Thủ tướng chỉ thị kiềm chế tốc độ tăng giá

(Dân trí) - Trước diễn biến giá cả thị trường tăng cao, ngày 1/8, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị 18 gửi các Bộ ngành thực hiện ngay một số biện pháp cấp bách nhằm kiềm chế tốc độ tăng giá thị trường.

Trong chỉ thị này, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, từ đầu năm đến nay, mặc dù đã chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp để thực hiện bình ổn giá, tuy nhiên chỉ số giá tiêu dùng 7/2007 đã tăng 6,19%.

Dự báo kinh tế thế giới cuối năm những khó khăn, bất ổn của thiên tai, dịch bệnh còn tiềm ẩn nhiều biến động khó lường như giá cả nguyên, nhiên liệu, vật liệu, nhất là những vật tư hàng hóa mà nước ta phải nhập khẩu với khối lượng lớn như xăng dầu, phân bón, phôi thép tiếp tục gia tăng ở mức cao.

Để kiềm chế tốc độ tăng giá, ổn định  kinh tế vĩ mô và đời sống nhân dân, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các bộ ngành phải triển khai gấp hàng loạt biện pháp.

Trong đó, Bộ Tài chính, Bộ Thương mại sẽ tập trung thành lập ngay các đoàn kiểm tra, kiểm soát các yếu tố hình thành giá của các mặt hàng đang có giá tăng cao, như thép, gas  đồng thời tăng cường kiểm soát giá độc quyền, phát hiện và xử lý kịp thời đối với các hành vi đầu cơ găm hàng đẩy giá lên cao.

Ngoài ra các bộ này sẽ phải triển khai ngay các biện pháp như tăng cường quản lý, giám sát hoạt động của thị trường chứng khoán. Thực hiện giảm thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm, trứng, thức ăn chăn nuôi…

Các Bộ quản lý sản xuất, các tập đoàn, các tổng công ty ngành hàng lớn về các giải pháp điều hành hợp lý đối với giá một số vật tư, hàng hóa quan trọng, như điện than cho sản xuất xi măng, phân lân, giấy viết, điện, giá cước vận tải hành khách xe buýt, giá nước sạch sinh hoạt, giá dịch vụ bưu chính.

Bộ Kế hoạch - Đầu tư phải phối hợp với các Bộ quản lý sản xuất tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tháo gỡ kịp thời những vướng mắc về cơ chế, chính sách để đầy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ, tín dụng nhà nước và nguồn vốn ODA, nhất là giải ngân các công trình đầu tư thuộc lĩnh vực giao thông vận tải và nông nghiệp.

Đối với Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế và các UBND tỉnh, thành phố phải tập trung chỉ đạo, thực hiện mọi biện pháp để dập dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng ở gia súc, bệnh tai xanh ở lợn; đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát để phát hiện kịp thời, khoanh vùng xử lý các ổ dịch bệnh ngay từ khi mới xuất hiện.

Các Bộ, ngành sẽ phải thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, kiểm soát không để các chủ thể sản xuất, kinh doanh lợi dụng chủ trương điều chỉnh giá của Nhà nước và biến động của thị trường để tăng giá bất hợp lý.

Thái Sơn