1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Thủ tướng giao nhiều nhiệm vụ quan trọng cho các bộ ngành

Trần Kháng

(Dân trí) - Tại phiên họp Chính phủ chuyên đề thảo luận về xây dựng pháp luật và ổn định kinh tế vĩ mô, Thủ tướng đã giao nhiều nhiệm vụ quan trọng cho các bộ ngành.

Điều hành kinh tế vĩ mô chủ động

Sáng nay (22/9), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề thảo luận về xây dựng pháp luật và ổn định kinh tế vĩ mô.

Trong phát biểu kết luận, Thủ tướng nhấn mạnh, mục tiêu, quan điểm chỉ đạo điều hành vĩ mô từ nay đến cuối năm nay và năm 2023. Đáng chú ý, Thủ tướng nhấn mạnh, chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô chủ động, linh hoạt, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả, bảo đảm phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn.

Thủ tướng giao nhiều nhiệm vụ quan trọng cho các bộ ngành  - 1

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp Chính phủ chuyên đề (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Về định hướng chính sách vĩ mô, Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước điều hành chủ động, linh hoạt, phù hợp các công cụ tỷ giá, lãi suất, tăng trưởng tín dụng để kiểm soát lạm phát và thực hiện các mục tiêu đề ra. Việc lựa chọn phân bổ vốn tín dụng cần được thực hiện hợp lý, hiệu quả, tập trung cho sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên.

Ngân hàng Nhà nước cũng nghiên cứu tăng lãi suất huy động linh hoạt, phù hợp, hiệu quả vào thời điểm thích hợp đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, phấn đấu giữ ổn định hoặc giảm lãi suất cho vay để góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh…

Bộ Tài chính được giao chủ trì tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đề xuất giảm thuế, phí, lệ phí theo thẩm quyền và có chính sách hỗ trợ phù hợp cho người dân, doanh nghiệp tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh, phấn đấu tăng thu, triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên; bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư bên cạnh những nhiệm vụ khác thì được giao đẩy mạnh thu hút đầu tư chất lượng cao, tập trung đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ để tạo nền tảng vật chất cho ổn định kinh tế vĩ mô.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì đẩy mạnh phát triển thị trường lao động ổn định, an toàn, hiệu quả, bền vững, bảo đảm đủ lao động, không để thiếu hụt lao động làm gián đoạn sản xuất kinh doanh. 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì bảo đảm tuyệt đối an ninh lương thực, thực phẩm, đẩy mạnh cơ cấu lại và phát triển sản xuất nông nghiệp hiệu quả, bền vững; thúc đẩy xuất khẩu nông sản. Đẩy mạnh tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu về lúa gạo, trái cây, thủy sản với tinh thần làm đủ ăn và có xuất khẩu với chất lượng, hiệu quả cao.

Bộ Công Thương chủ trì thúc đẩy mạnh mẽ thị trường trong nước, mở rộng thị trường quốc tế, đẩy mạnh cơ cấu lại và phát triển các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ; bảo đảm tuyệt đối an ninh nguồn cung và kiểm soát tốt giá năng lượng (điện, xăng dầu). Tinh thần là phải bảo đảm xuất đủ nhập và có thặng dư thương mại bền vững; thúc đẩy cả tổng cung và tổng cầu của nền kinh tế.

Thủ tướng giao nhiều nhiệm vụ quan trọng cho các bộ ngành  - 2

Vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) sang được thị trường Nhật Bản (Ảnh minh họa: Nguyễn Dương).

Bộ Xây dựng rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy mạnh mẽ xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; có giải pháp phát triển thị trường BĐS lành mạnh, hiệu quả, bền vững.

Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, tiếp tục chủ động thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các chương trình, kế hoạch của bộ, ngành, địa phương.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm