ĐBSCL:

Thu hoạch vụ hè thu: Nông dân, chủ máy gặt thất thu vì mưa dầm

(Dân trí) - Suốt 3 ngày qua, nhiều tỉnh ở ĐBSCL chịu cảnh mưa dầm, làm bà con nông dân gặp khó khi thu hoạch vụ lúa hè thu. Vì mưa, bà con nông dân thất thu đáng kể, các chủ máy gặt đập liên hợp cũng “ngậm đắng” khi phải “trùm mền” máy gặt trong nhiều ngày...

Nông dân thu hoạch lúa buồn…

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
Bước vào tháng 6, khu vực ĐBSCL bước vào mùa mưa bão và cộng với bão số 1 nên mấy ngày qua nhiều tỉnh ở khu vực này gặp cảnh mưa dầm kéo dài. Đáng nói, thời gian này bà con nông dân ở các tỉnh như: An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang… đang chạy nước rút thu hoạch vụ lúa hè thu 2015 nhưng gặp cảnh mưa dầm như mấy ngày qua, bà con nông dân gặp không ít khó khăn.

Bà Nguyễn Thị My – xã Long Phú, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long lo lắng: “Khoảng 10 ngày nữa tôi thu hoạch 1,3 ha lúa hè thu rồi nhưng mấy ngày qua trời mưa liên tụt làm lúa đổ ngã khoảng 1/3 diện tích. Với bấy nhiêu diện tích đó, tôi mất hàng triệu đồng chứ chẳng chơi. Cầu mong trời đứng mưa nữa, nếu mưa nữa số tiền thất thu sẽ tăng lên 2 -3 lần”.

Theo bà My giải thích, khi lúa đổ ngã, tiền công gặt sẽ tăng từ 50.000 – 150.000 đồng/ công (tùy lúa ngã ít hay nhiều) trong khi đó tỷ lệ lúa bị úng, lép và lúa ra rơm sẽ tăng lên từ 10 – 20%. Ngược lại những cái tăng khi lúa đổ ngã là giá bán lúa sẽ thấp hơn, nguyên nhân là do màu lúa không còn sáng đẹp nên thương lái ép giá từ 50 -100 đồng/kg lúa là chuyện thường.

Do mưa nhiều ngày qua, nhiều cánh đồng lúa vụ hè thu ở ĐBSCL bị ngập nước lênh láng thế này
Do mưa nhiều ngày qua, nhiều cánh đồng lúa vụ hè thu ở ĐBSCL bị ngập nước lênh láng thế này

Riêng hàng ngàn hộ dân đang thu hoạch vụ lúa hè thu tại các tỉnh miền Tây thì bị thất thu đáng kể khi gặp cảnh mưa dầm như những ngày qua. Anh Nguyễn Thanh Hiên - ấp Thới Hiệp B, xã Xuân Thắng, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ cho biết: “Máy gặt đập liên hợp vừa xuống ruộng gặt được vài luống thì trời đổ mưa, máy phải đậu nghỉ. Do vậy, gia đình tôi làm chỉ có hơn 1 ha đất nhưng 3 ngày mới gặt xong diện tích đó”.

Đối với những hộ dân thu hoạch lúa gặp cảnh trời mưa, ngoài việc tốn nhiều thời gian cho việc thu hoạch thì bà con nông dân còn phải tốn nhiều thứ khác, chẳng hạn tỷ lệ lúa ra rơm cao hơn, giá công gặt tăng... Nhưng đáng nói nhất là nông dân gặp khó khi bán lúa, vì đa số nông dân không có điều kiện phơi, sấy lúa nên sau khi thu hoạch, lúa ướt nhèm, bà con phải bán ngay cho thương lái dù giá có giảm từ 100 – 200 đồng/kg lúa so với giá cam kết ban đầu, vì nếu trữ lại, lúa lên mầm còn lỗ hơn.

