm ngặt. Với các chuyến bay cất cánh trước 7h sang, phi công buộc phải ngủ lại ở cơ quan để đảm bảo sức khỏe. Trước khi bay, phi công được đo huyết áp, nhịp tim, kiểm tra tình trạng sức khỏe sơ bộ.
Với những người có tâm trạng không tốt như đang buồn bực chuyện gì đó, đang phải lo lắng công việc của gia đình…sẽ không được phép bay. “Người nào buồn là không được bay đâu. Vì thế anh phi công nào mà còn lấn cấn chuyện gia đình, tam trạng không được vui thì không được điều khiển máy bay”, đại tá Trần Xuân Dinh ví von vui vẻ.
Mỗi chiếc trực thăng chở được tối đa từ khoảng 10 – 22 hành khách. Trên máy bay luôn có 1 phi công và 1 dẫn đường. Có những trực thăng cá biệt thì tổ lái có 3 người. Trên máy bay không có tiếp viên, mọi mệnh lệnh để đảm bảo an toàn bay đều phụ thuộc vào người phi công điều khiển bay.
Tốc độ của trực thăng nếu phục vụ khách đi du lịch thì thường bay trung bình từ 100 250 km/h tùy loại. Trong những chuyến du lịch ngắm cảnh quan, núi non, trời biển, trực thăng có thể bay ở độ cao từ 150 – 700m so với mặt nước biển.
Khóc – cười cùng trực thăng
Đại tá Trần Xuân Dinh kể, cuộc đời làm phi công có nhiều vui buồn, nhiều kỉ niệm. Mỗi một sự kiện lại gắn với một câu chuyện, một cảm xúc khác nhau. Đến nay đã có 32 năm tuổi nghề làm phi công, đại tá Trần Xuân Dinh có trong “kho” cả một bộ sưu tập kỷ niệm. Trước kia, nhiều người còn mơ hồ về dịch vụ cho thuê trực thăng, nhưng giờ thì đã có một số người biết đến và sử dụng dịch vụ.
Đối tượng khách hàng chính của dịch vụ cho thuê trực thăng hiện nay là người nước ngoài. Có lẽ do ít người biết đến, một phần vì chi phí cho một chuyến bay không phải là nhỏ so với thu nhập trung bình của người Việt Nam. Để một chuyến bay được cất cánh an toàn, phải tuân thủ rất nhiều quy định nghiêm ngặt.
Giả sử khi nhận được yêu cầu bay cứu nạn, đơn vị sẽ phải cử người xác minh nhân thân lý lịch của người đó, thỏa thuận hợp đồng bay. Người sử dụng dịch vụ phải tuân thủ các quy định dành cho hành khách như đối với quy định của nghành hàng không. Sau đó, phải xin ý kiến chỉ đạo của Ban chỉ huy quân sự địa phương về địa điểm bay, các điều kiện thời tiết đảm bảo an toàn và hạ cánh.
Những vui – buồn nhiều nhất có lẽ là ở dịch vụ cứu hộ cứu nạn. Với dịch vụ cho thuê trực thăng, ngoài việc đảm bảo các yêu cầu an ninh an toàn, khách hàng phải trả phí dịch vụ. Nhưng có những tình huống, lấy tiền hay không lấy tiền của khách hàng cũng là băn khoăn lớn. Đại tá Trần Xuân Dinh kể: Có lần, một người bị tai nạn rất nặng gọi điện đến đơn vị yêu cầu được trợ giúp.
Sau khi hoàn thành các thủ tục, xin phép bay, 1 chiếc trực thăng cất cánh đến địa điểm người gặp nạn đó. Nhưng trên đường trực thăng đi thì người đó không may đã qua đời. Về nguyên tắc, khi đã ký hợp đồng dịch vụ thì khách hàng sẽ phải thanh toán toàn bộ chi phí. Nhưng trường hợp này, khách hàng quá đau thương mất mát, phía công ty thì đã khởi động dịch vụ rồi. Khi đó, sau khi cân nhắc, công ty quyết định không thu tiền của khách nữa.
Một kỷ niệm còn nóng hổi cảm xúc gấp gáp là việc cứu thành công 35 công nhân trong cơn bão số 8 vừa rồi. Đại tá Trần Xuân Dinh là người trực tiếp lái 1 trong 2 chiếc trực thăng cứu nạn. Ngay sau khi cất cánh từ Gia Lâm, hệ thống điều khiển tự động trên máy bay của tổ bay không hoạt động, phi công phải điều khiển máy bay hoàn toàn bằng tay.
Trên đường bay, còn nhiều thách thức khác đặt ra đối với các tổ bay như gió luôn duy trì tốc độ khoảng 80km/h, mưa lớn, đáy mây thấp nên phải bay hoàn toàn trong mây và hạ cánh bằng phương pháp xuyên mây. Cuối cùng thì 35 người trên giàn khoan đã được giải cứu thành công.
