Thuế nhập 0% không cứu được doanh số xe bán tải "tụt dốc không phanh"

(Dân trí) - Mặc dù Việt Nam đã bỏ thuế nhập khẩu đối với xe nguyên chiếc từ ASEAN, trong đó có xe bán tải (pickup), song doanh số bán ra của dòng xe này ngày càng tụt dốc. Ford Ranger, Hilux, BT-50 hay Triton... không còn là những chiếc xe có lượng xe nhập về nhiều, bán ra lớn như hồi đầu năm 2017. Điều gì đã xảy ra đối với chiếc xe vốn từng được người tiêu dùng "đắm đuối".

Báo cáo mới nhất của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, lượng xe pickup tiêu thụ tháng 2/2018 và 2 tháng đầu năm 2018 đã giảm 59% (hơn 1.400 chiếc) so với tháng trước và cũng giảm gần 300 chiếc (tương ứng 23%) so với cùng kỳ tháng 2/2017.

Doanh số bán xe giảm nhanh

Theo con số của VAMA cung cấp, một loạt các doanh nghiệp lắp ráp, sản xuất và nhập khẩu xe pickup trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm qua đã giảm doanh số bán loại xe này, trong đó Ford Việt Nam, Toyota Việt Nam và Trường Hải có sự suy giảm mạnh nhất về lượng.

Doanh số xe bán tải được bán ra trong tháng 2/2018 so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước - (đơn vị: chiếc)
Doanh số xe bán tải được bán ra trong tháng 2/2018 so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước - (đơn vị: chiếc)

Cụ thể, Toyota trong tháng 2/2018 không ghi nhận có chiếc xe bán tải nào được bán ra thị trường, Izuzu bán được 17 chiếc bán tải D-Max, giảm hơn 50 chiếc so với tháng trước; Ford Ranger có doanh số hơn 630 chiếc giảm gần 800 chiếc; BT 50 của Trường Hải có doanh số 66 chiếc, giảm gần 300 chiếc so với tháng trước.

Nếu so với cùng kỳ năm trước, doanh số bán pickup tháng 2 và 2 tháng đầu năm của các hãng có sự giảm đáng kể, đứng đầu là Ranger của Ford Việt Nam với doanh số giảm hơn 1.140 chiếc, đứng thứ 2 và 3 lần lượt là Mazda và Toyota.

Mặc dù thời gian vừa qua có nhiều thông tin về đề xuất tăng thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), phí trước bạ đối với xe bán tải (pickup) của Bộ Tài chính, trong đó yêu cầu tăng thuế TTĐB xe pickup bằng 60% so với mức thuế TTĐB đang được áp dụng cho xe con có cùng dung tích.

Với đề xuất của Bộ Tài chính, nếu áp dụng thì thuế TTĐB của xe bán tải có dung tích xi lanh từ 2.0L đến hơn 3.2L sẽ phải chịu mức thuế TTĐB từ 30% đến 54% tùy theo dung tích xi lanh và thời gian chịu thuế. Đồng thời, phí trước bạ tăng lên 10% hoặc 12% chứ không còn 2% như hiện nay.

Vì đâu nên nỗi!?

Trong năm 2017, doanh số xe bán tải được xem là cao chưa từng có khi lượng lớn xe này được nhập khẩu về từ Thái Lan được người tiêu dùng đón nhận do mức phí, thuế rẻ hơn so với các dòng xe sedan, SUV và MPV. Doanh số năm 2017 theo ước tính của VAMA là khoảng 24.373 chiếc, chỉ đứng sau dòng sedan 4 chỗ, xếp trên cả dòng xe đa dụng SUV, MPV hay Crossover.

Tuy nhiên, từ nửa cuối năm 2017 sau khi có thông tin Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế TTĐB đối với dòng xe đa dụng này, thị trường xe pickup đột nhiên "khựng" lại, lo sợ thuế phí có thể tăng cao, nhiều đại lý, doanh nghiệp nhập khẩu xe pickup không dám mạo hiểm ký hợp đồng mua xe mới sợ điều chỉnh thuế TTĐB.

Sau khi Nghị định 116 được ban hành tháng 10/2017 (dù không có điều khoản nào điều chỉnh thuế đối với xe bán tải) song các doanh nghiệp nhập khẩu xe hơi nguyên chiếc nói chung và xe bán tải nói riêng cũng rất dè chừng, sợ rủi ro chính sách. Vì vậy, lượng nhập khẩu loại xe này ít dần từ đó và giảm khá mạnh vào các tháng đầu năm 2018.

Thực tế, hiện nay, nếu bỏ thuế nhập khẩu đối với các xe du lịch từ Thái Lan, Indonesia, thì xe bán tải về Việt Nam cũng không khác trước nhiều bởi năm 2017. Mức thuế nhập khẩu dòng xe này chỉ 5%, thuế TTĐB của dòng xe này (nếu không được điều chỉnh) sẽ vẫn được áp theo mức từ 15 - 25% tùy theo dung tích từ 2.0L đến 3.2L, phí trước bạ 2%.

Chính vì vậy, việc bỏ thuế nhập khẩu xe pickup tại Việt Nam chỉ loại bỏ được 5% thuế nhập xe. Trong khi đó, điều mà các doanh nghiệp lo ngại nhất chính đề xuất điều chỉnh thuế TTĐB, phí trước bạ được thông qua, sẽ khiến xe bán tải tăng giá hàng trăm triệu đồng. Đây sẽ là cú sốc đối với doanh nghiệp nếu mạo hiểm nhập xe pickup ồ ạt về Việt Nam.

Nguyễn Tuyền

Thuế nhập 0% không cứu được doanh số xe bán tải "tụt dốc không phanh" - 2