1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Thủ tướng: "Lợi ích cục bộ là rào cản lớn của tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn"

(Dân trí) - Theo đánh giá của Thủ tướng, vướng mắc lớn nhất khiến tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước khỏi doanh nghiệp vừa qua diễn ra chậm chính là "lợi ích và động lực". Do đó, Thủ tướng nêu rõ, bộ nào, chủ tịch, tổng giám đốc tập đoàn nào không làm, làm chậm và làm thất thoát thì phải xử lý.

Vướng mắc lớn nhất chính là "lợi ích và động lực"

Chiều qua (6/12), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các Phó Thủ tướng chủ trì Hội nghị toàn quốc triển khai công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) giai đoạn 2016-2020.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng khẳng định, sắp xếp, tái cơ cấu DNNN là nhiệm vụ chính trị quan trọng của năm 2017. Việc sắp xếp lại, cổ phần hóa DNNN cần phải được thực hiện đúng lộ trình, đúng cách làm để thay đổi quản trị DN, tạo môi trường lành mạnh minh bạch, công bằng và tạo điều kiện cho DN tư nhân cùng phát triển mạnh mẽ. Điều đặc biệt hơn nữa, với việc nhiều cổ đông cùng giám sát vốn, công tác cổ phần hóa và tái cơ cấu sẽ góp phần phòng chống tham nhũng.

Ngoài ra, việc thoái vốn cũng là điều cần thiết đặt giữa bối cảnh tài sản và vốn ở DNNN là hơn 5 triệu tỷ đồng, trong khi đó tỷ lệ nợ công còn cao, cần huy động nguồn lực để đầu tư phát triển, nhất là làm những công trình hạ tầng quan trọng.

Thủ tướng phát biểu kết luận hội nghị
Thủ tướng phát biểu kết luận hội nghị

Tuy nhiên, số liệu báo cáo của Ban Đổi mới DNNN cho thấy, tỷ trọng thoái vốn tại 5 lĩnh vực nhạy cảm mới chỉ đạt 42%, tức còn 58% chưa thoái vốn và cũng chỉ mới cổ phần hóa được 8% số vốn, tức là còn 92% hoàn toàn là vốn Nhà nước trong DNNN.

"Số lượng DNNN có thể giảm đi nhưng tỷ lệ cổ phần hóa rất thấp, tức là cơ bản chúng ta chưa làm được bao nhiêu, vẫn rất nhỏ lẻ, rất ít, chưa thay đổi được cơ cấu của DN để quản trị tốt hơn", Thủ tướng nhận định.

Đồng thời, người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng, "chúng ta cứ ngại, chúng ta không làm, chúng ta cứ để mãi như vậy thì chúng ta không bao giờ cổ phần hóa, không bao giờ sắp xếp lại được DNNN".

Phân tích về những nguyên nhân gây ra chậm trễ, Thủ tướng cho rằng, bên cạnh những nguyên nhân khách quan như vướng mắc về thể chế, về cách làm thì bên cạnh đó cũng có một số nguyên nhân chủ quan. Cụ thể, vướng mắc lớn nhất chính là "lợi ích và động lực".

"Lợi ích cục bộ chính là rào cản lớn đối với tiến trình cổ phần hóa, chưa tạo được động lực thực sự để đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn", Thủ tướng nhận định.

Cùng với đó, đề án xây dựng đã chậm, nhưng duyệt cũng chậm; sự phối hợp giữa các bộ, ban, ngành trong cổ phần hóa, hoàn thiện thể chế, một số chính sách chưa chặt chẽ, chưa ăn ý, chưa kịp thời. Năng lực quản lý điều hành của cán bộ DNNN chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn đòi hỏi...

Đừng để sân trước, sân sau

Do đó, một trong những yêu cầu lớn về tái cơ cấu DNNN mà Thủ tướng đặt ra là phải tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy cổ phần hóa và tạo môi trường cạnh tranh, cả thị trường đầu vào và đầu ra trong hoạt động của DNNN.

"Sự yếu kém của DNNN là bởi lãnh đạo DNNN không phải là chủ sở hữu thật nên ít có động lực cao độ để làm việc hiệu quả và cũng không bị giám sát chặt chẽ bởi chủ sở hữu hay thị trường như trường hợp doanh nghiệp tư nhân. DNNN thường hoạt động trong môi trường ít cạnh tranh, cả thị trường đầu vào và đầu ra", Thủ tướng nói.

Riêng giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng yêu cầu phải lành mạnh hóa hoạt động của doanh nghiệp, giải quyết tốt những vướng mắc, mâu thuẫn có thể là rào cản đối với tiến trình cổ phần hóa, giao trách nhiệm cá nhân cho lãnh đạo từng bộ, ngành, địa phương.

"Tôi xin nói lại bộ nào, chủ tịch, tổng giám đốc tập đoàn nào không làm, làm chậm và làm thất thoát thì phải xử lý", Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong quá trình sắp xếp cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước, mục tiêu quan trọng nhất là phải bảo đảm lợi ích cao nhất cho Nhà nước, nghĩa là bán đúng giá trị thị trường thời điểm bán. Để thực hiện mục tiêu này, cần mời tư vấn quốc tế và trong nước có uy tín, trình độ tham gia vào quá trình này.

Đồng thời, ban hành quy định về bán toàn bộ doanh nghiệp Nhà nước, bao gồm cả tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; quy định về xử lý đất đai đối với các doanh nghiệp quản lý nhiều đất đai ở những vị trí có lợi thế thương mại cao.

Đồng ý gắn cổ phần hóa với niêm yết, Thủ tướng cho rằng, phải công khai, minh bạch, chống lợi ích nhóm. "Mù mờ là không được. Hôm nay hoan nghênh Bộ Công Thương là Sabeco đã lên sàn. Chúng ta để thất thoát tài sản Nhà nước là có lỗi với nhân dân, với đất nước".

"Đến nay, ta vẫn còn gần 100 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước lớn, chiếm giá trị từ 70-100% vốn Nhà nước. Chúng ta phải tăng cường quản lý tốt nhất, đừng để sân trước, sân sau" - Thủ tướng nói.

Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm