1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Đầu tư công:

Thủ tướng "thúc" giải ngân 250.000 tỷ đồng, phê bình nơi đạt dưới 40%

Thế Hưng

(Dân trí) - Thủ tướng yêu cầu phải xem xét giải ngân nguồn vốn đầu tư công 250.000 tỷ đồng còn lại của năm 2021 là nhiệm vụ chính trị quan trọng và phê bình nghiêm khắc những nơi có tỷ lệ giải ngân dưới 40%.

Khẳng định trên được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ tại hội nghị trực tuyến toàn quốc với các bộ ngành, địa phương về công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 ngày 28/9.

Thủ tướng thúc giải ngân 250.000 tỷ đồng, phê bình nơi đạt dưới 40% - 1

Thủ tướng biểu dương những nơi đạt giải ngân cao, phê bình nghiêm khắc những nơi có tỉ lệ giải ngân dưới 40% (Ảnh: Nhật Bắc/VGP).

Thủ tướng nhấn mạnh, việc giải ngân vốn đầu tư công cho đến hết năm nay cần thúc đẩy để đạt tỷ lệ cao nhất có thể, vừa bảo đảm tiến độ, vừa nâng cao chất lượng, siết chặt kỷ luật kỷ cương, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Đồng thời, người đứng đầu Chính phủ biểu dương những nơi đạt giải ngân cao, phê bình nghiêm khắc những nơi có tỷ lệ giải ngân dưới 40%.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong 8 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công mới chỉ đạt 183.320 tỷ đồng, đạt 39,74% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (461.300 tỷ đồng). Cũng theo báo cáo, kế hoạch giải ngân dự kiến đến 30/9 là 218.550 tỷ đồng, đạt 47,38% kế hoạch.

Vì sao chậm?

Chậm trễ vốn đầu tư công, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, là vì nhiều nguyên nhân khách quan. Theo đó, 2021 là năm chuyển tiếp giữa hai nhiệm kỳ và kiện toàn tổ chức, bộ máy, nhân sự gắn với đại hội Đảng và bầu cử Quốc hội, HĐND, UBND các cấp. 2021 cũng là năm đầu tiên của một chu kỳ kế hoạch mới, với ưu tiên đầu tư công tập trung chủ yếu vào công tác chuẩn bị cho giai đoạn 5 năm tới.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đối với các dự án khởi công mới trong giai đoạn 2021-2025, tập trung triển khai công tác chuẩn bị đầu tư những tháng đầu năm và chỉ triển khai thực hiện sau khi được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. 2021 là năm rất đặc biệt bởi chưa bao giờ nền kinh tế nước ta phải dồn tâm sức và nguồn lực cho công tác phòng, chống đại dịch như vậy và cũng chưa bao giờ nhiều tỉnh, thành phố, địa phương phải thực hiện các biện pháp giãn cách, hạn chế tiếp xúc như năm nay.

Thủ tướng thúc giải ngân 250.000 tỷ đồng, phê bình nơi đạt dưới 40% - 2

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đưa ra nhiều nguyên nhân khách quan (Ảnh: Nhật Bắc/VGP).

Tuy nhiên, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra một số nguyên nhân chủ quan của việc giải ngân 250.000 tỷ đồng vốn đầu tư công còn chậm trễ.

Điển hình là việc, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 63 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, đặt mục tiêu tới hết quý III giải ngân được 60%, đến hết năm đạt 90-95%. Thủ tướng đã ban hành Công điện số 1082 tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc giải ngân. Ngoài ra, các nghị quyết, văn bản khác của Chính phủ, Thủ tướng cũng đề cập rất nhiều tới nội dung này.

Thế nhưng, Thủ tướng chỉ rõ, tới nay, tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu và thiếu thông suốt, thiếu đồng bộ. Từ đó, dẫn tới việc giải ngân chậm, kết quả chưa được như mong muốn và việc khắc phục những hạn chế, yếu kém chưa được kịp thời. Chỉ có 4 bộ và 11 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt hơn 60%. Có 76/114 ban, bộ, cơ quan Trung ương, địa phương có tỉ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước (47%), có cơ quan chưa giải ngân được đồng nào. "Phải thẳng thắn nhìn thẳng vào sự thật, tập trung cao hơn, quyết liệt hơn, giải pháp cụ thể hơn", Thủ tướng yêu cầu.

