Thứ trưởng bắt taxi đi làm, xe chức danh và tài xế sẽ về đâu?

(Dân trí) - Đây là vấn đề đang được quan tâm khi chỉ còn vài ngày nữa 6 vị Thứ trưởng Bộ Tài chính sẽ không còn được đưa đón từ nhà đến nơi làm việc. Việc giải quyết, xử lý xe và đội ngũ lái xe được cho biết cần có thời gian để điều chuyển, không thể lập tức “giải tán”, cho nghỉ việc, trong khi đó, nếu các Thứ trưởng phát sinh công tác, họp hành thì vẫn phải cần xe đưa đón.

Như đã đưa tin, từ 1/10 tới, Bộ Tài chính sẽ chính thức áp dụng chế độ khoán kinh phí sử dụng xe công đối với các chức danh thứ trưởng, chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ 1,25 (tổng cục trưởng và tương đương).

Theo quyết định, sẽ có 6 vị Thứ trưởng của Bộ này sẽ được khoán tiền sử dụng xe công từ 3,96 triệu đồng đến mức cao nhất là 9,9 triệu đồng/người/tháng.

Số lượng xe công cả nước hiện khoảng 37.000 chiếc, trong đó, xe chức danh là 901 xe (ảnh minh họa: Bích Diệp)
Số lượng xe công cả nước hiện khoảng 37.000 chiếc, trong đó, xe chức danh là 901 xe (ảnh minh họa: Bích Diệp)

Trao đổi tại phiên họp báo chuyên đề ngày 27/9/2016, ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) cho biết, mặc dù đây không phải là lần đầu tiên cơ chế khoán xe được áp dụng nhưng cho đến nay, việc nhận khoán vẫn chỉ trên tinh thần tự nguyện, ai tự sắp xếp được phương tiện đi lại thì nhận khoán chứ không bắt buộc. Bộ Tài chính là cơ quan đầu tiên ban hành quyết định áp dụng cơ chế khoán với các thứ trưởng, tổng cục trưởng.

Theo ông Thắng, mặc dù chưa tính toán cụ thể nhưng với cơ chế khoán này chắc chắn sẽ tiết kiệm được đáng kể ngân sách Nhà nước.

Mặc dù vậy, đại diện Bộ Tài chính cũng thừa nhận rằng, do đang trong giai đoạn chuyển tiếp và những bước đi đầu tiên cần thực hiện thận trọng. Theo đó, cơ chế khoán xe mới chỉ áp dụng đưa đón 2 chặng/ngày từ nhà đến nơi làm việc. Sau khi có đánh giá đầy đủ thì sẽ mở rộng diện khoán xe.

Câu hỏi đặt ra là những xe chức danh trên và đội ngũ lái xe phục vụ sẽ được giải quyết ra sao? Ông Thắng cho biết, chưa thể “giải tán” ngay được. Trong khi đó, khi các lãnh đạo đi họp hành, công tác thì vẫn phải bố trí xe đưa đón.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Ngô Chí Tùng, Phó Chánh Văn phòng Bộ cho hay, thừa lệnh Bộ trưởng Bộ Tài chính, Văn phòng Bộ phối hợp với Cục Kế hoạch - Tài chính sẽ nghiên cứu, tính toán để sắp xếp lại xe chức danh và đội ngũ lái xe, điều chuyển theo đúng quy định.

“Mục tiêu là sẽ giảm được số lượng nhưng do đội ngũ những người lái xe cũng là công chức của Bộ Tài chính nên không thể cùng lúc cho nghỉ việc”, ông Tùng nói.

Trao đổi về việc nhân rộng cơ chế khoán xe công như tại Bộ Tài chính, ông Trần Đức Thắng cho biết, việc khoán xe thường chỉ khoán được với một số chức danh nhất định, và phải có lộ trình chứ khó mà áp dụng đồng loạt với tất cả các cơ quan trên cả nước. Điều này phụ thuộc vào địa bàn, đặc điểm từng nơi và đảm bảo được an ninh, an toàn.

Tuy nhiên, Cục Quản lý Công sản cũng đã và đang nghiên cứu về việc nhân rộng mô hình khoán xe và tính toán sao cho phù hợp. Quy định hiện hành, các chức danh có hệ số 0,7 trở lên được sử dụng xe công và từ 1,25 trở lên thì được đưa đón.

Theo đánh giá của ông Thắng, số xe chức danh cả nước thống kê hiện vào khoảng 901 chiếc, nếu tính về hiệu quả tiết kiệm thì không nhiều nếu so sánh với tổng số xe hiện tại khoảng 37.000 chiếc. Do đó, để chính sách này phát huy hiệu quả, ông Thắng cho rằng phụ thuộc rất lớn vào sự gương mẫu của các vị lãnh đạo.

“Nếu một Phó Chủ tịch tỉnh không sử dụng xe công đưa đón thì sẽ tác động đến các chức danh phía dưới như Giám đốc sở, Chủ tịch huyện, họ cũng sẽ không dùng xe đưa đón”, ông Thắng ví dụ.

Bích Diệp