Hàng trăm xe nông sản vẫn "bất động" ở cửa khẩu, chờ sang Trung Quốc

(Dân trí) - Tại cửa khẩu Hữu Nghị còn tồn 114 xe hàng trái cây, trong khi đó, tại cửa khẩu Kim Thành II, hiện còn tồn 120 xe trái cây, chủ yếu là thanh long.

Hàng trăm xe nông sản vẫn bất động ở cửa khẩu, chờ sang Trung Quốc - 1
Hình minh hoạ.

Số liệu của Bộ Công Thương tính đến ngày 10/2 cho thấy vẫn còn tình trạng ách tắc xe nông sản tại một số cửa khẩu.

Cụ thể, tại tỉnh Lạng Sơn, ở cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị đã xuất khẩu được 31 xe. Trong đó có 25 xe trái cây như thanh long, dưa hấu, mít, nhãn và linh kiện điện tử; đã nhập khẩu 25 xe gồm linh kiện điện tử, máy móc thiết bị, trái cây (táo, cam), nông sản khác (hành, tỏi, nấm).

Như vậy, tại cửa khẩu này còn tồn 114 xe hàng trái cây (thanh long, mít, ớt, nhãn) và linh kiện điện tử.

Còn tại cửa khẩu Tân Thanh và Cốc Nam đều không phát sinh hoạt động xuất nhập khẩu. Riêng tại cửa khẩu Cốc Nam, còn tồn 10 xe nông sản, tạp hóa các loại.

Ở cửa khẩu Ga Đồng Đăng: Còn tồn 37 toa (7 toa thanh long chờ xuất khẩu, 37 toa thép chờ nhập khẩu).

Tại tỉnh Lào Cai, Bộ Công Thương cho biết từ chiều ngày 09 đến sáng ngày 10/02/2020, đã có 12 xe trái cây (thanh long, chuối, mít, dưa hấu) xuất khẩu chính ngạch.

Tuy nhiên, tiến độ thông quan bên phía Trung Quốc vẫn chậm do thiếu nhân lực liên quan đến quá trình giao nhận hàng hóa, 7 xe trái cây làm thủ tục xuất khẩu từ sáng ngày 08/02 đến tối ngày 09/02 mới hoàn thành tất cả các khâu giao nhận liên quan tại phía Trung Quốc.

Tại cửa khẩu Kim Thành II, hiện còn tồn 120 xe trái cây gồm 100 xe thanh long, 2 xe chuối, còn lại là mít và dưa hấu.

Trong một cuộc họp diễn ra mới đây, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu nhận định trước mắt, công tác điều tiết là hết sức quan trọng để tránh ùn ứ tại cửa khẩu. Bộ Công Thương đã thông báo với các tỉnh để điều tiết, tránh đưa hàng lên biên giới khi việc giao thương tại các cửa khẩu còn hạn chế. Mặt khác, Bộ cũng đang triển khai các giải pháp tìm kiếm các thị trường thay thế và hướng vào thị trường trong nước.

Bà Lê Hoàng Oanh, Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Á - Châu Phi nhấn mạnh việc tìm kiếm các thị trường, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại để góp phần đa dạng hóa thị trường.

Tuy nhiên, yếu tố đảm bảo chất lượng, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng là điều kiện tiên quyết để hàng hóa có thể xuất khẩu bền vững vào thị trường Trung Quốc cũng như các thị trường khác.

Trong khi đó một số cửa khẩu vẫn tiếp tục lùi thời gian thông quan do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Cụ thể, Bộ Công Thương cho biết đã nhận được thông tin từ Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Tây (Trung Quốc) cho biết, chính quyền tỉnh Quảng Tây đã quyết định kéo dài thời gian đóng cửa các chợ biên giới và tiếp tục tạm dừng hoạt động trao đổi hàng hóa cư dân biên giới. Thời gian dự kiến trước mắt là tới cuối tháng 2/2020.

Về phía chính quyền tỉnh Vân Nam, Bộ Công Thương cho biết, hiện chưa có thông tin chính thức nhưng trước những diễn biến phức tạp của dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra, nhiều khả năng chính quyền tỉnh Vân Nam cũng sẽ đưa ra quyết định tương tự.

Theo Bộ Công Thương, dù đã có nhiều nỗ lực để chuyển đổi xuất khẩu sang hình thức chính ngạch trong những năm qua nhưng cho tới nay, xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân tại các chợ biên giới vẫn là phương thức xuất khẩu chủ yếu đối với một số chủng loại nông sản của nước ta, trong đó có thanh long và dưa hấu.

“Vì vậy, quyết định kéo dài thời gian đóng cửa các chợ biên giới và tiếp tục tạm dừng hoạt động trao đổi hàng hóa cư dân biên giới của chính quyền 2 tỉnh Quảng Tây và Vân Nam dự kiến sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc xuất khẩu các loại nông sản này”, Bộ Công Thương nhận định.

Nguyễn Mạnh