Thực phẩm tươi sống, trái cây và “hàng tồn” hút khách
(Dân trí) - Sáng ngày 30 Tết bao giờ người dân cũng có tâm lý đi mua nốt những thứ còn “sót” và thực phẩm tươi sống, trái cây để giữ lâu cùng “hàng tồn” giá rẻ. Ghi nhận của Phóng viên Dân trí trên khắp các miền.
Hà Nội: Thực phẩm tươi sống tăng, đào quất bán "phá giá"
Dạo qua các chợ Thành Công, Cống Vị, Bưởi, Nghĩa Tân… sáng nay, giá các loại thực phẩm như thịt, cá, tôm, ngao… tăng nhẹ nhưng tập trung mua và bán vẫn là các loại thịt, cá.
Mặc dù sức mua của khách hàng không “nóng” bằng mấy ngày trước nhưng giá các loại thực phẩm dù ít, nhiều vẫn “rủ” nhau tăng giá trong phiên chợ cuối năm. Cụ thể: Gà (lông) giá 120.000 đồng/kg, gà (làm sẵn) giá 160.000 đồng/kg, thịt nạc thăn giá 125.000 đồng/kg, thịt ba dọi 85.000 đồng/kg, bò thăn 250.000 đồng/kg, bò mông 230.000 đồng/kg, cá quả 170.000 - 200.000 đồng/kg, cá trắm đen 210.000 đồng/kg, tôm sú giá 290.000 đồng/kg…
Dọc các đường Âu Cơ, Láng Hạ, Hoàng Hoa Thám, đường Đội Cấn… đào và quất rớt giá thảm hại do người bán thì nhiều, kẻ mua thì ít. Những người bán đào, quất cố gắng chào mời giảm giá mà chỉ lác đác khách hỏi mua.
Giá đào, quất tại Hà Nội sáng nay “trầm lắng” một cách bất ngờ. Giờ đi mua, ai cũng có thể mua cho nhà mình một cây đào với giá chỉ 300.000 - 500.000 đồng. Nếu mấy hôm trước những người bán đào, quất còn kiêu, khách trả giá 300.000 - 400.000 đồng không bán thì nay với mức giá này chủ hàng đã phải bán vội.
Hết sáng 2/2 (30 Tết), các chợ lẻ và siêu thị tại TPHCM sẽ đóng cửa nhưng các mặt hàng thịt heo, trái cây làm mâm ngũ quả giá vẫn còn khá cao. Còn lại đa số các mặt hàng khác đều hạ giá để bán cho hết hàng trước 12 giờ để nghỉ Tết.
Dù đã chuẩn bị từ những ngày trước nhưng cứ đến 30 tháng chạp, các bà, các chị lại ra chợ để xem còn sót thứ gì chưa kịp mua. Đa số các món hàng được người tiêu dùng mua chủ yếu là thịt, thủy hải sản và trái cây.
Chị Thắm, đi chợ Bà Chiểu cho biết: “Dù đã chuẩn bị các thực phẩm khô nhưng mặt hàng tươi sống thì không thể mua những ngày trước được. Ví dụ như thịt heo ngày hôm nay mua về cất tủ lạnh cũng để được vài ngày, trái cây và hoa thì mua để cúng giao thừa và ngày đầu năm”.
“Nếu mua trước thì sợ không đảm bảo, với lại ra tết người ta nghỉ nhiều ngày, có đi chợ mở sớm cũng chỉ mua thêm ít rau quả chứ lúc đó mua thịt vì ai cũng ngán mà giá lại cao. Vì thế cứ 30 Tết tôi lại ra sắm và mua nước dừa về nấu thịt kiểu tàu để vui xuân” - chị Thắm cho biết.
