1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Thủ tướng chỉ đạo các Bộ vào cuộc, gỡ khó toàn diện cho bất động sản

Ghi Du

(Dân trí) - Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo, yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan liên quan có biện pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký ban hành Công điện 469/CĐ-TTg về tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Công điện nêu rõ thời gian qua, thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn do nguyên nhân khách quan như: dịch bệnh, chu kỳ tăng trưởng của thị trường, tăng trưởng kinh tế giảm, khó khăn thị trường. Nguyên nhân chủ quan đến từ việc lập, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch còn chậm; điều chỉnh dự án đầu tư còn vướng mắc; triển khai thực hiện dự án chậm, kéo dài; tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn trái phiếu, chứng khoán còn khó khăn; nhà ở xã hội, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư chưa đạt yêu cầu; xác định giá đất…

Sớm sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản

Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở năm 2014 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014; chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc lập, phê duyệt các quy hoạch; việc điều chỉnh các quy hoạch; việc áp dụng cấp độ quy hoạch khi chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, trước ngày 15/6.

Bộ Xây dựng cần rà soát, bổ sung (nếu có) và hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng, về các nội dung: lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị; cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư; quản lý đầu tư phát triển đô thị; việc xác định là chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại; cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

Thủ tướng chỉ đạo các Bộ vào cuộc, gỡ khó toàn diện cho bất động sản - 1

Thủ tướng chỉ đạo tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững (Ảnh: Trần Kháng).

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan rà soát các khó khăn, vướng mắc đối với các nội dung liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy trong các công trình xây dựng để đề xuất giải pháp tháo gỡ trước ngày 30/6.

Đối với khó khăn, vướng mắc trong bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng hướng dẫn các địa phương giải quyết phù hợp theo quy định của pháp luật.

Bộ Xây dựng cần phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33.

Triển khai chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng

Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước đôn đốc, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay trên cơ sở bảo đảm sản xuất, kinh doanh, hiệu quả, kịp thời thúc đẩy mở rộng tín dụng phù hợp với xu hướng lạm phát giảm và yêu cầu thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án bất động sản, người mua nhà tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành liên quan triển khai chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng, trong đó chủ lực là 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và chỉ đạo các ngân hàng thương mại cổ phần khác tích cực tham gia đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030".

Thủ tướng chỉ đạo các Bộ vào cuộc, gỡ khó toàn diện cho bất động sản - 2

Ngân hàng Nhà nước là cơ quan chủ trì trong việc triển khai chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng (Ảnh: Trần Kháng).

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần tổ chức và theo dõi việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn và quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp, để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ các vướng mắc phát sinh (nếu có); tăng cường kiểm tra, đôn đốc các tổ chức tín dụng triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản.

Xây dựng, điều chỉnh khung giá đất

Với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thủ tướng yêu cầu phải tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 44 quy định phương pháp định giá đất; xây dựng, điều chỉnh khung giá đất, bảng giá đất; rà soát các tồn tại, vướng mắc của các Thông tư để sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền, nhất là Thông tư số 36 quy định chi tiết phương pháp định giá đất.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc xác định giá đất, lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm nhất là ở cấp huyện và việc đền bù, giải phóng mặt bằng trước ngày 30/6.

Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành có liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc doanh nghiệp cổ phần hóa chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án; việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng cho người dân tại các dự án thuộc địa bàn các phường của đô thị đặc biệt, đô thị loại I đã được chấp thuận trước thời điểm Nghị định số 148 có hiệu lực, trước ngày 30/6.

Phát triển thị trường chứng khoán lành mạnh, bền vững

Thủ tướng giao Bộ Tài chính cần có giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường chứng khoán lành mạnh, bền vững; sớm hoàn thiện báo cáo về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2023, đề xuất kịp thời các giải pháp thiết thực, khả thi, hiệu quả để xử lý dứt điểm các vấn đề tồn tại, hạn chế hiện nay, trình Chính phủ trước ngày 30/5.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc: điều kiện duy trì tỷ lệ góp vốn không thấp hơn 26% khi di dời doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; về phương án sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước (nay gọi là nhà, đất là tài sản công), trước ngày 30/6.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cần phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án bất động sản thực hiện theo hình thức hợp đồng BT trước thời điểm Luật PPP bãi bỏ hình thức hợp đồng BT.