Thủ tướng: Chúng ta vui mừng EVFTA có hiệu lực, nhưng đây mới là bước đầu!

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định việc chủ động hội nhập kinh tế là chủ trương nhất quán. Việt Nam đã ký 13 hiệp định thương mại tự do (FTA), tuy nhiên việc tận dụng vẫn còn nhiều điều đáng bàn.

Thủ tướng: Chúng ta vui mừng EVFTA có hiệu lực, nhưng đây mới là bước đầu! - 1

Với những cam kết mạnh mẽ trong lĩnh vực mở cửa thị trường hàng hóa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, EVFTA được kỳ vọng sẽ là cú huých đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Cơ hội lớn từ thị trường 18 nghìn tỷ USD

Sáng 6/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến về “Triển khai kế hoạch thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA)”.

Có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, EVFTA được ví như con đường cao tốc hướng Tây, kết nối Việt Nam với một không gian thị trường hơn 450 triệu dân và có tiềm năng hàng đầu thế giới với GDP lên tới 18 nghìn tỷ USD.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, EVFTA là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia, với nhiều cam kết sâu, rộng, thúc đẩy xuất khẩu.

Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19 hiện nay, Hiệp định thế hệ mới này được kỳ vọng hỗ trợ Việt Nam và EU đẩy mạnh các nỗ lực khôi phục kinh tế.

Với những cam kết mạnh mẽ trong lĩnh vực mở cửa thị trường hàng hóa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, EVFTA được kỳ vọng sẽ là cú huých đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam, với mức dự báo lên tới 2,18 đến 3,25% vào năm 2025 (giai đoạn 05 năm đầu thực hiện).

“EVFTA mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tăng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU. Đây là thị trường với những tiêu chuẩn cao, không có chỗ cho doanh nghiệp thiếu kiên trì, hàng hóa kém chất lượng”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, khi tham gia FTA này, doanh nghiệp phải tự nâng cấp chính mình, vươn lên giá trị mới cao hơn. Điều này càng có ý nghĩa với Việt Nam hơn khi nhiều tập đoàn, doanh nghiệp EU đang dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất hàng hoá.

Tuy nhiên Thủ tướng cũng đặt vấn đề, hiện kinh tế toàn cầu đang chịu ảnh hưởng dịch Covid-19, nhiều đối tác lớn của Việt Nam đều bị suy giảm tăng trưởng kinh tế.

“Hôm nay chúng ta vui mừng khi EVFTA đi vào hiện thực, nhưng tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn. Vậy chúng ta phải làm gì, làm sao để nâng mình lên trong bối cảnh này?”, Thủ tướng đặt vấn đề.

Theo người đứng đầu Chính phủ, có 5 vấn đề đặt ra cần được lưu ý để có thể tận dụng được cơ hội do EVFTA mang lại cho nền kinh tế.

Thứ nhất, Thủ tướng khẳng định việc chủ động hội nhập kinh tế là chủ trương nhất quán. Việt Nam đã ký 13 hiệp định, bao gồm cả EVFTA, tuy nhiên việc tận dụng các FTA còn nhiều điều đáng bàn.

Một trong tồn tại lớn nhất được Thủ tướng chỉ ra đó là doanh nghiệp tận dụng các FTA nói chung còn hạn chế. Việc thực thi từ phía cơ quan nhà nước còn thiếu thống nhất, gây khó cho doanh nghiệp. Quy mô sản xuất nền kinh tế còn nhỏ.

“Chúng ta vui mừng EVFTA đi vào hiệu lực nhưng đó mới chỉ là bước đầu. Một câu hỏi tại sao truyền thông về FTA còn chưa hiệu quả. Làm sao để khắc phục?”, Thủ tướng đặt vấn đề.

Thứ hai, theo Thủ tướng, cần làm rõ việc tận dụng FTA chưa được mong đợi là do cơ chế chúng ta chưa thông thoáng hay doanh nghiệp còn thụ động, chưa kịp thay đổi tư duy kinh doanh.

Đối với các vấn đề xuất phát từ phía doanh nghiệp, Thủ tướng cho rằng VCCI, đại diện các hiệp hội cần triển khai vai trò mình tốt hơn, doanh nghiệp phải chủ động hơn.

Vấn đề lớn tiếp theo đó là chất lượng nguồn nhân lực. “Làm sao để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cần làm gì để hỗ trợ hiệu quả?”, Thủ tướng đặt vấn đề.

Thứ tư theo Thủ tướng, cần phải đầu tư tốt hơn vào việc nâng cao hạ tầng. Trong đó, giải pháp đưa ra là tăng cường thu hút vốn vào đầu tư hạ tầng, năng lượng, logistic...

Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến yêu cầu phát triển bền vững trong quá trình tham gia, tận dụng cơ hội từ EVFTA. EVFTA là hiệp định toàn diện đi đôi với các yêu cầu khắt khe về bảo vệ môi trường, người lao động. “Không thể bán được sang EU nếu là đánh bắt hải sản trái phép”, Thủ tướng dẫn chứng.

Điểm thứ sáu được Thủ tướng nhắc tới, đó là khi EVFTA có hiệu lực, hàng hoá EU vào Việt Nam mang tính cạnh tranh rất cao. Tuy nhiên không vì thế mà chúng ta dựng lên hàng rào bảo hộ mà cần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, cạnh tranh. Điểm đáng lưu ý là hàng hoá EU vào Việt Nam chủ yếu mang tính bổ sung cho nhau, cần phát huy vấn đề này.

Nhiều doanh nghiệp chưa hiểu đúng, hiểu đủ về FTA

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương - ông Trần Tuấn Anh cũng cho rằng, cơ hội EVFTA mang lại là rất lớn nếu chúng ta tận dụng tốt. Trong quá trình này, cần phát huy mạnh vai trò của doanh nghiệp.

Thủ tướng: Chúng ta vui mừng EVFTA có hiệu lực, nhưng đây mới là bước đầu! - 2

Hội nghị có sự tham dự của các bộ ngành, lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố tại các đầu cầu truyền hình cũng như lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp của Việt Nam và EU nhằm thảo luận về một số nhóm vấn đề lớn khi EVFTA có hiệu lực. 

“Đây là lần đầu tiên Chính phủ tổ chức hội nghị riêng có sự tham gia đầy đủ để chúng ta cơ cơ hội thảo luận về các giải pháp thực hiện EVFTA sao cho hiệu quả”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Cũng theo thông tin từ người đứng đầu Bộ Công Thương, để bảo đảm việc thực thi Hiệp định được đầy đủ, đồng bộ và hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch thực thi Hiệp định của Chính phủ với 5 nhóm nội dung lớn.

5 nhóm nội dung này bao gồm: Thứ nhất, công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định EVFTA và thị trường của các nước EU;

Thứ hai, công tác xây dựng pháp luật, thể chế; thứ ba, các biện pháp nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực;

Thứ 4, chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp;

Thứ 5, chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Mỗi nhóm công việc này được xây dựng với những nội dung, hành động chi tiết được phân công cho từng Bộ, ngành với thời gian triển khai cụ thể.

“Việc tuyên truyền thời gian quan về FTA là rất tích cực. Chúng ta đã được kết quả nhưng thực tế còn hạn chế. Còn nhiều doanh nghiệp, người dân chưa hiểu đúng, hiểu đủ các FTA nói chung. Cần đẩy mạnh hơn nữa về công tác tuyên truyền, xây dựng đội ngũ nâng cao có kiến thức sâu hơn”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm