Diễn đàn Kinh tế TPHCM 2024:

Đặt câu hỏi với Thủ tướng không phải là "khó nhất" mà là "dễ nhất"

Nhật Quang Phương Liên

(Dân trí) - Tại phiên đối thoại, Thủ tướng cho rằng đặt câu hỏi với Thủ tướng không phải là "khó nhất" mà là "dễ nhất". Diễn đàn là cơ hội chia sẻ, tiến tới cùng hợp tác, cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng.

Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TPHCM (HEF) 2024 lần thứ 5, chiều 25/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên Đối thoại chính sách giữa Thủ tướng, lãnh đạo các bộ ngành Trung ương, Chủ tịch UBND TPHCM, lãnh đạo các tỉnh thành với các khách mời, các tập đoàn trong nước và quốc tế.

Sau diễn đàn kinh tế, mỗi người ra về đều có thêm phần quà

Điều phối chương trình, TS Trần Du Lịch bày tỏ rằng đặt câu hỏi với Thủ tướng là "khó nhất" và mong Thủ tướng có đôi lời chia sẻ với buổi đối thoại.

Phát biểu mở đầu phiên đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính "đính chính" lại ý kiến của TS Trần Du Lịch rằng đặt câu hỏi với Thủ tướng không phải là "khó nhất" mà là "dễ nhất".

Đặt câu hỏi với Thủ tướng không phải là khó nhất mà là dễ nhất - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính (Ảnh VGP/Nhật Bắc).

Thủ tướng bày tỏ niềm vui, tự hào về TPHCM khi diễn đàn được tổ chức lần thứ 5, quy mô ngày càng lớn hơn, đối tượng nhiều hơn, vấn đề sâu sắc hơn, nhận được sự quan tâm của bạn bè, đối tác quốc tế.

Thủ tướng cho rằng diễn đàn là cơ hội để trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ, học hỏi lẫn nhau qua đó tiến tới hợp tác, cùng chia sẻ, lắng nghe, cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động, cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng, cùng có niềm vui, hạnh phúc và sự tự hào.

"Tôi tin chắc sau diễn đàn, mỗi người ra về đều có thêm "phần quà" là kiến thức mà Diễn đàn mang lại, ngoài tình cảm nồng hậu, ấm cúng của TPHCM là đơn vị tổ chức. Từ sáng đến giờ, tôi cũng đã nhận được rất nhiều từ diễn đàn", Thủ tướng chia sẻ.

Người đứng đầu Chính phủ cho biết vừa qua, Chính phủ đã đề xuất với Quốc hội sửa rất nhiều luật trong đó có Luật Giao dịch điện tử, đang xây dựng Luật Dữ liệu, Luật Môi trường, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản… 

Trong kỳ họp thứ 8 lần này, Quốc hội dự kiến sẽ thông qua các luật và sửa đổi các luật nhiều nhất từ trước đến nay với khoảng 16-17 luật được thông qua và hơn 10 luật được thảo luận. Ngoài ra, cũng xây dựng cơ chế chính sách để huy động nguồn lực thực hiện.

"Muốn làm gì thì làm, hạ tầng phải phát triển, đặc biệt là hạ tầng số, hạ tầng giao thông, hạ tầng chống biến đổi khí hậu, phát triển xanh và không thể không có hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục, văn hóa", Thủ tướng nhấn mạnh.

Ngoài ra, Việt Nam cũng cần huy động được sự giúp đỡ, chia sẻ của bạn bè quốc tế. Người đứng đầu Chính phủ cho rằng những chia sẻ của bạn bè quốc tế đã giúp chúng ta có nhiều kiến thức hơn, kinh nghiệm hơn, bản lĩnh tự tin hơn để thực hiện chuyển đổi. Việc chuyển đổi này là yêu cầu khách quan lựa chọn chiến lược và là ưu tiên hàng đầu trong chuyển đổi xanh, chuyển đổi số hiện nay.

Chuyển đổi công nghiệp: TPHCM làm gì để vượt qua thách thức?

Phát biểu đề dẫn phiên đối thoại, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết phiên đối thoại chính sách tại HEF hôm nay, là cơ hội để doanh nghiệp phản ánh kiến nghị, chính sách để Chính phủ và chính quyền thành phố lắng nghe, tìm kiếm giải pháp để xây dựng chính sách nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi công nghiệp ở TPHCM và các địa phương trong cả nước.

Đặt câu hỏi với Thủ tướng không phải là khó nhất mà là dễ nhất - 2

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Trong sự phát triển kinh tế của thành phố, ngành công nghiệp có vị trí quan trọng và chiếm tỷ trọng đóng góp cao. Trong giai đoạn từ 2016 đến nay, với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế TPHCM, ngành công nghiệp đã có những bước phát triển mạnh và vững chắc dựa trên 4 ngành công nghiệp trọng yếu: Cơ khí; điện tử - công nghệ thông tin; hóa dược - cao su, nhựa và chế biến lương thực - thực phẩm.

Theo ông Hoan, bên cạnh những thành tựu mà ngành công nghiệp thành phố đạt được, thì trước mắt vẫn còn nhiều thách thức. Đơn cử như phát triển thiếu bền vững; gia công, lắp ráp còn chiếm tỷ trọng cao; giá trị gia tăng thấp; có công nghệ sau hơn 30 năm đầu tư phát triển nay đã lạc hậu;

Thách thức còn đến từ việc sử dụng nhiều tài nguyên; thâm dụng lao động; công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm; phân bố khu chế xuất, khu công nghiệp không còn phù hợp, một số khu công nghiệp hiện nay nằm trong vùng lõi của TPHCM. 

Để khắc phục các hạn chế nêu trên, việc chuyển đổi ngành công nghiệp thành phố là hết sức cấp bách và cần thiết, lãnh đạo TPHCM nêu rõ.

Công nghiệp thành phố phải phát triển theo hướng công nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp chíp điện tử, vi mạch, bán dẫn; công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp xanh gắn chuyển đổi số; phát triển hệ thống các dịch vụ hỗ trợ sản xuất công nghiệp như logistics, dịch vụ số, dịch vụ tài chính…

Đặc biệt là phải hình thành các ngành công nghiệp mới như công nghiệp năng lượng mới, công nghiệp dược, công nghiệp văn hóa, điện ảnh…

Chuyển đổi công nghiệp thành phố gắn kết chặt chẽ với các tỉnh/thành trong vùng Đông Nam bộ, vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Thành phố tiếp tục tập trung khai thác những tiềm năng và lợi thế của mình vào phát triển công nghiệp với vai trò là trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả nước, khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai, nguồn nhân lực trình độ cao, ứng dụng những thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả các ngành, sản phẩm công nghiệp.