Thủ tướng nêu nhiều kết quả nổi bật về phát triển kinh tế 8 tháng qua

Trần Kháng

(Dân trí) - Kết luận nội dung thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ nhiều kết quả nổi bật của tình hình kinh tế 8 tháng qua.

Hôm nay (6/9), Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, thảo luận nhiều nội dung quan trọng. 

Phát biểu kết luận tại phiên họp, Thủ tướng nêu rõ 12 kết quả nổi bật trong 8 tháng qua, trong đó, có nhiều kết quả nổi bật về kinh tế.

Cụ thể, Thủ tướng cho biết, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, thúc đẩy tăng trưởng, tăng trưởng GDP quý III có thể đạt cao hơn quý II nếu không có những biến động lớn. Kết hợp chặt chẽ, linh hoạt, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa.

Thủ tướng nêu nhiều kết quả nổi bật về phát triển kinh tế 8 tháng qua - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm nay (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Thu ngân sách 8 tháng ước đạt 85,6% dự toán, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2021; xuất nhập khẩu 8 tháng đạt gần 498 tỷ USD, tăng 15,5%, xuất siêu 3,96 tỷ USD; xuất khẩu nông sản khoảng 36,3 tỷ USD, trong đó có khoảng 5 triệu tấn gạo; bảo đảm đủ điện, năng lượng dù sản xuất tăng cao; doanh nghiệp phát triển nhưng cung - cầu lao động bảo đảm, thị trường lao động phục hồi tốt.

Nền kinh tế tiếp tục phục hồi. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ổn định và có tăng trưởng. Sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh. Chỉ số IIP tháng 8 tăng 2,9% so tháng trước, tăng 15,6% so cùng kỳ và 8 tháng tăng 9,4%. Thương mại, dịch vụ sôi động, phục hồi nhanh ở tất cả các ngành. 

Vốn đầu tư toàn xã hội tiếp tục xu hướng tăng. Vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách Nhà nước 8 tháng đạt trên 285.400 tỷ đồng, bằng 51% kế hoạch, tăng 16,9% so với cùng kỳ. Vốn FDI thực hiện 8 tháng đạt 12,8 tỷ USD, tăng 10,5%, cao nhất từ năm 2018 đến nay.

Phát triển doanh nghiệp đạt kết quả tích cực. Số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động 8 tháng là gần 150.000 doanh nghiệp (gấp 1,43 lần số doanh nghiệp rời khỏi thị trường). Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 8 tháng là gần 3,64 triệu tỷ đồng, tăng 36,1% so với cùng kỳ.

Các loại hình thị trường từng bước phục hồi, được kiểm soát, phát triển theo hướng an toàn, cạnh tranh lành mạnh, đúng pháp luật, đúng bản chất. Tỷ lệ nợ công, nợ Chính phủ tiếp tục xu hướng giảm. Tỷ lệ nợ công/GDP năm 2020 là 55,9%, năm 2021 là 43,1%, năm 2022 dự kiến 42-43%; tỷ lệ nợ Chính phủ/GDP năm 2020 là 49,9%, năm 2021 là 39,1%, năm 2022 khoảng 40-41%, dưới trần cho phép, tạo dư địa để thực hiện chính sách tiền tệ.

Những vấn đề cấp bách được xử lý kịp thời, hiệu quả như xăng dầu, tỉ giá, giá cả các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất...

Cuối cùng, các vấn đề khác và nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài, dự án, doanh nghiệp kém hiệu quả được chỉ đạo giải quyết phù hợp, có kết quả, khơi thông nguồn lực cho nền kinh tế như Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đã hòa lưới điện Tổ máy số 2; xử lý, tháo gỡ vướng mắc đối với 3 Nhà máy đạm, Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, Nhà máy Gang thép Lào Cai.

Thủ tướng nhấn mạnh, tình hình còn nhiều khó khăn, thách thức do tình hình thế giới còn diễn biến phức tạp. Sức ép lạm phát rất cao.

Giải ngân đầu tư công chậm được cải thiện. Theo Thủ tướng, đây là vấn đề kéo dài nhiều năm nhưng chưa có giải pháp tích cực, nhưng nguyên nhân cơ bản dàn trải, manh mún, chia cắt, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương chưa thực sự tập trung chỉ đạo, thủ tục hành chính còn rườm rà.

Thu hút vốn FDI chưa được như kỳ vọng, trong đó, yếu tố rất quan trọng là thu hút vào đâu và giải ngân thế nào. Hoạt động sản xuất kinh doanh trong một số lĩnh vực còn khó khăn, số doanh nghiệp rút lui và giải thể còn cao...

Về định hướng thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu phải xác định khó khăn, thách thức nhiều hơn là cơ hội và thuận lợi; tiếp tục thực hiện đồng bộ, toàn diện, tổng thể, quyết liệt, hiệu quả các chủ trương, đường lối, các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, tăng cường phân cấp, phân quyền, nắm tình hình, ứng phó diễn biến mới.