Hết năm 2018, cơ bản chấm dứt việc sử dụng chất cấm trong tôm

(Dân trí) - Theo kế hoạch kiểm soát tồn dư hóa chất kháng sinh trong tôm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), đến hết năm 2018, cơ bản chấm dứt tình trạng sử dụng chất cấm, lạm dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y trong sản xuất kinh doanh tôm.

Theo kế hoạch kiểm soát tồn dư hóa chất kháng sinh trong tôm của Bộ NN&PTNT, mục tiêu đến hết năm 2017 giảm 50% tỷ lệ mẫu tôm nuôi bị phát hiện vi phạm quy định về hóa chất kháng sinh so với năm 2016; Giảm 50% số lô tôm xuất khẩu vào các thị trường bị cơ quan thẩm quyền Việt Nam và nước nhập khẩu cảnh báo về tồn dư hóa chất kháng sinh so với năm 2016.

Kế hoạch cũng nêu rõ, đến hết năm 2018, cơ bản chấm dứt tình trạng sử dụng chất cấm, lạm dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y trong sản xuất kinh doanh tôm.

Để kế hoạch trên đạt hiệu quả, Bộ NN&PTNT yêu cầu Sở NN&PTNT các địa phương tuyên truyền vận động, hướng dẫn người dân nuôi tôm không sử dụng chất cấm, kháng sinh nguyên liệu, không lạm dụng thuốc thú y, chất xử lý cải tạo môi trường; tổ chức ký cam kết không bán chất cấm, kháng sinh nguyên liệu cho nuôi trồng thủy sản đối với các cơ sở buôn bán thuốc thú y.

Yêu cầu các doanh nghiệp sơ chế, chế biến, xuất khẩu tôm tuân thủ đầy đủ các quy định của Việt Nam và thị trường nhập khẩu trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm, sản phẩm tôm; chấp hành nghiêm túc các quy định về kiểm soát tồn dư hóa chất, kháng sinh; chủ động kiểm soát chặt chẽ mối nguy an toàn thực phẩm trong chương trình quản lý chất lượng, đặc biệt là các mối nguy hóa chất kháng sinh theo quy định của Việt Nam và thị trường nhập khẩu.

Bộ NN&PTNT cũng giao Cục Thú y phối hợp với các đơn vị thuộc ngành y tế, công thương kiểm soát chặt chẽ hóa chất kháng sinh nhập khẩu sử dụng trong y tế, công nghiệp nhưng bị cấm sử dụng trong sản xuất kinh doanh thủy sản.

Giao Thanh tra Bộ NN&PTNT, Cục Thú y, Sở NN&PTNT các địa phương tổ chức thu thập thông tin, điều tra, triệt phá dứt điểm, xử lý nghiêm các đường dây nhập lậu, tàng trữ, lưu thông, buôn bán chất cấm, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y ngoài danh mục được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản.

Lực lượng công an kiểm tra thuốc thú y thủy sản tại một cơ sở kinh doanh. (Ảnh minh họa)
Lực lượng công an kiểm tra thuốc thú y thủy sản tại một cơ sở kinh doanh. (Ảnh minh họa)

Theo Cục An ninh Kinh tế Nông, Lâm, Ngư nghiệp (A86, Tổng cục An ninh, Bộ Công an), trong năm 2016, đơn vị này đã phối hợp với công an một số địa phương kiểm tra các cơ sở kinh doanh vật tư đầu vào trong nuôi trồng thủy sản.

