1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Thủ tướng yêu cầu EVN thoái toàn bộ vốn khỏi ABBank

(Dân trí) - Thủ tướng yêu cầu đến hết năm 2015, EVN phải hoàn thành việc thoái vốn tại NH An Bình, Chứng khoán An Bình, Bảo hiểm Toàn cầu, Bất động sản Sài Gòn Vina, Bất động sản Điện lực Miền Trung và CTCP Đầu tư và xây dựng Điện lực Việt Nam.

Ngày 23/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giai đoạn 2012 - 2015.

Mục tiêu của Đề án nhằm bảo đảm EVN có cơ cấu hợp lý, tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh điện; cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích cho xã hội và quốc phòng, an ninh; nâng cao sức cạnh tranh, bảo đảm hiệu quả sản xuất kinh doanh; hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, cung ứng điện cho nền kinh tế và nhu cầu xã hội.

Theo đó, vốn điều lệ của EVN sau khi đánh giá lại tài sản sẽ là 143.404 tỷ đồng.

Thủ tướng yêu cầu EVN thoái toàn bộ vốn khỏi ABBank
Khác với việc thoái vốn tại các lĩnh vực bảo hiểm, bất động sản khác, EVN dự trù có lãi, riêng tại ABBank, kế hoạch thoái vốn của EVN gặp khó khi giá cổ phần ABBank trên OTC thấp hơn nhiều so mức muốn bán 10.000 đồng.

Tại Quyết định này, Thủ tướng yêu cầu đến hết năm 2015, EVN phải hoàn thành việc thoái vốn tại Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), CTCP chứng khoán An Bình, CTCP Bảo hiểm Toàn cầu, CTCP Bất động sản Sài Gòn Vina, CTCP Bất động sản Điện lực Miền Trung và CTCP Đầu tư và xây dựng Điện lực Việt Nam.

Riêng về trường hợp thoái vốn tại ABBank, hồi đầu năm, EVN đã trình Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM về việc chuyển nhượng vốn 5,37% tỷ lệ sở hữu cổ phần của EVN tại ABBank cho HDBank. Tuy nhiên, đề xuất này của Tập đoàn đã bị bác bỏ do chưa đáp ứng một số yêu cầu quy định về tỉ lệ chuyển nhượng vốn sở hữu cổ phần theo quy định của NHNN.

Đến tháng 7/2012, trong buổi tọa đàm về tái cơ cấu tập đoàn, ông Đinh Quan Tri, Phó Tổng giám đốc EVN đã thú nhận, việc thoái vốn ngoài ngành của Tập đoàn đang gặp khó. Tại thời điểm này, tổng số vốn EVN đầu tư sang lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm và bất động sản là 1.100 tỷ đồng. Trong đó, vốn của EVN tại ABBank là 757 tỷ đồng. Tập đoàn đang trình Chính phủ để đưa xuống tỷ lệ dưới 20%.

EVN đã trình Chính phủ kế hoạch bán 10.000 đồng/cổ phần và đang chờ Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, giá cổ phiếu ngân hàng này trên thị trường OTC hiện rất thấp. Ghi nhận gần đây nhất, trong phiên giao dịch ngày 23/11/2012, giá mua cao nhất đối với cổ phiếu ABBank là 8.000 đồng, trong khi giá bán thấp nhất là 5.200 đồng; giá thực hiện gần nhất là 6.600 đồng/cp.

Tại Công ty Bảo hiểm toàn cầu (GIC), EVN đã mua 125 tỷ đồng cổ phần, chiếm tỷ lệ 22,5% vốn điều lệ. Mục tiêu của EVN rút xuống còn dưới 20% thông qua việc bán một phần cho Công ty ERGO International AG (Đức) và nhượng bán đến năm 2015. Tuy nhiên, theo lãnh đạo EVN, quá trình này đang phải xin phép Bộ Tài chính vì ERGO hiện cũng đang là cổ đông chính của GIC - chiếm 20%, nên muốn tăng thêm vốn phải được sự đồng ý của Bộ Tài chính. Thương vụ này, EVN kỳ vọng thu lãi lớn.

Ngoài ra, Tập đoàn đang có 103 tỷ đồng tại bất động sản (Bất động sản Điện lực miền Trung (LEC) và Bất động sản Điện lực Sài Gòn). EVN đã có nghị quyết cho LEC toàn bộ đất đai, tài sản để trả lại tiền cho các cổ đông và EVN cũng hy vọng đạt được lãi lớn. Theo BCTC năm 2011 của LEC, phần vốn nắm giữ của EVN đang chiếm tỷ lệ 4,3%.

Tại Quyết định này, người đứng đầu Chính phủ cho phép, với 4 ngành nghề kinh doanh chính sau tái cơ cấu sẽ có 14 đơn vị được giữ nguyên tổ chức, cơ chế hoạt động và nằm trong cơ cấu Công ty mẹ - EVN. Ngoài ra, Tập đoàn được nắm giữ 9 doanh nghiệp với 100% vốn điều lệ, 5 doanh nghiệp nắm trên 50% vốn điều lệ và 6 doanh nghiệp nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ.

Bên cạnh đó, Tập đoàn được giữ nguyên mô hình, cơ cấu tổ chức hoạt động đến năm 2015 đối với 4 cơ sở đào tạo là Trường Đại học Điện lực; trường Cao đẳng Điện lực thành phố Hồ Chí Minh; trường Cao đẳng Điện lực miền Trung và trưởng Cao đẳng Nghề điện.

Thủ tướng cũng yêu cầu Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng phương án tổ chức lại sản suất kinh doanh, phương án tái cơ cấu các doanh nghiệp thành viên phù hợp với nội dung Đề án và để thực hiện chuyên môn hóa, phân công, hợp tác, không dàn trải, phân tán nguồn lực, tránh cạnh tranh nội bộ. Trong quý IV/2012 này, Tập đoàn trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt kế hoạch và triển khai thực hiện sau đó.

Bích Diệp