Thủ tướng chấn chỉnh "vấn nạn" thanh, kiểm tra hành doanh nghiệp

(Dân trí) - Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan khi xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm toán phải đảm bảo việc tổ chức thanh tra, kiểm tra, kiểm toán về tài chính, thuế đối với doanh nghiệp 1 năm/1 lần, không trùng lắp, chồng chéo.

Việc thanh, kiểm tra chồng chéo đang làm khó doanh nghiệp
Việc thanh, kiểm tra chồng chéo đang làm khó doanh nghiệp

Để tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan khi xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm toán phải chủ động phối hợp, cùng thống nhất để đảm bảo việc tổ chức thanh tra, kiểm tra, kiểm toán về tài chính, thuế đối với doanh nghiệp 1 năm/1 lần, không trùng lắp, chồng chéo và phải công khai trước cho doanh nghiệp biết (trừ trường hợp đặc biệt phát hiện doanh nghiệp vi phạm phải thực hiện theo quy định của pháp luật).

Thủ tướng yêu cầu không thanh tra, kiểm tra khi không có căn cứ theo quy định của pháp luật. Khi thanh tra, kiểm tra, kiểm toán không được thanh tra, kiểm tra, kiểm toán lại những vấn đề, nội dung mà các cơ quan có thẩm quyền đã kết luận, xử lý trước đó và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của mình.

Thanh tra Chính phủ sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và cơ quan liên quan theo dõi, giám sát việc thực hiện.

Trước đó, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Ban Pháp chế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trên thực tế, một doanh nghiệp có thể phải tiếp 16 - 17 đoàn thanh tra trong một năm. Ngay cả ở một lĩnh vực, đoàn thanh tra này vừa ra thì đoàn thanh tra khác lại vào... Doanh nghiệp nào “không biết điều”, “không chịu chi” sẽ bị kiểm tra thường xuyên, ngược lại, doanh nghiệp (DN) nào “quan hệ tốt” thì sẽ ít bị hoặc không bị thanh tra.

Kết quả khảo sát của VCCI chỉ ra, hiện DN Việt Nam đang phải chịu “vấn nạn” thanh, kiểm tra chồng chéo, nhất là những cuộc thanh tra chuyên ngành. DN càng lớn càng bị thanh tra, kiểm tra nhiều. Chính điều này đã góp phần triệt tiêu động lực của DN, khiến nhiều DN có tâm lý "không muốn lớn".

Bích Diệp