Thủ tướng: Đưa TPHCM thành thành phố toàn cầu

(Dân trí) - TPHCM phấn đấu là thành phố toàn cầu, thành phố thông minh, nơi hội tụ văn hóa Đông Tây; một trong những trung tâm tài chính của khu vực Đông Nam Á, góp phần khẳng định vị thế quốc gia trong hội nhập quốc tế.

Chỉ cần TPHCM tăng trưởng thêm 1% thì GDP cả nước tăng thêm 0,21%.
Chỉ cần TPHCM tăng trưởng thêm 1% thì GDP cả nước tăng thêm 0,21%.

Đây là một nội dung trong văn bản thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo TPHCM.

Văn bản cũng nêu rõ: Kinh tế TPHCM phải tiếp tục đổi mới, sáng tạo, có sức lan tỏa, động lực cho phát triển bền vững và là đầu tàu của cả nước trong hội nhập sâu rộng có hiệu quả vào nền kinh tế khu vực và thế giới.

Giá trị, nguyên tắc cốt lõi của thành phố là một đô thị thông minh với cơ sở hạ tầng thông minh, quản lý thông minh, đề cao kỹ trị, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của người dân, xây dựng con người văn hóa, văn minh, xã hội gắn kết và rộng mở.

TPHCM năng động và hội nhập thúc đẩy kinh doanh, theo nguyên tắc bình đẳng, công bằng, minh bạch, phát triển trong đa dạng, môi trường đầu tư hướng đến các chuẩn mực OECD, các giá trị tiên tiến châu Á và thế giới.

Mục tiêu then chốt của thành phố là tạo việc làm với thu nhập ngày càng cao cho người dân, tạo nguồn thu ngân sách bền vững, thực thi mục tiêu công bằng, bảo đảm cho mọi người dân được hưởng thành quả của sự phát triển…

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng lưu ý, xây dựng thương hiệu TPHCM năng động, hiện đại, hội nhập, giàu tính nhân văn và có chiều sâu văn hóa; luôn trân trọng, ghi nhớ, giữ gìn, phát huy những thành quả khai phá, những giá trị di sản và dấu ấn lịch sử của các bậc tiền nhân qua các thế hệ người Việt trong tiến trình phát triển trên 300 năm của Thành phố.

Với những kỳ vọng dành cho TPHCM, Thủ tướng đặt nhiệm vụ cho địa phương này phải nằm trong 5 địa phương có chỉ số năng lực cạnh tranh tốt nhất, là nơi thu hút đầu tư nước ngoài cao nhất cả nước.

Cùng với Thủ đô Hà Nội, TPHCM phải đi tiên phong, trở thành trung tâm khởi nghiệp, sáng tạo của cả nước, trung tâm giáo dục và y tế quốc tế.

Tuy nhiên, thành phố cũng cần đặc biệt lưu ý đến phát triển bền vững, phải có giải pháp căn cơ, dài hạn về thoát nước, chống ngập; chủ động phối hợp với các địa phương xây dựng cơ chế thúc đẩy liên kết vùng, tạo sức hút mạnh hơn về cung cầu và sức lan tỏa về công nghệ, sáng tạo.

Năm 2016, tổng sản phẩm trên địa bàn chiếm gần 23% GDP của cả nước (GRDP của TPHCM thêm 1% thì GDP cả nước tăng thêm 0,21%), đóng góp khoảng 28% thu ngân sách của cả nước. Kinh tế tư nhân trở thành động lực mạnh dẫn dắt sự tăng trưởng của thành phố, chiếm 59,5% GDP (cả nước 49%), vốn đầu tư tư nhân chiếm 65%, vốn Nhà nước 20%, vốn FDI 15%.

Bích Diệp