Tại chợ Gò Vấp, giá cà chua, dua leo cũng chỉ 5.000 - 6.000 đồng/kg; hành lá, rau dền… 10.000 đồng/bó; cá lóc 60.000 đồng/kg, tôm sú 170.000 đồng/kg. Riêng thịt heo giá vẫn cao 75.000 - 80.000 đồng/kg, thịt bò 160.000 - 170.000 đồng/kg…
Các loại trái cây làm mâm ngũ quả do có nhiều người mua nên giá chưa giảm, như mãng cầu xiêm 60.000 - 80.000 đồng/kg, đu đủ 12.000 đồng/kg, dừa 12.000 - 15.000 đồng/kg, xoài 30.000 - 50.000 đồng/kg…
Đà Nẵng: Thực phẩm, hoa tươi tăng giá chóng mặt
Ngày 30 Tết, các bà nội trợ tại Đà Nẵng ra chợ chóng mặt vì giá thực phẩm, hoa tươi đội giá hơn hẳn các ngày trước đó. Giá đắt cứ đắt, người dân vẫn phải chi cạn hầu bao cho ngày chợ cuối năm đầy tất bật.
Tại chợ Hàn, giá các loại thực phẩm tươi sống như thịt lợn, thịt bò, gà ta… tăng hơn hẳn so với các ngày trước. Một kg thịt lợn ngày thường chỉ 65.000 đồng; 28, 29 Tết tăng lên 80.000 đồng/kg; đến sáng nay 30 Tết, một cân thịt lợn đã lên đến 100.000 đồng. Tương tự một cân thịt bò giá “leo thang” lên 200.000 đồng, gà ta làm sạch sẵn giá đã hơn 200.000 đồng/con 1 kg.
Các loại chả heo, chả bò, tré đặc sản Tết Đà Nẵng tại các cửa hiệu uy tín trên đường Trần Bình Trọng, Phan Châu Trinh, Hải Phòng… đã hết sạch hàng. Người dân muốn sắm thêm phải ra chợ và chi mức giá cao hơn khoảng 30%.
Giá tăng, nhưng người dân vẫn phải chi vì hôm nay đã là 30 Tết, “cập rập quá rồi”. Cô Phương, người dân phường Thạc Gián, Q. Thanh Khê, đang tính toán lại xem còn thiếu món gì chưa mua, cho biết: “Năm mô cùng rứa rồi. 30 Tết là giá tăng chóng mặt rứa đó. Nhưng phải mua thôi, năm có 3 ngày Tết, không tươm tất cũng kỳ”.
30 Tết, mới thực sự là ngày của hoa tươi. Khi nhà cửa dọn dẹp tươm tất, cũng là lúc người dân ra chợ chọn mua hoa tươi. Tại đường hoa trên đường Trần Phú, gần chợ Hàn, có thể tìm thấy đủ loại hoa tươi từ hoa cúc, hoa hồng, hoa đồng tiền…
Nhưng hút khách nhất, và cũng “đội giá” chóng mặt nhất là hai loại hoa lay-ơn và hoa ly. Một bó lay-ơn lên đến 70.000 - 80.000 đồng/bó (gấp 3 ngày thường); hoa Ly một bó 5 cành, loại cành 3 hoa đã 200.000 đồng bó; cành 5 hoa, nụ phải đến 300.000 – 350.000 đồng/bó - gấp đôi ngày thường.
Đến trưa 30 Tết, dòng người đổ về các chợ lớn trung tâm thành phố Đà Nẵng vẫn mỗi lúc một đông, ai cũng thấy “sắm sửa hình như chưa đủ”.
Tại TP Nha Trang, sáng 30 Tết nhiều mặt hàng cây cảnh đã bắt đầu giảm giá. Đáng chú ý là hoa cúc, có những chủ bán hoa cúc đã giảm quá 50%.
Theo quan sát, nhiều khách hàng biết tâm lý ngày cuối các mặt hàng cần bán tháo để dọn hàng nên đã tiếp tục trả giá thấp hơn. Một số chủ bán cúc, các loại hoa cũng đành chép miệng gật đầu.
