Họp khẩn "gỡ" đầu ra nông sản: Đừng để dân nghĩ giải cứu là “đồ không ngon”

(Dân trí) - Lãnh đạo Bộ Công Thương cùng doanh nghiệp bán lẻ đều thống nhất việc các sản phẩm "giải cứu" phải đảm bảo được chất lượng. Hỗ trợ người nông dân song "không quên" quyền lợi người tiêu dùng.

Họp khẩn gỡ đầu ra nông sản: Đừng để dân nghĩ giải cứu là “đồ không ngon” - 1
Cuộc họp lãnh đạo Bộ Công Thương, các Sở Công Thương địa phương về việc tiêu thụ nông sản xuất khẩu do ảnh hưởng dịch virus corona chiều 11/2.

Nông sản Việt “khổ" vì virus corona

Cả trăm xe chở nông sản lại lâm vào cảnh ùn ứ tại cửa khẩu chờ thông quan do tác động từ dịch virus corona. Theo số liệu của Bộ Công Thương, tính đến ngày 10/2 tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị còn tồn hơn 100 xe hàng trái cây. Tại cửa khẩu Kim Thành II, hiện còn tồn 120 xe trái cây gồm 100 xe thanh long, 2 xe chuối, còn lại là mít và dưa hấu…

Phát biểu tại cuộc họp tháo gỡ đầu ra cho nông sản tại Bộ Công Thương chiều nay (11/2), ông Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp cho biết, nhiều doanh nghiệp nông sản của tỉnh này điêu đứng khi Trung Quốc đóng cửa khẩu do dịch corona. Bởi hầu hết các sản phẩm nông sản của Đồng Tháp hiện nay chủ yếu xuất sang Trung Quốc.

"Do hoạt động giao thương giữa hai nước đang tạm bị ngưng trệ nên nhiều sản phẩm của Đồng Tháp bị tồn đọng. Cụ thể, khoai lang bị đình trệ khoảng 11.000 tấn, quả ớt là 6.700 tấn... Bên cạnh đó, 90.000 tấn xoài sẽ thu hoạch trong khoảng 30 ngày ngày tới, bà con nông dân đang rất lo lắng", Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp thông tin.

Vị này cho rằng, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ hợp tác xã và người sản xuất về chi phí vận chuyển tiêu thụ hàng hóa, vay vốn ngân hàng, chi phí lưu kho, logistics…

Tương tự, lãnh đạo Sở Công Thương Bắc Giang cũng cho biết, mặt hàng nông sản của tỉnh Bắc Giang đang bị ảnh hưởng bởi dịch viêm phổi corona.

“Tỉnh đang trong quá trình tìm hướng đi cho quả vải thiều năm nay. Mọi năm, quả vải xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm chủ yếu. Do vậy, trong điều kiện dịch virus Corona đang diễn biến phức tạp, Sở Công Thương Bắc Giang mong muốn Bộ có giải pháp tìm đầu ra cho quả vải”, vị này cho biết.

Một lãnh đạo khác đến từ Sở Công Thương Bình Thuận cũng cho biết, nông sản tại địa phương này cũng trong tình trạng điêu đứng do ảnh hưởng từ dịch bệnh. Trong đó, quả thanh long là sản phẩm đang gặp khó nhiều nhất bởi đang thời điểm thu hoạch.

Vị này cho biết, nhiều doanh nghiệp thu mua nông sản đề xuất với sở để sở kiến nghị với Bộ Công Thương chỉ đạo EVN có biện pháp hỗ trợ chi phí điện cho doanh nghiệp để bảo quản nông sản ở các kho lạnh. Đồng thời kiến nghị Tổng cục Thuế giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.

Với việc Trung Quốc đóng cửa biên giới do dịch virus corona, nhiều mặt hàng nông sản của tỉnh Sơn La cũng gặp ách tắc.

Theo thông tin từ lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh này, nhiều mặt hàng như xoài, nhãn, mận, chuối, thanh long, chanh leo… đang vào mùa thu hoạch sẽ bị ảnh hưởng nặng. Sở đã kiến nghị Bộ Công Thương hỗ trợ, để tỉnh có thể giới thiệu sản phẩm nông sản ra nhiều quốc gia khác, không chỉ thị trường Trung Quốc.

Giải cứu rồi lại bất ngờ “không cần giải cứu”

Có mặt tại cuộc họp, đại diện đến từ Aeon Việt Nam cho biết, vừa qua hệ thống siêu thị này đã hỗ trợ giải cứu các mặt hàng thanh long, dưa hấu. Trung bình một ngày tiêu thụ tới 60 tấn dưa hấu, 20 tấn thanh long.

Tuy nhiên, theo vị này, họ bất ngờ khi hôm qua nhận được thông tin không cần giải cứu nữa. “Chúng tôi không rõ vì sao. Không biết vì hàng hoá đã thông quan được nên không cần giải cứu nữa hay vì sao", vị này nói về đề nghị các Sở Công Thương địa phương cung cấp số liệu rõ ràng để doanh nghiệp có thể chủ động.

Ngoài ra, đại diện Aeon cũng cho rằng, cần phải đảm bảo được chất lượng tốt đối với các mặt hàng “giải cứu". “Chúng tôi hỗ trợ nhưng luôn đảm bảo đưa đến người tiêu dùng sản phẩm chất lượng tốt. Không để người tiêu dùng nghĩ rằng mua giải cứu thì sản phẩm không ngon”, vị đại diện Aeon nhấn mạnh.

Đại diện Aeon Việt Nam kiến nghị nhận được sự phối hợp tốt nhất từ Bộ Công Thương nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản Việt Nam. “Không chỉ tiêu thị trường nước, chúng tôi còn hướng tới xuất khẩu sang các thị trường khác”, đại diện Aeon cho biết.

Trong khi đó, đại diện từ MM Mega Market cho rằng, cần có chiến lược dài hơi bền vững cho nông sản Việt, đa dạng hoá thị trường để tránh kiểu một thị trường không mua là sản phẩm gặp khó.

Kết luận tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải mong báo chí, dư luận không dùng từ “giải cứu". Bởi dùng từ giải cứu khiến có cảm giác không bình đẳng với người nông dân.

Họp khẩn gỡ đầu ra nông sản: Đừng để dân nghĩ giải cứu là “đồ không ngon” - 2
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng không nên dùng từ "giải cứu".

Ngoài ra ông Hải cũng đồng quan điểm cho rằng, một mặt tiêu thụ đầu ra cho người nông dân, một mặt vẫn phải đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng. Cụ thể phải đảm bảo được quy định chung về chất lượng, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

“Không phải chỉ tính 1 năm mà còn nhiều năm khác. Tại cuộc họp này, doanh nghiệp đã đưa ra yêu cầu hết sức cụ thể. Sở phải cung cấp thông tin sản lượng, chất lượng từng thời điểm, phối hợp, kết nối với họ”, ông Hải nhấn mạnh.

Nguyễn Mạnh