Thủ tướng: Kinh tế phục hồi tích cực, tăng trưởng vượt kịch bản

Phương Liên

(Dân trí) - Thủ tướng đánh giá nền kinh tế nửa đầu năm nay đã phục hồi tích cực, tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước, tăng trưởng vượt kịch bản đề ra, ở mức cao của khu vực và thế giới.

Kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực, tăng trưởng vượt kịch bản

Sáng nay 6/7, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá nền kinh tế Việt Nam đã thể hiện rõ sự phục hồi tích cực trong nửa đầu năm nay, bất chấp những khó khăn, thách thức trên cả thị trường trong nước và quốc tế nhiều hơn cơ hội và thuận lợi.

Theo Thủ tướng, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước còn nhiều biến động, nền kinh tế đã thể hiện rõ sự phục hồi tích cực, tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, nền kinh tế đạt nhiều kết quả quan trọng, tốt hơn cùng kỳ năm 2023 trên hầu hết lĩnh vực và tốt hơn 6 tháng cuối năm 2023.

Trong đó, tăng trưởng GDP quý II đạt 6,93%, 6 tháng đạt 6,42%, vượt kịch bản đề ra, là mức cao của khu vực và thế giới. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát khoảng 4%, các cân đối lớn được bảo đảm, an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm tốt.

Thủ tướng: Kinh tế phục hồi tích cực, tăng trưởng vượt kịch bản - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 và Hội nghị Chính phủ với các địa phương (Ảnh: VGP).

Bên cạnh đó, lãnh đạo Chính phủ cũng cho biết những năm qua đã tiết kiệm được khoảng 700.000 tỷ đồng để thực hiện tăng lương từ ngày 1/7 và đưa ra giải pháp phù hợp để vừa thực hiện Nghị quyết 27 của Trung ương theo lộ trình, vừa phù hợp điều kiện, tình hình đất nước và yêu cầu bảo đảm các cân đối lớn, bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các đối tượng được thụ hưởng.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định kinh tế nước ta đã phục hồi trở lại, được các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp đánh giá cao.

Cập nhật nhanh các số liệu tăng trưởng nửa đầu năm, ông Dũng cho biết tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt gần 15,2 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ, trong đó FDI đăng ký mới đạt hơn 9,5 tỷ USD, tăng 47%. Vốn FDI thực hiện đạt khoảng 10,8 tỷ USD, tăng 8%. Nhiều dự án FDI lớn trong các lĩnh vực bán dẫn, điện tử, năng lượng… được đầu tư mới và mở rộng.

GDP cả năm dự kiến đạt 6,5-7%

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết nếu đà tăng trưởng tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh hơn, tốc độ tăng trưởng năm 2024 có khả năng sẽ đạt, thậm chí vượt cận trên mục tiêu Quốc hội đề ra là 6,5%.

Trên cơ sở kết quả đạt được, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật kịch bản tăng trưởng năm 2024. Trong đó, theo kịch bản 1, tăng trưởng cả năm đạt 6,5%, tăng trưởng quý III là 6,5%, quý IV là 6,6%.

Với kịch bản 2, Bộ dự kiến tăng trưởng cả năm đạt 7%, trong đó tăng trưởng quý III là 7,4%, quý IV là 7,6%.

Bộ này kiến nghị lựa chọn kịch bản tăng trưởng cả năm 6,5-7%, phấn đấu đạt mức cao 7% dựa trên các yếu tố như xu hướng tăng trưởng tích cực từ các khu vực kinh tế; đầu tư tư nhân và doanh nghiệp Nhà nước phục hồi nhanh, đầu tư FDI duy trì được đà tăng trưởng tích cực; duy trì và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, nhất là việc tập trung vào các thị trường lớn có dấu hiệu chậm lại như Trung Quốc, Nhật Bản…

Thủ tướng: Kinh tế phục hồi tích cực, tăng trưởng vượt kịch bản - 2

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp (Ảnh: VGP).

Chỉ đạo tại phiên họp, Thủ tướng cho biết bên cạnh những kết quả kể trên, tình hình kinh tế, xã hội vẫn còn những tồn tại, hạn chế như sức ép lạm phát còn cao; tình hình sản xuất, kinh doanh trong một số lĩnh vực còn khó khăn; tình hình cháy nổ, an ninh trật tự, an toàn giao thông trên một số địa bàn còn phức tạp; kỷ luật kỷ cương có nơi, có lúc chưa nghiêm, còn tình trạng cán bộ, công chức sợ sai, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.

Thủ tướng đề nghị trên cơ sở thực tiễn cùng với các báo cáo, cần chỉ rõ những vướng mắc, điểm nghẽn, nhất là vướng mắc về pháp lý, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, khả thi, hiệu quả cho thời gian tới để khắc phục các khó khăn, bất cập.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan cần tích cực, chủ động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, xác định "rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ hiệu quả" để kiểm tra, đánh giá, phê bình, khen thưởng phù hợp.