Thuê người chơi chứng khoán lấy lợi nhuận

Được coi là những người “yếu bóng vía”, thấy chứng khoán rớt giá đã “toát mồ hôi” nói gì đến mạnh tay đầu tư, thế nhưng hiện một số người chẳng hiểu biết gì về chứng khoán lại đang tìm được cách thu lợi nhuận từ thị trường này.

Nhờ người quen

Giữa năm ngoái, chị Tuyên - một thợ may có chồng làm bên xây dựng bắt đầu quan tâm đến thị trường chứng khoán. Mất hai tuần đi các sàn hỏi thăm, chị thấy rối tung, không biết nên mua bán gì, mua cổ phiếu giá cao quá thì sợ bị hớ, mua giá thấp thì sợ nhầm hàng không chất lượng.

Rốt cuộc, có người quen bỏ nhỏ, bày cách thử gửi một số tiền cho một môi giới chứng khoán quen biết để kinh doanh giùm. Vừa rồi tổng kết, ngoài 10% lợi nhuận chia cho người môi giới, chị thu về số tiền gấp 6 - 7 lần vốn.

Nhiều chủ doanh nghiệp, công chức… không có thời gian theo dõi thị trường cũng uỷ thác vốn cho họ kinh doanh giùm, lợi nhuận và các quy ước tự thoả thuận với nhau. “Nhân viên môi giới làm việc trong môi trường chứng khoán, đủ thông tin và độ nhanh nhạy để ra quyết định mua bán”, chị Tuyên nói.

Giao cho công ty chứng khoán

Lâu nay, một vài công ty chứng khoán có dịch vụ quản lý danh mục, như Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), Công ty chứng khoán Ngân hàng Công thương (IBS)...

Thí dụ như dịch vụ quản lý danh mục đầu tư Bestfit Investment của IBS. IBS sẽ nhận tiền uỷ thác, xây dựng danh mục chứng khoán cho nhà đầu tư. IBS có 5 sản phẩm theo mức kỳ vọng lợi nhuận từ cao xuống thấp, đó là kỳ vọng lợi nhuận cực kỳ cao, rất cao, cao, khá cao, và cao hơn lãi suất tiết kiệm. Tuỳ theo đó mà yêu cầu đảm bảo tối thiểu vốn và phần chia lợi nhuận được tính toán. Nếu phần lợi nhuận thực tế thu được chỉ bằng lãi suất tiết kiệm thì nhà đầu tư được hưởng 100%, còn nếu lợi nhuận cao thì có tỷ lệ phân chia theo hợp đồng. (Ví dụ: nhà đầu tư kỳ vọng lợi nhuận cực kỳ cao, yêu cầu đảm bảo tối thiểu 50% vốn, phần chia lợi nhuận vượt lãi suất tiết kiệm sẽ là 65% thuộc nhà đầu tư – 35% thuộc IBS).

Để theo dõi, nhà đầu tư sẽ nhận được báo cáo chi tiết về hoạt động định kỳ hằng tháng hoặc theo yêu cầu. Tuy nhiên, theo Luật Chứng khoán vừa có hiệu lực vào 1.1.2007, thì các công ty chứng khoán không còn được nhận uỷ thác đầu tư nữa, mà chỉ có các công ty quản lý quỹ mới được thực hiện nghiệp vụ này.

Có giao trứng cho ác?

“Đồng tiền liền khúc ruột”, khi giao vốn, chị Tuyên rất lo lắng: “Ngoài chuyện họ là người dưng, còn vốn của mình không biết có bị mất trắng hay không”. Theo nhiều người, tính cho cùng, đó không phải tiền của môi giới, nên họ không xót và hết lòng. Ngoài việc để người được uỷ thác toàn quyền quyết định đầu tư, nhà đầu tư cũng chẳng bắt nhịp được vui buồn khi thị trường lên xuống.

Theo một nhà môi giới IBS, khi giao vốn, nhà đầu tư phải chấp nhận một tỷ lệ rủi ro. Nếu giao cho một nhân viên môi giới thì phải tìm hiểu về nguồn gốc, kinh nghiệm và tiểu sử làm việc của người đó trên thị trường; giao cho tổ chức thì khả năng tiền được sử dụng đúng mục đích cao hơn, bởi luồng tiền ra vào đều qua một quy trình quản lý và kiểm soát.

“Ngoài ra, ai cũng mong muốn làm sinh lời đồng vốn uỷ thác, chỉ như vậy mới là cách để khách hàng tìm đến tốt nhất”, anh nói.

Theo Hồng Sương
Báo SGTT