Phú Yên:

Thu nhập vài trăm triệu mỗi năm nhờ trồng dứa

(Dân trí) - Từ vùng đất cằn cỗi, Đồng Din (huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên) nay đã thay da, đổi thịt nhờ vào trồng cây dứa sạch. Với vài hecta người trồng dứa ở đây thu lợi hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Thu nhập hàng trăm triệu đồng nhờ trồng dứa
Thu nhập hàng trăm triệu đồng nhờ trồng dứa

Hiệu quả kinh tế cao

Vùng đất Đồng Din trước đây chỉ là đất đồi, sỏi đá chủ yếu trồng được cây bạch đàn, keo nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Sau này vài người dân ở các thôn Định Thắng, Định Thọ ở thị trấn Phú Hòa thử nghiệm trồng dứa. Không ngờ cây trồng này lại bén rễ trên vùng đất này, mang lại thu nhập khá cao.

Từ đó, diện tích dứa không ngừng tăng lên. Cho đến nay, ngoài dứa được trồng ở Đồng Din còn được mở rộng thêm ra các xã Hòa Quang Nam, Hòa Quang Bắc và Hòa Định Tây (huyện Phú Hòa), với tổng diện tích lên đến khoảng 300 ha.

Theo ông Lê Văn Hay, một trong những người đầu tiên trồng dứa ở đây cho biết, dứa ở Đồng Din trồng cách đây gần 20 năm và do những nông dân nghèo trong huyện như gia đình ông lên đây lập nghiệp.

Từ một vài hecta đến nay diện tích dứa Đồng Din đã lên ít nhất 300 hecta. Về cơ bản đến nay nghề này vẫn mang tính chất sản xuất tự sản tự tiêu. Nông dân trồng và tự tìm đầu ra để tiêu thụ. Tuy vậy nghề này vẫn mang lại thu nhập khá cao, hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa nước.

Anh Huỳnh Văn Hương trồng 7 hecta dứa ở đây cho biết: “Khi đến đợt thu hoạch thì mỗi ngày ở Đồng Din doanh thu không dưới 200 triệu đồng. Nhà tôi trồng 7 hecta với thu nhập khoảng 170 triệu đồng/ha/năm ”.

“Dứa ở đây là dứa sạch vì bà con không sử dụng thuốc từ khi trồng, chăm bón đến khi ra trái. Trái dứa ngọt, thanh, giòn nên thu hoạch đến đâu đều có thương lái túc trực mua đến đó. Có lẽ do thổ nhưỡng ở đây phù hợp”, anh Hương nói.

1 năm thu dứa đến 3 lần, cứ 4 tháng là thu 1 lần
1 năm thu dứa đến 3 lần, cứ 4 tháng là thu 1 lần

Theo người dân, cây dứa chỉ trồng một lần nhưng thu hoạch trong 3 năm. Sau khi thu hoạch lứa đầu tiên, cứ khoảng 4 tháng là thu hoạch tiếp.

Gia đình chị Võ Thị Điều cũng trồng mấy hecta dứa ở đây cho biết: “Một ngày tôi thu 300 - 400 trái. Trái nào chín thì thu trước, trái nào xanh thì từ từ. Cây dứa đem lại thu nhập cao lắm, nên giờ đây kinh tế nhà nào cũng khá giỏi hơn, có điều kiện lo cho con ăn học”.

Phát triển vùng trồng dứa theo hướng sản xuất hàng hóa

Ở Đồng Din, dứa sau khi thu hoạch được chủ nhà phân 03 loại: trái lớn, tương đương khoảng 1 kg, trái trung và còn lại là trái đẹt (trái nhỏ). Ở đây dứa không cân ký mà đếm chục “có đầu”, nghĩa là chục dứa 12 trái chứ không phải 10 trái. Người trồng dứa sau khi phân loại bỏ trái vào túi ni lông bán cho thương lái với giá 100.000 đồng/túi (trái lớn)....Thương lái chỉ việc đếm túi ni lông rồi trả tiền mặt.

Mặc dù đem lại lợi nhuận cao nhưng đến nay nông dân phải tự tìm đầu ra để tiêu thụ nên giá cả rất bấp bênh.
Mặc dù đem lại lợi nhuận cao nhưng đến nay nông dân phải tự tìm đầu ra để tiêu thụ nên giá cả rất bấp bênh.

Toàn bộ dứa ở Đồng Din đều do thương lái trực tiếp đến mua và vận chuyển bán ra ngoài tỉnh như Quy Nhơn, Nha Trang, Sài Gòn, Gia Lai..... Mùa nắng giá dứa luôn cao hơn các mùa khác do nhu cầu tiêu thụ nhiều.

Ngoài bán trái, người trồng dứa còn thu hoạch cây giống để bán ra ngoài địa phương. Chị Võ Thị Kim Loan cho biết: “Hiện nay bán cây giống giá 600 nghìn đồng một thiên (1.000 cây). Dứa ở đây ngon nên nhiều người ở trong tỉnh đến mua cây con cũng nhiều lắm. Một bụi dứa sau khi ra trái tơ thì mỗi bụi có khi “nhảy” đến mười mấy cây con. Cho nên, khi thu hoạch trái mình cắt luôn cây con, chỉ chừa mỗi bụi tối đa 3 cây con thôi vì nếu để cây con nhiều thì trái sẽ nhỏ, hơn nữa bán cây con cũng được tiền”.

Theo Phòng NN&PTNN huyện Phú Hòa, năng suất dứa Đồng Din đạt từ 25 tấn đến 30 tấn/hecta/năm và ở khu vực trồng tập trung này còn có khả năng mở rộng diện tích lên khoảng 600 hecta.

Ông Lê Ngọc Tính, Chủ tịch UBND huyện Phú Hòa cho biết, UBND huyện có chủ trương khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vốn xây dựng đường, điện, hồ chứa nước để phục vụ thâm canh cây dứa cũng như tiêu thụ sản phẩm nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân.


Dứa mang thương hiệu Đồng Din ngọt, thanh nên được thương lái rất ưa chuộng

Dứa mang thương hiệu Đồng Din ngọt, thanh nên được thương lái rất ưa chuộng

“Dứa Đồng Din là dứa sạch trồng theo hướng VietGAP và được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học Công nghệ cấp giấy chứng nhận. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn nên huyện đang lập dự án mở rộng diện tích, kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng cơ sở chế biến để đảm bảo ổn định đầu ra, hình thành vùng sản xuất hàng hóa nông sản tập trung và tăng thu nhập cho nông dân”, ông Lê Ngọc Tính nói.

Trung Thi