Kết quả cho thấy, phát hiện nhiều sai phạm chủ yếu là tình trạng các đại lý kinh doanh sản phẩm không có trong danh mục được lưu hành hoặc sản phẩm đã bị thông báo thu hồi, sản phẩm không nhãn mác, xuất xứ hàng hóa; sản phẩm sản xuất trong nước nhưng giả là sản phẩm nhập khẩu, không có hồ sơ sản xuất, không kiểm tra chất lượng sản phẩm; nhiều cơ sở sản xuất chỉ sản xuất một số sản phẩm bán ra thị trường, thời gian sau tiến hành đóng cửa, bỏ trốn vì phần lớn sản phẩm không được phép lưu hành hoặc chưa đăng ký chất lượng; có tình trạng cơ sở đăng ký sản phẩm nhưng thuê đơn vị khác gia công mà không có sự giám sát, quản lý,… gây khó khăn cho công tác quản lý, kiểm soát.

Trước tồn tại trên, A86 đề nghị Bộ NN&PTNT tập trung nguồn lực quản lý sản xuất ban đầu, yếu tố đầu vào nuôi trồng thủy sản, nghiên cứu phương pháp quản lý, xem xét thay thế quản lý theo danh mục bằng hạn chế các loại kháng sinh được phép sử dụng và quản lý theo quy chuẩn, tiếp cận phương pháp quản lý các sản phẩm này như của các nước phát triển trên thế giới. Theo đó, nhà sản xuất tự công bố thành phần sản phẩm, cơ quan quản lý chỉ kiểm tra và xử lý khi có vi phạm.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, trong năm 2016, tỉnh này đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN&PTNT thực hiện kế hoạch về kiểm soát dư lượng các chất độc hại trong nuổi trồng thủy sản, để giám sát các hóa chất kháng sinh cấm phục vụ cho hoạt động chế biến, xuất khẩu theo yêu cầu của các nước nhập khẩu.

Trong 2016, tỉnh Cà Mau đã lấy 107 mẫu tôm tại vùng nuôi để kiểm tra các chỉ tiêu chất cấm như chloramphenicol, neomycin, trimethoprim,… nhưng không phát hiện dư lượng hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng cho phép; kiểm tra 154 mẫu chất lượng vật tư nông nghiệp, phát hiện 20 mẫu kém chất lượng, 17 mẫu giả không đạt chất lượng,… Tỉnh cũng đã kiểm tra 86 đợt với 127 cơ sở, phát hiện và lập biên bản vi phạm 36 vụ, xử phạt trên 500 triệu đồng; tịch thu 45 sản phẩm thuốc thú y thủy sản không nằm trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, khó khăn hiện nay là tình hình thời tiết, môi trường không thuận lợi đã làm cho dịch bệnh trên tôm nuôi gia tăng. Nhiều hộ dân nuôi trồng thủy sản còn sử dụng kháng sinh phòng ngừa khi chưa xảy ra bệnh, nên việc quản lý gặp nhiều khó khăn.

Do đó, giải pháp mà Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau đưa ra là cần tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân tác hại của hóa chất kháng sinh; hướng dẫn, hỗ trợ người sản xuất, kinh doanh áp dụng các quy phạm thực hành sản xuất tôm bảo đảm đáp ứng quy định về xử lý tồn dư hóa chất kháng sinh.

Tỉnh Cà Mau cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo quản lý để ngăn chặn hiệu quả ngay từ gốc đối với sản phẩm hóa chất, kháng sinh; đồng thời, khi tổ chức chứng nhận lô hàng xuất khẩu phải chứng nhận ngay trên lô hàng, không chứng nhận trên mẫu kiểm như thời gian qua để nâng cao hiệu quả kiểm soát chất lượng đối với hàng xuất khẩu.

Trong khi đó, lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu cũng thừa nhận, thời gian qua, một số hộ dân vẫn còn cố tình sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm trong nuôi trồng thủy sản khi xảy ra dịch bệnh. Do đó, cần giám sát cảnh báo sớm dịch bệnh trên tôm nuôi để kịp thời khuyến nghị và hướng dẫn người nuôi phòng trị bệnh hiệu quả, không sử dụng chất cấm, kháng sinh nguyên liệu, sử dụng thuốc thú y theo nguyên tắc 4 đúng là đúng thuốc, đúng liều, đúng cách và đúng lúc.

Huỳnh Hải