1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Thủ tướng muốn “xóa sổ” tình trạng nông sản được mùa, mất giá

(Dân trí) - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng chế biến sâu là hướng đi quan trọng để chủ động với thị trường toàn cầu hay giải quyết tình trạng được mùa, mất giá.

Sáng nay (21/2), tại Hội nghị toàn quốc về thúc đẩy chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận sau 30 năm đổi mới, nông nghiệp Việt Nam có tiến bộ đáng mừng, từ một nước thiếu ăn trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu hàng tỷ USD. 

Thủ tướng muốn “xóa sổ” tình trạng nông sản được mùa, mất giá - 1
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Hiện nay, nông nghiệp Việt Nam còn tiềm năng lớn, có thể làm giàu từ nông nghiệp. Tuy vậy, lãng phí và thất thoát trong nông nghiệp vẫn còn cao trong các khâu chế biến, thu hoạch, bảo quản. Cơ giới hóa còn thấp, thấp hơn cả Thái Lan, nên năng suất lao động nông nghiệp thấp.

Thủ tướng nhất trí với quan điểm nếu không chế biến khó tăng giá trị nông sản và cho rằng đẩy mạnh xuất khẩu nông sản tươi cũng rất cần thiết, nhưng chế biến sâu là hướng đi quan trọng.

“Chế biến giúp chúng ta chủ động với thị trường toàn cầu, hay giải quyết tình trạng được mùa, mất giá. Ví dụ như thanh long có thể giữ 20 ngày, chuối 40 ngày nên nếu vận chuyển xa thì khó giữ tươi, khâu bảo quản phức tạp” - Thủ tướng nói.

Ở Việt Nam, nơi đâu cũng có đặc sản và sản phẩm nông nghiệp, vậy nên vấn đề tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường là điều rất quan trọng. Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của thị trường nội địa trong thời gian tới, đây được xem là ưu tiên hàng đầu để nhân dân có nông thủy sản sạch, có chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Theo Thủ tướng, cần xây dựng thương hiệu nông sản và từ đó có thể quy hoạch vùng nguyên liệu quy mô lớn, bởi bây giờ làm nhỏ lẻ thì không ăn thua. Muốn vào siêu thị lớn, trung tâm lớn, xuất khẩu lớn thì quy hoạch vùng nguyên liệu rất quan trọng.

Về cạnh tranh, Thủ tướng nêu quan điểm muốn cạnh tranh được cần tiếp tục giảm giá thành, giảm chi phí, nhất là chi phí logistics, chi phí vận chuyển, đơn cử như trường hợp xuất khẩu một quả xoài từ Đồng Tháp thì chi phí logistics chiếm khoảng 50%.

Thủ tướng muốn “xóa sổ” tình trạng nông sản được mùa, mất giá - 2

Hội nghị toàn quốc về thúc đẩy chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp, sáng 21/2

Thủ tướng cũng nêu rõ yêu cầu về xây dựng một nền nông nghiệp tín nhiệm, đó là nông nghiệp sạch, an toàn, chất lượng, nông nghiệp hữu cơ.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh tầm nhìn phát triển công nghiệp chế biến nông sản, phấn đấu đến 2030 đứng trong tốp 10 thế giới, là một trung tâm chế biến sâu và logistics nông sản toàn cầu.

Về tầm nhìn phát triển cơ giới hóa nông nghiệp, phấn đấu đến 2030, cơ giới hóa đồng bộ, hiện đại ở các ngành hàng chủ lực, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và giảm tổn thất trong nông nghiệp. Từ tầm nhìn này, cần thiết kế các giải pháp, nhất là đối với các khâu còn yếu như khâu giết mổ trong chăn nuôi, khâu bảo quản trong trồng trọt, một khâu còn thất thoát lớn…

Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, khẩn trương hoàn thành xây dựng và trình Thủ tướng phê duyệt Chiến lược phát triển cơ giới hóa và công nghiệp chế biến nông sản đến năm 2030 và Đề án phát triển 3 ngành chế biến để phấn đầu đứng trong top 5 nước hàng đầu thế giới về: Chế biến rau, củ, quả; thủy, hải sản; gỗ và sản phẩm từ gỗ; trình Chính phủ ban hành Nghị định về chính sách đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp thay thế Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013.

Bộ Công Thương triển khai Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam, trong đó có các loại máy kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp, các loại máy canh tác, bảo quản, chế biến sản phẩm nông lâm ngư nghiệp thuộc danh mục ưu tiên đầu tư phát triển…

Châu Như Quỳnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm