1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân:

Thu nhập 9 triệu đồng/tháng chưa phải nộp thuế TNCN

(Dân trí) - Theo Dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân vừa được Chính phủ trình bày trước Quốc hội: Mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế từ 4 triệu đồng/tháng lên mức 9 triệu đồng/tháng; mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc từ 1,6 triệu đồng/tháng lên mức 3,6 triệu đồng/tháng.

Sáng nay 26/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội về Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân.

Bộ trưởng Bộ tài chính Vương Đình Huệ bên hành lang Quốc hội sáng nay 26/10.

Bộ trưởng Bộ tài chính Vương Đình Huệ bên hành lang Quốc hội sáng nay 26/10.

Dự thảo luật quy định nâng mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) cho bản thân người nộp thuế từ 4 triệu đồng/tháng lên mức 9 triệu đồng/tháng; mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc từ 1,6 triệu đồng/tháng lên mức 3,6 triệu đồng/tháng; đồng thời bổ sung quy định: Khi giá thị trường biến động trên 20% thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức GTGC.

Theo báo cáo thẩm tra về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN) của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội: Đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS tán thành với mức GTGC như quy định của Dự thảo luật nhằm bảo đảm phù hợp hơn với diễn biến chỉ số CPI và sức mua của VND; đáp ứng tốc độ tăng trưởng GDP đến năm 2014 và những năm tiếp theo; giảm tỷ lệ động viên thuế, phí trên GDP; Tăng cường nguồn lực cho chi phí ngày một cao đối với y tế, giáo dục, văn hóa; góp phần kích cầu, khuyến khích tiêu dùng; thực hiện chính sách nuôi dưỡng nguồn thu.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ủy ban, việc nâng mức GTGC lên như quy định trong Dự thảo luật sẽ dẫn đến một số hệ quả sau:

Thứ nhất, việc nâng mức GTGC sẽ làm thay đổi mục tiêu ban đầu của Luật thuế TNCN đã được Quốc hội khóa XII thông qua là “số người nộp thuế từng bước được tăng lên, ngày càng nhiều người có thu nhập từ mức trung bình trở lên trong xã hội có cơ hội làm quen dần với sắc thuế này và thực hiện nghĩa vụ của mình đối với đất nước, góp phần ổn định nguồn thu ngân sách nhà nước” .

Theo Tờ trình số 244/TTr-CP ngày 22/9/2012 của Chính phủ, cả nước hiện chỉ có khoảng 3,87 triệu người phải nộp thuế TNCN (chỉ chiếm 4,4% dân số cả nước). Nếu nay sửa đổi Luật theo hướng nâng mức GTGC như trong Dự thảo luật thì dẫn đến thu hẹp đối tượng phải nộp thuế, chỉ còn khoảng 1 triệu người, giảm quá lớn so với hiện nay và chiếm tỷ lệ thấp so với tổng số người có thu nhập. Tương tự như vậy, số lượng hộ kinh doanh cá thể thuộc diện nộp thuế TNCN cũng giảm khá lớn ; không duy trì và phát huy kết quả đạt được trong quá trình thực thi Luật thời gian qua .

Thứ hai, việc nâng mức GTGC sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn thu NSNN (năm 2013 giảm thu NSNN khoảng 5.200 tỷ đồng; năm 2014 giảm thu khoảng 13.350 tỷ đồng), sẽ làm giảm nguồn lực để bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ chi của ngân sách.

Về quy định điều chỉnh mức GTGC khi giá cả biến động, dự thảo luật quy định: Trường hợp giá thị trường biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực hoặc thời điểm điều chỉnh mức GTGC gần nhất thì Chính phủ trình UBTVQH điều chỉnh phù hợp với biến động giá cả.

Bộ trưởng Bộ tài chính Vương Đình Huệ bên hành lang Quốc hội sáng nay 26/10.

Ông Phùng Quốc Hiển, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân.

Đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS tán thành với quy định của Dự thảo luật về việc giao UBTVQH điều chỉnh mức GTGC nhằm bảo đảm phù hợp về thẩm quyền quyết định chính sách thuế theo đúng quy định của Luật tổ chức Quốc hội song vẫn đáp ứng yêu cầu linh hoạt trong xử lý các tình huống bất thường.

Nhưng có ý kiến cho rằng, nên giao Chính phủ quy định để bảo đảm tính chủ động khi giá cả biến động bất thường.

Về thu nhập chịu thuế và thu nhập không chịu thuế, có ý kiến trong Ủy ban TCNS cho rằng: Không nên thu thuế đối với thu nhập từ đầu tư chứng khoán nhằm khuyến khích hoạt động này, đặc biệt trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang gặp khó khăn nhằm phát triển thị trường này thành một kênh huy động vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, theo đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS, cần thiết phải thu thuế đối với thu nhập từ đầu tư chứng khoán vì về nguyên tắc, có thu nhập từ đầu tư thì phải thực hiện nghĩa vụ thuế bình đẳng như mọi khoản thu nhập khác song việc nộp thuế TNCN từ đầu tư chứng khoán phải đúng bản chất là có thu nhập mới tính thuế.

Ngoài ra, một số ý kiến trong Ủy ban còn nhận xét về Biểu thuế suất hiện hành quy định 7 bậc thuế là khá nhiều, chưa điều tiết hợp lý thu nhập với người có thu nhập cao. Vì vậy, đề nghị sửa đổi Biểu thuế suất theo hướng giãn khoảng cách các bậc thuế hiện hành xuống còn 5 bậc với các mức thuế suất 5%; 10%; 15%; 25% và 35%.

Đa số ý kiến tán thành với đề xuất của Chính phủ về thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật (từ 01/07/2013) nhằm bảo đảm thời gian cần thiết để Chính phủ triển khai xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật.

Ngược lại, cũng có một số ý kiến đề nghị thời điểm có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2014 để bảo đảm áp dụng theo niên độ ngân sách, dễ tính, dễ thực hiện và sẽ tăng thu cho ngân sách Nhà nước so với phương án Luật có hiệu lực thi hành từ 1/7/2013 trên 6.000 tỷ đồng.

Có ý kiến đề nghị thời điểm có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013 nhằm bảo đảm các quy định của Luật sớm đi vào cuộc sống, Tuy nhiên, theo phương án này thì số thu ngân sách năm 2013 sẽ giảm thêm khoảng 6.000 tỷ so với phương án áp dụng Luật từ 1/7/2013.

Bài: Nguyễn Hiền
Ảnh: Việt Hưng