Thuê trực thăng về thăm quê
Đại tá Trần Xuân Dinh cho biết, đối tượng khách hàng của dịch vụ cho thuê trực thăng chủ yếu là người nước ngoài. Tuy nhiên, người Việt Nam thuê trực thăng cũng không phải là hiếm. Có trường hợp khách hàng thuê trực thăng để về thăm nhà. Quê họ ở miền Trung, họ rổ chức đưa cả đại gia đình về thăm quê và sử dụng trực thăng làm phương tiện đi lại.
Trường hợp đáng nhớ nhất là cấp cứu một sản phụ ở Lai Châu sinh non vào ngày 1/1/2012. Chuyến bay cấp cứu sản phụ ở Lai Châu đã không thực hiện được do máy bay không thể hạ cánh xuống Lai Châu trong điều kiện thời tiết xấu. Gia đình sản phụ này sau đó đã phải vận chuyển hai mẹ con bằng ô tô nhưng cháu bé vẫn may mắn sống sót do có thiết bị duy trì lồng ấp.
Ngày 10/8/2012, một tai nạn giao thông bất ngờ xảy đến với cô giáo Trần Thị Thảo (SN 1975, ngụ xã Thạch Đồng, TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) ngay khi cô vừa rồi nhà để tới trường nhận lớp trong năm học mới. Vụ tai nạn đã làm chân phải của nạn nhân dập nát, các bác sĩ tại bệnh viện tỉnh cho biết bệnh nhân phải được thực hiện chuyển lên tuyến trên trong thời gian sớm nhất có thể, nếu không sẽ phải cắt chân mới giữ được mạng sống.
Thuê trực thăng từ Hà Nội vào Hà Tĩnh chở bệnh nhân đi cấp cứu (Ảnh VietNamNet) |
Sau khi quyết định đưa nạn nhân bay ra Hà Nội, gia đình đã đề nghị các bác sĩ tại viện tỉnh sơ cứu vết thương, chờ máy bay trực thăng vào chở bệnh nhân đi cấp cứu.
Hiện có 2 loại trực thăng cho dịch vụ này. Một chiếc mang hiệu MI 17, 24 chỗ ngồi, sản xuất tại Nga. Giá thuê trực thăng loại này ở mức 4.800 USD/giờ (114 – 124 triệu đồng). Chiếc trực thăng còn lại mang hiệu EC 155, 12 chỗ ngồi, sản xuất tại Pháp. Chiếc trực thăng này có giá thuê cao gần gấp đôi chiếc MI 17 với 8.400 USD/giờ (168 triệu đồng). Nếu quay phim, chụp ảnh thì ở mức giá dao động trong khoảng 8.950 – 9.300 USD/giờ (179 – 186 triệu đồng). |
Đại tá Trần Xuân Dinh cho biết, thường thì cá nhân thuê trực thăng để đi theo đoàn. Những khu vực khách thường thuê trực thăng là đi Hạ Long hoặc các tỉnh miền núi phía Bắc. Trường hợp khách hàng muốn thuê trực thăng đi chụp ảnh, quay phim thì phải được phép của cấp trên và những tư liệu thu thập được phải qua kiểm duyệt trước.
Dành cho người giàu
Mùa cao điểm của dịch vụ cho thuê trực thăng là mùa hè. Khách du lịch có nhu cầu thuê nhiều hơn, điều kiện thời tiết đảm bảo an toàn bay tốt hơn. Nói về giá của dịch vụ, đại tá Trần Xuân Dinh cho biết, chi phí để một chiếc trực thăng cất cánh là rất lớn.
Nó bao gồm rất nhiều chi phí cho cả hệ thống như chi phí bảo trì máy móc, điểm đỗ, xăng dầu, chi phí nhân lực cả hệ thống…So với thu nhập trung bình của người Việt Nam thì là cao, nhưng nó là những chi phí phải có để đảm bảo tính an toàn và thông suốt của cả hệ thống.
Tùy những trường hợp mà có những giá riêng. Giả sử như phải bay ở địa hình phức tạp, việc tiếp nhiên liệu rất khó khăn, thì giá bay cũng khác. Nhiều khi phải điều xe tiếp nhiên liệu đi trước đến những vùng đó hoặc điều máy bay chở nhiên liệu đi cùng để thực hiện hoàn thiện yêu cầu của khách hàng. Rõ ràng là đối với những đường bay phức tạp thì giá thành sẽ phải cao hơn nhiều so với đường bay thông thường.
Đối với máy bay trực thăng, bình nhiên liệu dầu để bay không lớn. Giả sử với đường bay Hà Nội – Đà Nẵng thì máy bay phải dừng lại ở Vinh để tiếp nhiên liệu. Thùng nhiên liệu có thể bay vào Đà Nẵng nhưng để đảm bảo an toàn cho cả hành trình thì phải có đủ số nhiên liệu dự trữ theo quy định.
“Bất cứ công dân Việt Nam nào cũng có thể sử dụng dịch vụ cho thuê trực thăng, miễn là đáp ứng được các yêu cầu về an toàn bay và thực hiện các cam kết trong hợp đồng. Việc có người nghĩ rằng phải quen biết, phải có người nhà “làm to lắm” thì mới có trực thăng đến tận nơi đón, là một suy nghĩ rất sai lầm”, đại tá Trần Xuân Dinh chia sẻ.
Theo Khoa học và Đời sống