Thực phẩm thiết yếu không "đội giá" vì tăng lương

Bên cạnh một số ít mặt hàng tăng giá đột biến do tâm lý tiêu dùng của người dân trong những ngày nắng nóng, đa số các mặt hàng thực phẩm đều khá ổn định, không có tình trạng giá cả thực phẩm “té nước theo mưa” vì tăng lương.

Thực phẩm thiết yếu không đội giá vì tăng lương
Thực phẩm thiết yếu vẫn giữ giá ổn định sau đợt tăng lương vừa qua
 
Thực phẩm giải nhiệt đắt khách

Hiện tại đang vào vụ rau chính hè, các chủng loại rau rất đa dạng, từ rau ăn lá đến quả như mướp, bầu bí, su su, đến rau ăn củ như cà rốt, khoai tây… nên giá rau xanh tương đối ổn định.

Tuy nhiên, vào những ngày nóng nắng, người dân lại có xu hướng lựa chọn những món ăn thanh mát thay vì thịt cá nên các loại rau quả như: Mồng tơi, rau đay, mướp, bầu… tăng giá gấp rưỡi ngày bình thường.

Nếu như cuối tháng 4, giá rau như mồng tơi, rau đay, mướp hương vẫn chỉ giao động ở mức 2.000-3.000 đồng/mớ thì từ đầu tháng 5, giá các loại rau này đã tăng vọt. Cụ thể, tại các chợ, giá rau mồng tơi, rau đay là 4.000-5.000 đồng/mớ, tăng 2.000 đồng so với trước đó; rau muống 6.000 đồng/mớ, mướp có giá bán 40.000 đồng/kg.

Các loại gia vị để nấu canh chua như me, kéo… cũng được bán 2.000 đồng/quả nhỏ. Nhiều người bán hàng cho biết nhiều hôm đến cuối ngày không còn chanh, me để bán cho khách.

“Các loại rau, quả để nấu canh chua rất đắt khách mấy ngày nắng nóng, có ngày không có me bán cho khách tôi phải nhập thêm quả kéo về để bán và cũng rất đắt khách.” Chị Thúy, một tiểu thương bán rau tại chợ Ngã Tư Sở cho biết.

Bên cạnh đó, những thực phẩm để nấu các món canh dễ ăn vào mùa hè cũng đội giá nhanh chóng. Trước đó, cua đồng có giá 12.000 đồng/lạng thì nóng nắng đội lên 15.000 đồng/lạng. Hến, trùng trục cũng tăng giá từ 16.000 đồng/kg lên 20.000-25.000 đồng/kg.

Chị Nguyễn Thu Hường (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: "Trời nóng lên nên tôi thường hay nấu canh cua, canh hến cho dễ ăn. Giá cua, hến mấy ngày gần đây cũng tăng đáng kể nhưng không mua sớm là hết ngay, vì đông khách nên những người bán hàng cũng không cho khách lựa chọn từng con như trước nữa."

Hàng hóa thiết yếu ổn định

Bên cạnh một số ít mặt hàng tăng giá đột biến do nhu cầu tiêu dùng của người dân trong thời tiết nắng nóng, giá đa số các mặt hàng thực phẩm thiết yếu vẫn tương đối ổn đinh.

Tại các siêu thị, giá cả cũng chưa biến động nhiều, đặc biệt ở nhóm hàng lương thực, thực phẩm. Trong đầu tháng 5, một số nhà cung ứng hóa, mỹ phẩm có điều chỉnh tăng giá khoảng 5%, tuy nhiên hiện tượng này không phổ biến.

Tại các chợ, giá thịt lợn hiện ở mức thấp hơn so với hồi tháng 2 từ 10.000-15.000 đồng/kg, thịt ba chỉ còn 90.000-10.000 đồng/kg. Thịt bò ở mức 200.000-220.000 đồng/kg đối với bò bắp.

Theo các tiểu thương bán thịt lợn tại một số chợ, dù sức mua thịt lợn đang dần phục hồi sau cú sốc có chất tạo nạc, nhưng lại gặp đúng dịp nắng nóng kéo dài, nên lượng tiêu thụ thịt cũng giảm, bởi vậy, sức mua mặt hàng này vẫn rất thấp, giá cả không có sự thay đổi lớn.

“Khách hàng bắt đầu giảm bớt lo ngại về thịt có chứa chất tạo nạc thì lại gặp đợt nắng nóng kéo dài, vì thế thịt lợn bán vẫn chậm. Tôi không dám nhập thêm hàng về bán mà vẫn duy trì lượng hàng như cũ.” Chị Trần Thị Hoa, một tiểu thương kinh doanh thịt lợn tại chợ Thành Công cho biết.

Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nắng nóng đã làm nhu cầu tiêu thụ thực phẩm giảm mạnh, hiện nay giá nhiều loại thực phẩm và nông sản đang giảm do xảy ra nắng nóng và dịch bệnh, không chỉ thịt mà cả thủy sản cũng rớt giá.

Theo dự báo của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), trong tháng 5, thực phẩm tươi sống sẽ là mặt hàng có xu hướng ổn định bên cạnh các mặt hàng lúa gạo, đường, thức ăn chăn nuôi, xi măng, thuốc chữa bệnh.

Theo Hồng Kiều
Vietnam+