Thừa tiền, ngân hàng vẫn huy động vốn trái phiếu

Dù tình trạng dư thừa vốn tiếp diễn, nhiều ngân hàng vẫn đang tăng cường huy động thêm vốn qua kênh trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong bối cảnh giá vốn tiếp tục rẻ.

Tổng giá trị phát hành TPDN trong khối ngân hàng của năm 2014 đến nay đã đạt ít nhất 10.800 tỷ đồng
Tổng giá trị phát hành TPDN trong khối ngân hàng của năm 2014 đến nay đã đạt ít nhất 10.800 tỷ đồng
 

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 
Đợt phát hành 1.500 tỷ đồng trái phiếu 2 năm vừa thực hiện cuối tháng 10 của BIDV tiếp tục giữ ngân hàng này ở vị trí nhà phát hành trái phiếu lớn nhất trong năm nay, theo tổng hợp của ĐTCK. Tính từ đầu năm 2014 đến nay, BIDV đã huy động 8.800 tỷ đồng qua phát hành trái phiếu – gần bằng tổng giá trị phát hành của Vingroup, nhà phát hành lớn nhất năm 2013 với tổng giá trị 9.395 tỷ đồng.

Bên cạnh sự tăng cường của BIDV, một loạt ngân hàng khác cũng đã hoàn tất hoặc tiếp tục kế hoạch huy động vốn qua kênh TPDN của mình, bất chấp tình hình dư thừa vốn trong ngành ngân hàng vẫn đang tiếp diễn.

SeaBank và VPBank đang chào bán trái phiếu tới một nhóm riêng lẻ các nhà đầu tư, trong đó, SeaBank dự kiến tổng khối lượng phát hành là 3.000 tỷ đồng, theo các tài liệu chào bán. Quy mô này lớn hơn hẳn các đợt phát hành thông thường có giá trị khoảng 1.000 - 2.000 tỷ đồng của các ngân hàng cỡ trung.

Trước đó, vào quý II, HDBank đã phát hành thành công 1.400 tỷ đồng trái phiếu. Hai ngân hàng khác cũng đã kết thúc phát hành, theo các nhà đầu tư liên quan tới hai thương vụ, nhưng kết quả chi tiết chưa được công bố chính thức.

Tổng giá trị phát hành TPDN trong khối ngân hàng của năm 2014 đến nay đã đạt ít nhất 10.800 tỷ đồng, theo tổng hợp của ĐTCK, vượt qua con số 9.650 tỷ đồng của năm 2013. Nếu hai đợt chào bán của VPBank và SeaBank thành công toàn bộ, con số của năm 2014 có thể lên tới gần 17.000 tỷ đồng, gần gấp đôi năm 2013. Tổng số lượng ngân hàng dùng kênh TPDN để gọi vốn mới hiện đã lên 6, so với 4 ngân hàng trong năm ngoái.

Đặc biệt hơn, những con số tăng trưởng này trong khối ngân hàng có vẻ trái ngược với tình hình khối doanh nghiệp. Khối doanh nghiệp – được một vài chuyên gia trong ngành dự báo từ đầu năm là sẽ giảm khả năng phát hành thành công do lượng tài sản đem ra đảm bảo giảm dần, và cũng do các doanh nghiệp đủ tốt để vay vốn qua công cụ trái phiếu đã ít đi – thực tế đã giảm hơn nửa lượng phát hành từ con số 36.000 tỷ đồng trong năm ngoái, theo thống kê của ĐTCK.

Trong khi đó, các ngân hàng khi phát hành trái phiếu thường không cần dùng tài sản đảm bảo, do đặc thù tính tín nhiệm cao hơn hẳn khối doanh nghiệp.

Nhiều ý kiến trong ngành cho rằng, việc tăng cường gọi vốn mới ngay cả khi chưa cho vay ra được nhiều của các ngân hàng là để tranh thủ tình hình giá vốn liên tục rơi xuống các mức thấp kỷ lục. Lãi suất trái phiếu 2 năm của BIDV trong đợt vừa rồi chỉ còn 5,5%/năm,  giảm mạnh 300 - 400 điểm so với giá phát hành của các ngân hàng lớn cùng kỳ năm ngoái.

Những khoản vốn rẻ có kỳ hạn 2 - 5 năm này khi đem cho doanh nghiệp vay lại – cũng chủ yếu là các khoản vay trung dài hạn – tất yếu sẽ đem lại một khoản lời đáng kể cho một số ngân hàng. Ngay trước khi phát hành, SeaBank đã mua trái phiếu của Becamex để đầu tư mở rộng các dự án bất động sản. HDBank từ đầu năm 2014 đã khá tích cực khi cho vay các khoản kỳ hạn dài, giúp tái cấu trúc doanh nghiệp như: cho Hoàng Anh Gia Lai vay 650 tỷ đồng trái phiếu 5 năm để tái cơ cấu tài chính; cho DIG vay 1.000 tỷ đồng trái phiếu 5 năm, trong đó 500 tỷ đồng để tái cơ cấu nợ.

Bản công bố thông tin trái phiếu của HDBank hồi đầu tháng 5/2014 cho thấy, trong năm 2013, tỷ trọng cho vay trung hạn của HDBank tăng gấp đôi lên gần 17% tổng dư nợ, cho vay dài hạn có tỷ trọng tăng nhẹ lên gần 9%. Trong khi đó, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của HDBank tăng trở lại lên 3,9% trong năm 2013, so với 0% trong năm 2012. Tỷ lệ này năm 2011 là 4,89% và năm 2010 là 0%.

VPBank cho biết, mục đích phát hành trong bản công bố thông tin chào bán trái phiếu sơ bộ ngày 6/11 là “cơ cấu lại nguồn vốn huy động hiện tại và gia tăng nguồn vốn nhằm tăng trưởng tín dụng trung và dài hạn”.

Một số ngân hàng lại huy động vốn với mục đích khác: nâng cao chỉ số an toàn vốn (CAR). 7.300 tỷ đồng trong số trái phiếu BIDV phát hành là trái phiếu kỳ hạn 10 năm và đủ điều kiện đưa vào công thức tính CAR. Từ đầu năm nay, ông Trần Phương, Phó tổng giám đốc của BIDV trong trao đổi với ĐTCK đã cho biết, Ngân hàng có thể sẽ sử dụng TPDN để tăng CAR. Tương tự, trái phiếu SeaBank đang chào bán cũng có kỳ hạn 10 năm, đủ điều kiện tính vào CAR – tỷ lệ này của SeaBank vẫn đang khá cao, nhưng đang có xu hướng giảm, từ con số 14,19% trong năm 2013 xuống 13,71% như kế hoạch năm 2014 của ngân hàng này.

Theo Quang Minh
Đầu tư Chứng khoán
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”