1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Thủ tướng: "Quản lý, sử dụng ODA nhiều bất cập và hạn chế"

(Dân trí) - Sau 20 năm Việt Nam nhận viện trợ trở lại của cộng đồng quốc tế, Thủ tướng đánh giá, năng lực hấp thụ viện trợ vẫn chưa cao, tiến độ thực hiện và giải ngân vốn ODA còn chậm so với kế hoạch, trong khi đó, quy trình, thủ tục còn nhiều vướng mắc.

Tại lễ kỷ niệm 20 năm hợp tác với các nhà tài trợ diễn ra sáng nay (17/10/2013), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ghi nhận, nguồn vốn ODA đã đóng góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời gian qua.

Theo đó, thời điểm 20 năm trước, khi cộng đồng tài trợ quốc tế chính thức nối lại viện trợ, Việt Nam vẫn còn là một nước nghèo, kém phát triển, đang trong giai đoạn đầu của công cuộc Đổi mới toàn diện đời sống kinh tế và xã hội của đất nước, thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 1991-2000. Cùng với sự hỗ trợ của nguồn lực bên ngoài, Việt Nam đã đạt được những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội to lớn và rất quan trọng, cải thiện đáng kể đời sống nhân dân và giảm mạnh tỷ lệ đói nghèo, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng GDP bình quân đạt trên 7%/năm đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng tài chính khu vực Châu Á (1997-2000). 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng (ảnh: VGP).
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng (ảnh: VGP).

Kế đến, việc triển khai thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2001-2010 với tốc độ tăng trưởng kinh tế  bình quân đạt gần 7,3%/năm, đã đưa Việt Nam bước vào Nhóm các nước có thu nhập trung bình với GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt khoảng 1.200 USD. Hội nhập kinh tế quốc tế được đẩy mạnh, Việt Nam đã gia nhập Tổ chức thương mại thế giới WTO năm 2007. 

Thủ tướng khẳng định, tuy chịu tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008-2010, Việt Nam luôn giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, cơ cấu kinh tế quốc gia đã có sự chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Việt Nam đã hoàn thành hầu hết các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ đặt ra cho năm 2015, đặc biệt là Mục tiêu giảm 50% hộ đói nghèo . 

Mặc dù vậy, Thủ tướng nói, "chúng tôi cũng thừa nhận rằng quá trình quản lý, sử dụng ODA ở Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập và hạn chế". Người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ, đó là năng lực hấp thụ viện trợ quốc gia chưa cao, tiến độ thực hiện và giải ngân vốn ODA còn chậm so với kế hoạch. 

Tuy khuôn khổ thể chế, pháp lý về quản lý và sử dụng ODA đã được cải thiện, song, Thủ tướng đánh giá, quy trình, thủ tục trong nước vẫn còn khác biệt với các nhà tài trợ quốc tế, làm cho quá trình triển khai thực hiện còn gặp phải vướng mắc, khó khăn. Hiện tại, các bất cập và hạn chế này đã và đang được khắc phục, cải thiện.

Chia sẻ những bài học kinh nghiệm trong 2 thập kỷ đi qua, Thủ tướng cho biết, điều đầu tiên chính là vai trò làm chủ quốc gia về chủ trương, chính sách và các mục tiêu phát triển với sự đồng tình và ủng hộ của các đối tác phát triển. Cùng với đó là việc đảm bảo “nguồn lực đối ứng” của Chính phủ; tạo môi trường pháp lý thuận lợi, tiệm cận các chuẩn mực quốc tế; và nâng cao chất lượng đối thoại chính sách phát triển.

Việt Nam đang thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm lần thứ ba (2011-2020), tập trung vào ba khâu đột phá chiến lược về cải cách thể chế, phát triển hạ tầng cơ sở đồng bộ và phát triển nguồn nhân lực đi đôi với chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhanh và bền vững. 

Để thực hiện Chiến lược này, Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam chủ trương dựa vào nội lực là chính, đa dạng hóa các nguồn lực cho phát triển, mở rộng sự tham gia của các chủ thể công và tư, đồng thời thực hiện chính sách hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện để tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài. 

Trong đó, nguồn lực ODA luôn giữ vai trò quan trọng để hỗ trợ thực hiện các ưu tiên phát triển, các đột phá chiến lược. Bao gồm việc hỗ trợ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình và dự án trên các lĩnh vực phát triển hạ tầng, xây dựng chính sách và phát triển thể chế, tăng cường năng lực con người, chăm sóc sức khỏe cho người dân, ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.

Bích Diệp