Dịch bệnh diễn biến khó lường nhưng Thủ tướng cho rằng, trong điều kiện chung vẫn có cơ quan, địa phương giải ngân tốt, vì thế vấn đề vẫn là khâu tổ chức thực hiện.

Nguyên nhân chủ quan, theo Thủ tướng, biểu hiện ở một số điểm như xây dựng các dự án, chuẩn bị đầu tư tính toán không kỹ càng, dàn trải. Dàn trải dẫn tới thiếu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và không đúng bản chất đầu tư công là đầu tư cho phát triển. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp để tổ chức thực hiện có những nơi, những lúc thiếu tập trung, thiếu quyết liệt. Đặc biệt, kiểm tra, giám sát chưa nghiêm túc. Công tác giải phóng mặt bằng còn vướng mắc, có nơi thiếu minh bạch, không làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân.

"Công tác giải phóng mặt bằng liên quan tới người dân, nên cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, phải vận động để "dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo, dân làm". Có nơi Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo nên làm rất tốt", Thủ tướng thông tin tới các địa phương.

Thủ tướng thúc giải ngân 250.000 tỷ đồng, phê bình nơi đạt dưới 40% - 3

Lãnh đạo các địa phương phát biểu tại Hội nghị  (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Thông tin tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng cho biết tỉnh đã giải ngân 77,66% trong hơn 10.000 tỷ đồng vốn được giao, đứng thứ 7 trong số 63 tỉnh, thành phố. Điều này góp phần giúp tỉnh tăng trưởng khoảng 8% trong 9 tháng đầu năm, thu ngân sách đã đạt 82% kế hoạch, tăng 15% so cùng kỳ.

Cùng với Thanh Hóa, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn khẳng định, đến nay, tỉnh đã giải ngân hết số vốn 9.000 tỷ đồng mà Thủ tướng giao cho năm 2021. Quảng Ninh hiện đang tập trung giải ngân số vốn của tỉnh, đã đạt 72%. Theo ông, cần xác định giải ngân từng tháng, quý, lập tổ công tác đặc biệt thúc đẩy, gắn trách nhiệm người đứng đầu, các cơ quan liên quan như tài chính, kho bạc phải tiếp nhận hồ sơ 24/24 giờ, số liệu giải ngân phải công khai để các bên cùng biết, cùng phấn đấu.

Giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

Đề xuất các giải pháp giúp đẩy nhanh giải ngân 250.000 tỷ đồng vốn đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra 5 nhóm giải pháp và được Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh vào các nội dung như tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tính chủ động, sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với tình hình trong tổ chức thực hiện của các cấp chính quyền. Phải xem đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng từ nay đến cuối năm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành, đặc biệt là người đứng đầu.

Đồng thời, theo Thủ tướng các bộ ngành, địa phương phải giải ngân đạt tỷ lệ cao nhất có thể, vừa phải kịp tiến độ, vừa phải nâng cao chất lượng, hiệu quả của đầu tư công, siết chặt kỷ luật kỷ cương, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, chống lãng phí.

Đề hoàn thành kế hoạch, các Bộ ngành, địa phương cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, nêu cao tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân, tập thể, đặc biệt là nêu cao tinh thần tự lực tự cường, coi khó khăn thách thức là động lực để phấn đấu vươn lên, khắc phục các hạn chế, bất cập. 

Ngoài ra, người đứng đầu Chính phủ cũng đưa ra một số giải  pháp khác. Đầu tiên, các Bộ ngành, địa phương cần kiểm soát tốt dịch bệnh để sớm phục hồi và triển khai các hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh, trong đó có đầu tư công; bình tĩnh, tự tin để thực hiện các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh.