Thủ tướng: Có con đường 400-500 tỷ đồng, qua 13 đời Bộ trưởng vẫn chưa xong
Phát biểu tại phiên họp tổ của Quốc hội, khi đề cập tới công tác thực hành tiết kiệm, Thủ tướng cho biết, chúng ta nói cần phải tiết kiệm nhưng chưa có kỷ luật về tiết kiệm để việc thực hiện chặt chẽ hơn.
Chiều 24/7, Quốc hội thảo luận tại tổ về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020.
Phát biểu tại tổ, khi đề cập tới công tác thực hành tiết kiệm, Thủ tướng cho biết, chúng ta nói cần phải tiết kiệm nhưng chưa có kỷ luật về tiết kiệm để việc thực hiện chặt chẽ hơn.
"Tôi nghĩ, vấn đề này chúng ta vừa phải giáo dục, nâng cao nhận thức, vừa phải có thể chế, kỷ luật, kỷ cương thì công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí mới triển khai có hiệu quả" - Thủ tướng nói.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Nghị quyết 45 của Chính phủ hồi tháng 5 đã nói rõ, tiết kiệm 10% chi tiêu thường xuyên trong những tháng còn lại của năm để chi cho phòng chống Covid-19 và những việc đột xuất, bất ngờ có thể xảy ra.
"Chúng tôi đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính, phải tính toán ngay từ khi cấp ngân sách, đối với các tỉnh thành tự lực được ngân sách cũng theo tinh thần này. Song song với thể chế, kỷ luật chi tiêu, kỷ luật xây dựng ngân sách phải được quan tâm" - Thủ tướng nêu rõ.
Nói về lãng phí, Thủ tướng chia sẻ với các đại biểu Quốc hội xung quanh vấn đề dự án kéo dài. Trong đánh giá của Chính phủ cũng như thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội đều khẳng định, nhiều dự án chia cắt, manh mún, thời gian kéo dài. Điều này gây ra lãng phí.
"Chúng tôi cũng đang suy nghĩ giải pháp. Cần phải kết hợp hài hòa giữa giải pháp "từ dưới lên" và giải pháp "từ trên xuống". Nếu cứ giải pháp "từ dưới lên" thì như ĐB Lê Thanh Vân đã nói, nhu cầu của chúng ta rất lớn. Ví dụ, đầu tư cho phát triển của chúng ta là 2 triệu 870 nghìn tỷ đồng, khoản này chưa thấm vào đâu so với nhu cầu các địa phương, bộ ngành trình lên", Thủ tướng nói.
Thủ tướng kể lại hồi còn làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, đi chỗ nào của tỉnh cũng thấy dự án, có tới 3.650 dự án. Ông cho HĐND rà soát lại 3.650 dự án mà mức đầu tư chỉ có 3.000 tỷ đồng, nghĩa là một dự án chưa được 1 tỷ đồng, điều đó cho thấy sự manh mún, chia cắt. Điều đáng nói hơn là dự án lại kéo dài và hệ ICOR (Hệ số hiệu quả sử dụng vốn) rất lớn, điều đó dẫn tới lãng phí nguồn lực.
Thủ tướng cũng dẫn ví dụ có những con đường 400- 500 tỷ đồng nhưng qua 13 đời Bộ trưởng rồi vẫn chưa xong, nếu cách làm như thế này cũng chưa xong.
Thủ tướng nêu vấn đề, tại sao đầu tư công của nhiệm kỳ trước bị đảo chiều, chúng ta tính đầu tư công của Trung ương là 56% và 44% của địa phương, thế nhưng khi quyết toán lại thì đảo chiều là Trung ương chỉ gần 44% thôi, địa phương là 56%?
"Như vậy sẽ mất cân đối nhưng đáng nói hơn là sự lãng phí. Các đồng chí tưởng tượng, dự án cứ kéo dài hàng chục năm sẽ gây lãng phí thế nào" - Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, trong điều kiện hiện nay cần phải hài hòa giữa phát triển kinh tế và an ninh xã hội. Chính việc kiểm soát các tiến độ công trình, rà soát các dự án đầu tư, đổi mới việc chỉ đạo, lãnh đạo để cải tiến đầu tư chậm trễ.