Thủ tướng gọi thẳng thói xấu các bộ, ngành: "quyền anh, quyền tôi"
(Dân trí) - Yêu cầu bộ, ngành “xắn tay áo” vào cuộc, phải đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng nhấn mạnh: “Không phải quyền anh, quyền tôi mà phải vì đất nước, dân tộc và 100 triệu dân Việt Nam”.
Thủ tướng: “Không phải quyền anh, quyền tôi, phải vì 100 triệu dân”
“Để vực dậy nền kinh tế, các bộ, ngành phải xắn tay áo vào cuộc, phải đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp. Không phải quyền anh, quyền tôi mà phải vì đất nước, dân tộc và 100 triệu dân Việt Nam”.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, nền kinh tế Việt Nam như lò xo bị nén lại hiện tại bật lên phát triển. Chính phủ không thể trực tiếp giúp doanh nghiệp tăng lợi nhuận, nhưng Chính phủ sẽ tìm cách thức giúp doanh nghiệp tăng năng suất, chỉ có tăng năng suất mới là nguồn gốc bền vững.
Theo Thủ tướng, từ hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp ngày 9/5, phải có kết quả cụ thể, không nói suông, không nói xong để đó, phải thể hiện được tinh thần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tăng tốc phát triển. Bởi ngoài sự nỗ lực của doanh nghiệp và người dân thì vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước, các cấp, các ngành rất quan trọng.
Bộ Tài chính đình chỉ công tác 7 Cục trưởng vì cho gửi hàng trái phép
Trong tuần này, Bộ Tài chính đã tạm đình chỉ công tác để kiểm điểm làm rõ sai phạm đối với 7 Cục trưởng, Chi cục trưởng Chi cục Dự trữ Nhà nước đã cho gửi hàng vào kho dự trữ Nhà nước trái quy định.
Cụ thể, kiểm tra tại các điểm kho dự trữ của 22 Cục dự trữ nhà nước, đoàn kiểm tra của Bộ Tài chính cho biết có 7/22 Cục Dự trữ nhà nước khu vực đã để các tổ chức, cá nhân gửi gạo trong kho dự trữ của nhà nước không đúng với quy định.
Các cục dự trữ Nhà nước khu vực sai phạm này là Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Hà Bắc, Đông Bắc, Bắc Thái, Hà Nội, Hà Nam Ninh, Bình Trị Thiên và Thanh Hóa.
Bộ Tài chính khẳng định đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân đã để xảy ra các sai phạm. Đặc biệt, Bộ đã yêu cầu đoàn kiểm tra của Thanh tra Bộ Tài chính có trách nhiệm chuyển ngay hồ sơ vụ việc sai phạm sang Cơ quan Điều tra - Bộ Công an để điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.
Bị chỉ trích, Bộ Tài chính vẫn giữ giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng
Tại báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổng hợp trước thềm Hội nghị Chính phủ với các doanh nghiệp dự kiến diễn ra ngày 9/5, Bộ Tài chính vẫn bảo lưu quan điểm báo cáo Chính phủ cho ý kiến về việc điều chỉnh tăng mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế từ 9 triệu đồng/tháng lên mức 11 triệu đồng/tháng.
Mức giảm trừ gia cảnh cho mỗi người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng/tháng lên mức 4,4 triệu đồng/tháng.
Bộ này cho rằng, sẽ có khoảng 6,8 triệu người nộp thuế được hưởng lợi, trong đó có khoảng 1 triệu người đang thuộc diện phải nộp thuế sẽ không phát sinh số thuế thu nhập cá nhân phải nộp, số thu thuế thu nhập cá nhân sẽ giảm khoảng 10.300 tỷ đồng mỗi năm.
PGS, TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên Học viện Tài chính - cho rằng: “Lấy cách tính của Bộ Tài chính, dựa vào con số tăng tỷ lệ lạm phát 23,2% cuối kỳ, là không hợp lý”.
Dựa trên các cách tính về chỉ số giá tiêu dùng (CPI), việc tăng mức giảm trừ gia cảnh ít ra phải là từ 12,8 - 13,5 triệu đồng/cá nhân và mức giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc là 5,1 đến 5,4 triệu đồng/người/tháng.
Tiếp tục “cấm cửa” kinh doanh vũ trường, karaoke vì Covid-19
Nhấn mạnh trong kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vào sáng 7/5, Thủ tướng yêu cầu: Mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp xác lập tình trạng bình thường mới trong cuộc sống và các hoạt động kinh tế-xã hội để dần trở lại bình thường; đẩy mạnh phục hồi kinh tế, xây dựng đất nước là nhiệm vụ ưu tiên quan trọng, cần tập trung ở mọi cấp, mọi ngành. Nhưng cũng không được chủ quan, coi thường dịch bệnh Covid-19.
Các dịch vụ kinh doanh dịch vụ không thiết yếu được mở cửa trở lại bình thường, trừ vũ trường và karaoke, phải đảm bảo các điều kiện phòng, chống dịch bệnh (đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn).
Về thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu phụ trên tuyến biên giới Việt Nam-Trung Quốc, Thủ tướng đồng ý cho phép mở lại một số cửa khẩu phụ, lối mở theo đề xuất của tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh.
“Hỏa tốc” dỡ bỏ hoàn toàn giãn cách vận tải, khôi phục hàng không, xe khách
Quyết định dỡ bỏ giãn cách vận tải hành khách được đưa ra sau cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 tại cuộc họp ngày 6/5. Tình hình dịch ở Việt Nam hiện cơ bản được kiểm soát, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng đã giảm (20 ngày qua Việt Nam không có ca nhiễm mới trong cộng đồng).
Việc dỡ bỏ giãn cách nhằm tháo gỡ khó khăn, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải và vẫn đảm bảo hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid- 19 cho người điều khiển, tiếp viên, nhân viên phục vụ và hành khách khi tham gia giao thông trên phương tiện vận tải hành khách, Bộ GTVT yêu cầu dỡ bỏ toàn bộ quy định về giãn cách hành khách trên các phương tiện vận tải hành khách đối với xe buýt, taxi, xe chở khách, tàu hỏa, tàu bay, tàu thủy...
Chiều cùng ngày, Cục Hàng không Việt Nam đã có thông báo về việc cho phép các hãng hàng không dỡ bỏ giới hạn về giãn cách ghế ngồi và giới hạn số khách chuyên chở, áp dụng từ 0h ngày 7/5.
Mai Chi (tổng hợp)