Thứ trưởng hé lộ tin mới về kế hoạch "tiêu tiền"
(Dân trí) - Thứ trưởng Trần Quốc Phương đánh giá mục tiêu giải ngân ít nhất 95% vốn đầu tư công mà Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu sẽ đạt được trong năm nay.
Thông tin này được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chia sẻ tại họp báo Chính phủ chiều nay (9/9).
Giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng mới đạt hơn 42% kế hoạch vốn - mới bằng một nửa yêu cầu Thủ tướng là phải giải ngân ít nhất 95% kế hoạch vốn, tức hơn 676.000 tỷ đồng năm nay. Dù thế, tốc độ so với tháng 8 các năm trước và trong vòng 5 năm trở lại đây, tháng 8 năm nay đạt cao nhất cả số tương đối lẫn tuyệt đối.
"Đó cũng là điều để chúng ta có thể có niềm tin về việc đạt được mục tiêu cao trong giải ngân từ nay đến cuối năm", Thứ trưởng Trần Quốc Phương chia sẻ.
Ông cho biết số vốn tương đối lớn, nhưng kèm theo đó là danh mục dự án nhiều và dự án đầu tư cũng khá lớn. Do vậy, theo ông, nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm đối với công tác giải ngân vốn đầu tư công, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện mạnh mẽ hơn nữa các giải pháp Chính phủ đã đề ra.
Trong khi đó, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư thực hiện nguồn ngân sách 8 tháng đạt 49,4% kế hoạch năm, tăng trên 23% cùng kỳ, cao hơn so với số giải ngân do thủ tục thanh toán.
"Hiện nay, toàn bộ hệ thống phục vụ cho công tác giải ngân và thủ tục hành chính đã sẵn sàng. Nếu có hồ sơ giải ngân sẽ chuyển tiền một cách nhanh nhất", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
Theo ông, ban quản lý các dự án, nhà thầu cần chuẩn bị kỹ hồ sơ khối lượng, giải ngân khi nộp cho cơ quan kho bạc. Thủ tục giải ngân hiện đã giảm đáng kể, nên ông cho rằng, để được chuyển tiền nhanh nhất, đòi hỏi nỗ lực của ban quản lý các dự án, nhà thầu.
"Từ nay đến cuối năm, chúng tôi tin tưởng mức 95% mà Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu sẽ đạt được trong năm 2023", Thứ trưởng đánh giá.
Liên quan tới tăng trưởng kinh tế, kết quả tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm mới đạt 3,72%, mức thấp hơn so với các mục tiêu đề ra. Ông Trần Quốc Phương thừa nhận, để đạt mục tiêu GDP 2023 tăng 6,5% là nhiệm vụ rất nặng nề trong các tháng cuối năm.
"Chính phủ ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh kinh tế vĩ mô kiểm soát tốt, CPI giảm dần và ở mức thấp. Các cấp ngành, địa phương được yêu cầu tập trung tối đa giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng. Vì thế, các kịch bản chúng tôi tham mưu cho Chính phủ đều cố gắng đạt kết quả tốt nhất các mục tiêu", ông nói.
Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 3 động lực chính của nền kinh tế là giải pháp đột phá cho tăng trưởng năm nay. Đầu tiên là dịch vụ, khi khu vực này có sự phục hồi khá tốt trong những tháng qua và là điểm nhấn đóng góp cho tăng trưởng, đặc biệt là du lịch.
Động lực tiếp theo là củng cố phát triển trụ đỡ rất quan trọng của nền kinh tế là khu vực nông nghiệp. Trong bối cảnh căng thẳng lương thực trên thế giới, Việt Nam có thuận lợi về xuất khẩu gạo, nông sản.
"Tuy nhiên, cũng cần cân đối bài toán giữa phục vụ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực trong nội địa. Đây là ngành chúng ta luôn luôn chú trọng khi gặp khó khăn", ông lưu ý.
Cuối cùng, là kích thích là thị trường trong nước phát triển, nhất là kích cầu tiêu dùng, ưu tiên dùng hàng Việt để tạo sức cầu lớn cho các doanh nghiệp khi chuyển đổi cơ cấu sản xuất hướng tới thị trường trong nước.
"Đó là những động lực cần tập trung nhiều hơn để phấn đấu đạt được mục tiêu cao nhất từ nay đến cuối năm", lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.