Thủ tướng chỉ thị "dẹp loạn" dùng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt
(Dân trí) - Chỉ thị số 15 do Thủ tướng mới ban hành nêu rõ: Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp trên địa bàn, lĩnh vực phụ trách.
Có tình trạng buông lỏng quản lý
Để tạo bước chuyển biến tích cực trong công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mới đây đã ký ban hành Chỉ thị số 15 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách.
Vật tư nông nghiệp có vai trò rất quan trọng và không thể thiếu để bảo đảm phát triển nông nghiệp hiệu quả và bền vững. Tuy nhiên, theo đánh giá của Thủ tướng, tình trạng sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp không bảo đảm chất lượng; hàng giả; không ghi rõ thành phần, hàm lượng, công dụng, nguồn gốc, xuất xứ trên bao bì; tình trạng quảng cáo không đúng công dụng của vật tư nông nghiệp còn xảy ra ở nhiều địa phương với diễn biến phức tạp và thủ đoạn tinh vi, gây thiệt hại cho người sản xuất, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng nông sản, ô nhiễm môi trường và bức xúc trong xã hội.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ quản lý vật tư nông nghiệp chưa đầy đủ và tính khả thi chưa cao; năng lực quản lý Nhà nước còn hạn chế.
Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đấu tranh phòng chống tội phạm và sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa chủ động, thiếu quyết liệt, còn có nơi buông lỏng quản lý. Chế tài xử phạt chưa đủ mạnh để ngăn ngừa vi phạm...
Do đó, chỉ thị nêu rõ: Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp trên địa bàn, lĩnh vực phụ trách.
Huy động tổng lực, phân vai trách nhiệm cho từng bộ ngành, cơ quan
Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật về sản xuất, kinh doanh, chất lượng vật tư nông nghiệp.
Bộ này cũng được giao phải xử lý dứt điểm các điểm nóng sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng Salbutamol, Aurmine, Cysteamine và các hóa chất, kháng sinh khác trong danh mục hóa chất, kháng sinh cấm nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng trong chăn nuôi, thủy sản tại Việt Nam; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh, chất lượng vật tư nông nghiệp.
Mới đây, theo số liệu hải quan, tính đến hết ngày 15/4, cả nước đã chi 264 triệu USD để nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu thuốc trừ sâu, tăng hơn 64 triệu USD, tức tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, gần 40% kim ngạch mặt hàng này là từ Trung Quốc.
Đồng thời, Thủ tướng cũng nêu rõ, trách nhiệm của Bộ NN&PTNT là phải xử lý các cơ quan, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý vật tư nông nghiệp.
Về phía Bộ Công an, Thủ tướng giao cơ quan này chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an các địa phương tăng cường công tác nắm tình hình về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật đối với các hành vi sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp là hàng giả, hàng kém chất lượng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển tăng cường công tác tuần tra các tuyến, địa bàn trọng điểm trên bộ và trên biển để kịp thời ngăn chặn, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới các loại vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với các cơ quan liên quan trên địa bàn tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh vật tư nông nghiệp lưu thông trên thị trường theo quy định của pháp luật...
Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới các loại vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Ban chỉ đạo 389 quốc gia chỉ đạo lực lượng 389 của các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng thành viên phối hợp tăng cường lực lượng kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn, xử lý nghiêm nhập lậu, kinh doanh vật tư nông nghiệp không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời, xây dựng và triển khai kế hoạch chuyên đề về đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng.
Thanh tra Chính phủ tăng cường công tác thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật đối với hoạt động thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước có chức năng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, quản lý vật tư nông nghiệp nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm.
Về phần địa phương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm bảo đảm chất lượng vật tư nông nghiệp trên địa bàn; xác định việc quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết cần tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn; ưu tiên phân bổ kinh phí trong dự toán ngân sách địa phương để đầu tư trang thiết bị kỹ thuật và tổ chức các hoạt động thanh tra, kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp lưu thông và sử dụng trên địa bàn.
Bích Diệp