Thu nhập tiền tỷ của các sếp bán lẻ Vinamilk, PNJ, Masan, Thế Giới Di Động
(Dân trí) - Chủ tịch PNJ Cao Thị Ngọc Dung nhận thù lao 8,8 tỷ đồng năm qua, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinamilk Mai Kiều Liên nhận 6,8 tỷ đồng.
Tại Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk - mã chứng khoán: VNM), ông Nguyễn Hạnh Phúc - Chủ tịch HĐQT - nhận mức thù lao 3,1 tỷ đồng năm qua. Các thành viên khác trong HĐQT nhận mức thù lao khoảng 2 triệu đồng trở lên.
Bà Mai Kiều Liên, với vai trò Thành viên HĐQT nhận mức thù lao gần 2 tỷ đồng. Đồng thời, bà Liên được trả mức lương trung bình 400 triệu đồng/tháng (4,8 tỷ đồng/năm) cho vị trí Tổng giám đốc. Tổng cộng năm qua, bà Liên nhận lương và thù lao khoảng 6,8 tỷ đồng.
Nữ tướng Mai Kiều Liên đã có gần 50 năm làm việc tại Vinamilk, gắn bó với doanh nghiệp từ khi mới thành lập, trong đó có 30 năm làm tổng giám đốc.
Bà Liên được biết đến như một lãnh đạo nổi tiếng với tinh thần luôn đổi mới sáng tạo, không ngại thay đổi. Bà góp phần đề ra các quyết sách cho cuộc "cách mạng trắng" để xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu chăn nuôi bò sữa trong nước vào những năm 1990.
Tại Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (mã chứng khoán: MWG) sở hữu nhiều chuỗi bán lẻ điện thoại, điện máy, thực phẩm, đồ trẻ em, nhà thuốc, thu nhập của ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT - được trả thù lao 230 triệu đồng trong năm 2023.
Các thành viên HĐQT khác như ông Đặng Minh Lượm, Đoàn Văn Hiểu Em đã được thù lao lần lượt 686 triệu đồng và 584 triệu đồng. Riêng ông Robert Willet, Thành viên HĐQT độc lập, được nhận thù lao 2,25 tỷ đồng, gấp 10 lần chủ tịch HĐQT.
Ông Robert luôn là người có mức thu nhập cao nhất trong HĐQT Thế Giới Di Động. Trong nhiều năm qua, mỗi năm ông được trả thù lao trên hơn 2 tỷ đồng, dù có thể thu nhập của chủ tịch HĐQT và các thành viên khác chỉ vài trăm triệu đồng.
Ông Robert Willett là thành viên HĐQT không tham gia điều hành tại Thế Giới Di Động từ năm 2013 - trước khi doanh nghiệp này đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán. Sinh năm 1946, quốc tịch Anh, ông Robert Willett là cựu Giám đốc Điều hành BestBuy International.
Chuỗi bán lẻ cạnh tranh trực tiếp với Thế Giới Di Động là FPT Shop (được quản lý bởi Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT, FPT Retail) trả mức lương 1,9 tỷ đồng cho Tổng giám đốc Hoàng Trung Kiên. Phó tổng giám đốc Nguyễn Việt Anh nhận lương gần 1,4 tỷ đồng. Các thành viên HĐQT và Ban kiểm soát không nhận thù lao.
Đối với doanh nghiệp bán lẻ vàng là Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (mã chứng khoán: PNJ), bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch HĐQT nhận thù lao bình quân 735 triệu đồng/tháng, tương đương khoảng 8,8 tỷ đồng cho năm 2023. Bà Dung cũng là người nhận thù lao cao nhất trong các thành viên HĐQT.
Ông Lê Trí Thông, với 2 vai trò Phó Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc, nhận thù lao 150 triệu đồng/tháng và lương 572 triệu đồng/tháng. Như vậy năm qua, ông Thông nhận lương và thù lao khoảng 8,7 tỷ đồng, xấp xỉ bà Dung.
Năm 2023, Tập đoàn Masan (mã chứng khoán: MSN), "ông vua" bán lẻ thực phẩm và đồ uống, trả mức lương, thưởng và các phúc lợi khác cho ông Danny Le - Tổng giám đốc - là hơn 14,6 tỷ đồng, tức khoảng 1,2 tỷ đồng/tháng. Mức này cũng tăng khoảng 23% so với năm trước.
Ông Danny Le sinh năm 1984. Trước khi gia nhập Masan vào năm 2010, ông Danny Le từng là chuyên viên phân tích, bộ phận Ngân hàng Đầu tư tại Morgan Stanley trong giai đoạn 2006-2010.
Các thành viên HĐQT và Ủy ban kiểm toán công ty không hưởng thù lao cho năm 2023. Điều này đã được Masan duy trì nhiều năm nay, bản thân tỷ phú Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch HĐQT - cũng nhận mức thù lao 0 đồng, dù tập đoàn lãi hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.