Lợi nhuận ngân hàng sụt giảm, chi phí dự phòng tăng
(Dân trí) - Chi phí hoạt động và trích lập dự phòng rủi ro được các ngân hàng tăng mạnh đã ảnh hưởng lớn đến con số lợi nhuận trong 9 tháng qua.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3 của Vietcombank cho thấy, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng sụt giảm 22% so với cùng kỳ, đạt 4.938 tỷ đồng. Nguyên nhân là do thu nhập hoạt động sụt giảm trong khi chi phí hoạt động và chi phí dự phòng đều tăng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đạt 15.965 tỷ đồng, giảm 9,35% so với cùng kỳ; lãi ròng 9 tháng đạt 12.779 tỷ đồng, giảm 9,5%. Dù vậy, với kết quả này, Vietcombank vẫn đang là ngân hàng dẫn đầu hệ thống về con số lợi nhuận.
Lợi nhuận trước thuế 9 tháng qua của Sacombank đạt 2.325 tỷ đồng, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng quý 3, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng sụt giảm 13% so với cùng kỳ, đạt 897 tỷ đồng. Nguyên nhân sụt giảm chủ yếu do chi phí dự phòng tăng mạnh.
Mặc dù lợi nhuận sụt giảm nhưng ngân hàng cũng đã hoàn thành được hơn 90% kế hoạch cả năm.
Do thu nhập lãi thuần sụt giảm, chi phí hoạt động của ngân hàng tăng lên 761 tỷ đồng và trích lập 83 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro, nên lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng của Kienlongbank đạt 144,6 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ năm 2019.
Vượt kế hoạch cả năm nhưng quý 3/2020, Ngân hàng Sài Gòn Công thương (SGB) ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 52 tỷ đồng, giảm 61% so với cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân chủ yếu do thu nhập lãi thuần giảm mạnh 36% chỉ đạt 134 tỷ đồng, trong khi các mảng kinh doanh khác cũng không có tăng trưởng đột biến. Ngân hàng đã tăng chi phí dự phòng rủi ro trong quý 3/2020 lên 21 tỷ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ. 9 tháng đầu năm, tổng thu nhập hoạt động của Saigonbank đạt hơn 560 tỷ đồng, giảm 7,6% so với cùng kỳ...
Dù lợi nhuận của một số ngân hàng có sụt giảm do chi phí hoạt động và trích lập dự phòng rủi ro tăng nhưng nhìn chung bức tranh lợi nhuận ngân hàng 9 tháng qua vẫn cho thấy nhiều dấu hiệu khả quan.
Theo số liệu của VPBank, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng sau 9 tháng đã đạt 92% kế hoạch đề ra hồi đầu năm, tương đương mức gần 9.400 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 30% so với cùng kỳ. Trong đó lợi nhuận của ngân hàng mẹ đạt hơn 6.200 tỷ đồng, đóng góp 66% vào lợi nhuận hợp nhất.
Cũng trong thời gian qua, ngân hàng này cũng gia tăng chi phí dự phòng hợp nhất thêm 14,4% so với cùng kỳ (sau khi đã loại trừ khoản chi phí dự phòng cho VAMC).
Lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng Hàng hải (MSB) đạt trên 1.666 tỷ đồng, bằng 156,6% cùng kỳ 2019 và vượt 16% kế hoạch cả năm; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 1.327 tỷ đồng.
Theo lý giải của ngân hàng, việc thay đổi cơ cấu nguồn vốn theo hướng nâng cao hiệu quả là nhân tố quan trọng giúp MSB giảm chi phí vốn và đem lại sự tăng trưởng trong tổng thu nhập thuần từ lãi và phí của ngân hàng.
Thông tin mới nhất từ LienVietPostBank cho biết, đến hết quý 3, lợi nhuận lũy kế của ngân hàng đã vượt kế hoạch cả năm 2020 khi đạt hơn 1.740 tỷ đồng.
"Dự báo quý cuối năm, nền kinh tế tiếp tục phục hồi, nhu cầu vay kinh doanh, vay tiêu dùng sẽ tăng mạnh trở lại, nhiều khả năng lợi nhuận trước thuế năm 2020 sẽ vượt kết quả năm 2019 và đạt mức cao nhất trong 12 năm hoạt động của ngân hàng", lãnh đạo LienVietPostBank cho biết.
Theo một số thông tin vừa cập nhật, kết thúc quý 3, tổng thu nhập hoạt động của TPBank đạt 7.103 tỷ đồng, tăng 22,79% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả trên đã mang lại cho ngân hàng này 3.024 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 25,78% so với cùng kỳ năm trước và tương đương 74,33% kết hoạch cả năm đã được đại hội đồng cổ đông phê duyệt...
Theo dự báo của giới chuyên gia, lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ giảm trong năm nay, khi nợ xấu tăng, ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng, bên cạnh các biện pháp giãn, hoãn nợ, miễn giảm lãi vay.
Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI - SSI Research cho rằng: Dù lãi trước thuế năm 2020 của các ngân hàng có thể giảm, nhưng sang năm 2021, khi hoàn thành việc hỗ trợ khách hàng, lợi nhuận ngân hàng quốc doanh ước tính sẽ tăng 23% trong khi nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tăng 11,2%.