So với cách đây 1 tuần, các loại cây cảnh như quất, mai có giảm nhưng không đáng kể. Các chủ nhà vườn cho rằng quất, mai nếu không bán được thì vẫn có thể vận chuyển về chăm sóc để bán vào những dịp khác nên chỉ hạ giá khoảng 15 - 20%.
Anh Nguyễn Văn Vinh, một người đem mai từ Phú Yên vào bày bán trên đường Lê Thánh Tôn, cho biết: “Năm nay gia đình trồng 1.500 gốc mai nhưng do mưa lũ nên chỉ chọn được 300 gốc đẹp đem đi bán. Hôm hôm đầu bán một gốc 500.000 - 600.000 đồng, nay thì giảm giá 100.000 đồng, nếu không có khách mua thì đem về chăm sóc, năm sau bán tiếp”.
Trên đường Yesin, Tô Hiến Thành… nhiều loại hoa cũng giảm giá từ 30 - 50% so với những ngày trước đó.
Từ sáng 30 Tết, các khu chợ ở TP Nha Trang đã rất đông đúc. Tại chợ Đầm, giá các mặt hàng thực phẩm đông lạnh, hải sản, bia, rượu, nước giải khát vẫn ổn định. Do sức mua tăng mạnh nên các loại hoa quả như: chuối, quýt, đu đủ, xoài… vẫn chưa có dấu hiệu giảm giá.
Về đồ uống, thì bia Heineken được nhiều người tiêu dùng lựa chọn nhất. Nắm bắt nhu cầu này, các đại lý bán bia đã thừa cơ đưa giá “đội” lên từng ngày, từ 345.000 đồng tăng lên 420.000 đồng/thùng.
Các loại bánh kẹo, mứt Tết tại Trung tâm thương mại TP Pleiku (chợ lớn) đều “cháy” hàng, giá tăng 20 - 30% so với ngày thường nhưng bán đến đâu hết đến đấy.
Tại Cần Thơ, Vĩnh Long dù nghèo hay giàu, chiều 30 Tết trên bàn thờ ông bà phải có cặp dưa hấu. Khoảng 7 giờ sáng, PV Dân trí có mặt tại đường Hoàng Thái Hiếu, đường Hưng Đạo Vương, phường 1 TP. Vĩnh Long - hai con đường bán dưa hấu bậc nhất ở Vĩnh Long, chứng kiến cảnh mua bán tấp nập, rộn ràng.
Dưa tròn, dưa dài, dưa không hạt, dưa vàng… được chất đầy các sạp, Dưa cao đến nửa thân người chạy suốt đến cuối 2 con đường. Tùy theo loại dưa mà giá cả cũng khác nhau. Nhìn chung những loại dưa dài có giá dao động từ 3.000 - 6.000 đồng/kg, dưa tròn có giá từ 8.000 - 12.000 đồng/kg.
Anh Nguyễn Văn Bền - chủ sạp Dưa ở huyện Bình Tân cho biết: “Chợ dưa Vĩnh Long năm nay nhiều hơn mọi năm gấp 1,5 lần, nguyên nhân là do có thêm những sạp dưa của các thương lái, chuyên mua đi bán lại.
Tại Cần Thơ, chợ dưa nằm rải rác ở một số con đường, như: Nguyễn An Ninh, đường Hai Bà Trưng, đường Trần Văn Khéo… Theo ghi nhận của chúng tôi không khí mua bán “sản phẩm Mai An Tiêm” ở Cần Thơ cũng sôi nổi chẳng thua kém gì ở Vĩnh Long.
Ngoài những loại dưa dài được người bán tính kg, còn dưa tròn loại to để trưng Tết, người bán không tính kg mà tính theo cặp. Một cặp có giá 200.000 - 250.000 đồng.
Đặc biệt tại thị trường dưa Cần Thơ năm nay còn xuất hiện loại dưa hấu vuông, màu vàng và có chữ (Phước, Lộc, Thọ) trên thân trái Dưa, mỗi cặp có giá từ 600.000 - 1.500.000 đồng.
Nhóm PV