1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Thủ tướng: Không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế

Văn Hưng

(Dân trí) - Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng cần xử lý nghiêm hành vi vi phạm trên thị trường tài chính nhưng không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế.

Tại hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì chiều 22/4, Thiếu tướng Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Bộ Công an, nhìn nhận thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn hiệu quả của nền kinh tế.

Tuy nhiên, thời gian qua xuất hiện những hành vi thiếu minh bạch trên thị trường với nhiều thủ đoạn tinh vi phức tạp.

Phân tích các hành vi vi phạm, ông cho biết chủ yếu tập trung vào các hành vi như công bố thông tin không đúng sự thật, thao túng giá chứng khoán và các hành vi này chưa đến mức xử lý hình sự; cung cấp, đưa thông tin sai lệch thất thiệt trên các trang mạng xã hội và lôi kéo các nhóm đầu tư, nhóm tư vấn mua bán gây thiệt hại cho nhà đầu tư có chiều hướng gia tăng.

Bên cạnh đó, dòng tiền nhàn rỗi chưa được đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhiều nhà đầu tư "dồn" tiền vào chứng khoán gây tiềm ẩn gia tăng nợ xấu và an toàn an ninh tiền tệ.

Thủ tướng: Không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế - 1

Thiếu tướng Lê Văn Tuyến cho biết Bộ Công an đang triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để đảm bảo an ninh tài chính, an ninh kinh tế (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Với trái phiếu, xuất hiện tình trạng doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu nhỏ, kết quả sản xuất kinh doanh thấp, thua lỗ nhưng vẫn phát hành khối lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp với mục đích huy động vốn cho công ty mình; phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhưng sử dụng sai mục đích, mức lãi suất trái phiếu cao khiến doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ mất khả năng thanh toán cũng như là vỡ nợ.

"Tội phạm trên lĩnh vực tài chính tiền tệ được coi là tội phạm ẩn diễn ra thời gian dài, khi bị phát hiện gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế và cũng gây khó khăn trong quá trình phát hiện điều tra xử lý của các cơ quan chức năng", Thiếu tướng Lê Văn Tuyến nói.

Thời gian qua, Bộ Công an đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan tập trung chỉ đạo công an các địa phương điều tra làm rõ những vi phạm trên thị trường chứng khoán và phát hành trái phiếu doanh nghiệp, xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm, góp phần minh bạch, củng cố niềm tin cho nhà đầu tư.

Cơ quan công an đề nghị Bộ Tài chính xem xét, đề xuất sửa đổi bổ sung Nghị định 156 xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực chứng khoán theo hướng tăng khung hình phạt, mở rộng các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này.

Các bộ, ngành cần tăng cường phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nâng cao hiệu quả hệ thống cảnh báo cảnh báo sớm trên lĩnh vực ngân hàng, tài chính chủ động phát hiện rủi ro tiềm ẩn, kịp thời có biện pháp phòng ngừa khắc phục lỗ hổng.

Sau phần phát biểu của Thứ trưởng Bộ Công an, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế.

Đối với việc xử lý cá nhân vi phạm trên thị trường vốn, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch Công ty cổ phần cơ điện lạnh (REE), cho rằng cần bổ sung hay cập nhật thêm khuôn khổ pháp lý, bởi vì những phát sinh từ thực tế rất nhiều.

"Tôi rất thích nghe Thủ tướng nói là không nên hình sự hóa các quan hệ dân sự kinh tế, nhưng tất nhiên những ai cố tình làm hại thị trường thì phải được xử lý", bà Thanh bày tỏ.

Lãnh đạo REE kiến nghị cần có thêm các quy định chặt chẽ hơn về người chịu trách nhiệm và tài sản thế chấp trên thị trường vốn. Chế tài cũng cần được đặt ra đối với những trường hợp đã đi chệch hướng và ảnh hưởng đến thị trường, nhà đầu tư. Về pháp lý, luật cần củng cố thêm trách nhiệm của các cơ quan kiểm toán, định giá và giám sát tài sản.

Đại diện doanh nghiệp mong muốn Chính phủ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, một môi trường kinh doanh ngày càng minh bạch và bình đẳng để các doanh nhân có thể tiếp tục dấn thân cùng nhau xây dựng nền kinh tế nước nhà.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm