Thu phí bảo trì đường bộ qua xăng dầu: Nhiều hệ lụy

Đề xuất thu phí bảo trì đường bộ qua xăng dầu một lần nữa được khơi lại, tuy nhiên đề xuất này tiếp tục vấp phải sự phản đối của các chuyên gia.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có báo cáo gửi Chính phủ nêu kiến nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng về chuyển đổi phương thức thu phí bảo trì đường bộ.

Theo đó, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng kiến nghị thay đổi cách thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện hiện nay và để đảm bảo công bằng nên thu phí qua xăng dầu. Xe sử dụng đường bộ nhiều, tiêu hao nhiều nhiên liệu thì đóng phí nhiều, cách thu sẽ đơn giản hơn, dễ quản lý, hạn chế được thất thu cho ngân sách.

Trên báo Giao thông, bà Mã Thị Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng cho biết, việc thu phí trên đầu phương tiện như hiện nay làm phát sinh sự thiếu công bằng với xe sử dụng đường bộ nhiều và xe sử dụng đường bộ ít.

Có tình trạng một cá nhân, tổ chức sở hữu một lúc nhiều xe cá nhân và chỉ sử dụng một xe tham gia giao thông, song vẫn phải đóng phí tất cả là chưa công bằng.

Thu phí bảo trì đường bộ qua xăng dầu: Nhiều hệ lụy - 1

Đề xuất thu phí bảo trì đường bộ qua xăng dầu vấp phải sự phản đối của các chuyên gia

“Nếu thu phí qua xăng dầu thì những người nào hoạt động nhiều làm ảnh hưởng đến đường sá nhiều sẽ đóng phí nhiều hơn, người nào đi ít sẽ đóng phí ít. Xe có lúc không tham gia sử dụng đường bộ thì vẫn phải đóng phí. Đồng thời, thu qua xăng dầu sẽ tốt hơn và chính xác hơn và đáp ứng được nguyện vọng của doanh nghiệp, của những người có xe kinh doanh vận tải hàng hóa và doanh nghiệp vận tải hành khách”, bà Thanh lý giải.

Tuy nhiên, bà Thanh cũng thừa nhận việc thu phí qua xăng dầu sẽ vướng ở lĩnh vực nông nghiệp, do người dân chỉ sử dụng xăng dầu để phục vụ tưới tiêu, chứ không đi lại thường xuyên, hoặc ở lĩnh vực hàng không, do không sử dụng đường bộ. Mặc dù vậy, ở những lĩnh vực này sẽ có những chính sách cấp bù cụ thể.

Thực tế, đây không phải là đề xuất mới. Vào năm 2010, khi công bố bản Dự thảo Nghị định về quỹ bảo trì đường bộ, Bộ GTVT từng đưa vào đề xuất thu phí bảo trì đường bộ qua xăng dầu. Theo đó, sẽ thu qua xăng dầu với mức phí 1.000 đồng/lít xăng và 100 - 800 đồng/km với xe chạy bằng dầu diesel.

Vào thời điểm đó, đề xuất của Bộ GTVT ngay lập tức vấp phải sự phản ứng dữ dội của dư luận cũng như nhiều bộ, ngành bởi mối quan ngại trong bối cảnh giá xăng bán cho người tiêu dùng đã phải “cõng” quá nhiều loại phí, thuế. Đây lại là mặt hàng nhạy cảm, dễ tác động đến các mặt hàng thiết yếu khác. Thậm chí, lãnh đạo Bộ Tài chính và các doanh nghiệp vận tải lúc đó đều cho rằng, đề xuất của Bộ GTVT không thuyết phục người dân.

Trước nhiều ý kiến trái chiều của dư luận, Bộ GTVT đã quyết định loại bỏ phương án thu phí bảo trì đường bộ qua xăng dầu, lựa chọn thu phí qua đầu phương tiện. Hình thức thu phí này được áp dụng và duy trì từ đó đến nay.

Bây giờ, một lần nữa sáng kiến thu phí bảo trì đường bộ qua xăng dầu được nêu lại và tiếp tục trở thành chủ đề gây tranh cãi.

Trao đổi trên báo chí, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết, nhìn bề ngoài, việc thu phí bảo trì đường bộ có vẻ công bằng trên cơ sở dùng xăng, dầu để xe lăn bánh trên đường phải trả phí. Tuy nhiên, không phải tất cả đều sử dụng xăng dầu để phục vụ lưu thông trên đường.

Về mặt lý thuyết có vẻ rất hợp lý nhưng thực tế nếu thu theo phương thức này sẽ gây nhiều hệ lụy. Bản thân xăng, dầu hiện đã “cõng” nhiều loại thuế, phí nếu thêm phí bảo trì đường bộ sẽ tạo gánh nặng làm tăng giá xăng, dầu.

Giả sử nếu có thu theo phương thức này thì việc hoàn trả phí cho các đối tượng sử dụng xăng, dầu nhưng không tham gia giao thông rất phức tạp, khó thực hiện khi không thể chứng minh được đâu là đối tượng dùng xăng, dầu để lưu thông trên đường hay dùng cho máy móc nông nghiệp.

Trong khi đó, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cũng chỉ ra nhiều tác động tiêu cực của việc thu phí bảo trì đường bộ qua xăng dầu, trong đó có khả năng đẩy lạm phát lên cao.

“Từ trước đến nay, khi giá xăng dầu tăng thì lạm phát cũng tăng theo. Lạm phát vừa do giá xăng dầu tăng, vừa do giá các mặt hàng tăng, khi đó đời sống người dân sẽ gặp khó khăn”, ông Thịnh khẳng định. Do đó, vị chuyên gia cho rằng, đề xuất thu phí bảo trì đường bộ qua xăng dầu cần phải được xem xét cẩn trọng cả về mặt kinh tế vĩ mô lẫn vấn đề an sinh.

Cho rằng có thể khắc phục hạn chế của thu phí đường bộ qua xăng dầu, bằng cách thực hiện việc hoàn bù cho những đối tượng không dùng xăng dầu vào mục đích giao thông, vận tải, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh khẳng định, đây là việc không dễ để thực hiện và cũng tiềm ẩn không ít bất cập. Đầu tiên phải có kê khai, xác nhận đối tượng sử dụng xăng dầu vào mục đích không cho phương tiện giao thông. Vậy ai sẽ là người chứng nhận? Kể cả việc theo dõi việc bồi hoàn cho những đối tượng này cũng kéo theo rất nhiều phức tạp. Sẽ phải thành lập một bộ máy chuyên trách nhiệm vụ này. Khi đó ngân sách Nhà nước sẽ thêm sức nặng.

“Việc thu phí bảo trì đường bộ trong những năm qua không hiệu quả mà chi phí rất lớn. Chính vì thế đầu năm 2020, Chính phủ đã ra quyết định bãi bỏ bộ máy quỹ bảo trì đường bộ. Chúng ta vừa mới bãi bỏ xong, không có lý nào lại quay sang thành lập lại”, ông Thịnh nói.