“Với những hộ dân thu hoạch lúa, bà con có cái kể khổ nhưng với những hộ không được thu hoạch lúa như chúng tôi đây thì như đang đứng trên đống lửa”. Anh Nguyễn Văn Vĩnh – xã Xuân Thắng, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ nói

Theo anh Vĩnh, ví dụ một chủ máy gặt chỉ lãnh 10 hộ và trời mưa nên một hộ bị trễ ngày gặt 2 - 3 ngày thì đến người thứ 10 thì cánh đồng lúa chẳng còn gì để gặt. “Với những ruộng lúa bị trễ 3 -5 ngày thì chưa thiệt hại nhiều nhưng 1,5 ha lúa của tôi đã trễ hơn 1 tuần rồi mà đến nay vẫn chưa gặt được. Nguyên nhân của việc trễ này là do mưa, diện tích ùn ứ và đến khi trời nắng máy gặt được thì máy bị lầy dẫn đến hư hỏng… Với những lí do như vậy, làm sao mình trách chủ máy gặt được”, anh Nguyễn Văn Vĩnh nói thêm.

Trước lí do này, chúng tôi đặt vấn đề gọi máy gặt khác, anh Vĩnh thông tin thêm, có hai lí do không gọi được máy gặt khác: Thứ nhất là vì hiện nay máy gặt kiêm luôn “cò lúa” cho thương lái nên bà con kêu máy gặt nào thì có thương lái đến thu mua luôn. Do vậy, bà con gọi máy khác, không có thương lái mua lúa còn khổ hơn. Lí do thứ hai là vì mỗi cánh đồng địa phương chỉ cho vài máy vào gặt vào hoạt động, do vậy khi gặp mưa dầm như mấy ngày qua thì cánh đồng nào cũng bị ùn ứ. Do vậy, bà con có gọi máy  gặt từ đồng khác đến, các chủ máy không thể qua vì họ cũng đang bị bà con “bao vây”, xếp hàng chờ gặt.

3 ngày chỉ gặt được 10 công đất…

Trong lúc bà con nông dân chịu nhiều cảnh khổ khi thu hoạch lúa gặp cảnh mưa dầm thì những ông chủ máy gặt đập liên hợp cũng “méo mặt” vì bị thất thu đáng kể khi phải “trùm mền” máy trong nhiều ngày. Chủ máy gặt Ngô Hoàng Anh ở xã Long Phú, huyện Tam Bình, Vĩnh Long than thở: “Anh nghĩ đi, chúng tôi vui sao được khi 3 ngày qua tôi gặt chưa được 10 công đất. Trong khi đó tôi phải nuôi cơm 6 nhân công và liên tục bị bà con nông dân than thở, trách hờn vì trễ ngày gặt lúa của họ cả tuần rồi”.

Anh Hoàng Anh thông tin thêm, hiện nay máy gặt đập nhiều hơn nên giá gặt lúa tại Vĩnh Long giảm từ 20.000 – 30.000 đồng/công. Bởi vậy, gặp cảnh mưa dầm, các chủ máy gặt còn lỗ nặng hơn vì tiền gặt không đủ trả tiền nhân công, xăng dầu, tiền cơm cho nhân công... Cụ thể, nếu trời nắng (đối với vụ hè thu) 1 ngày gặt từ 20 -30 công, nếu gặp cảnh trời mưa kéo dài, mỗi ngày chỉ gặt được từ 6 -10 công đất nhưng nhiên liệu tiêu hao gấp 1,5 lần so với trời nắng (do máy bị lầy).

Do mưa nhiều ngày qua, nhiều cánh đồng lúa vụ hè thu ở ĐBSCL bị ngập nước lênh láng thế này
Vụ lúa hè thu, các ông chủ gặt cho rằng là khó "ăn" nhất, vì hay gặp cảnh trời mưa, máy không gặt được phải "trùm mền" máy trong nhiều ngày là chuyện thường

Anh Lê Văn Tùng – tài xế kéo lúa cho anh Hoàng Anh cho biết: “3 ngày qua ông chủ gặt chưa được 10 công ruộng thì tài xế kéo lúa như tôi cũng “nằm chơi xơi nước” thôi chứ có lúa đâu mà kéo. Mình đi làm công nhưng thấy ông chủ thất thu như vậy, mình đòi tiền công cả ngày thì cũng khó coi nên chỉ xin ông chủ cho ngày 2 buổi cơm, chờ nắng lên rồi tính tiếp!”

Trao đổi với PV Dân trí nhiều chủ máy gặt đập liên hợp cho biết, trong các vụ gặt lúa, vụ hè thu là khó “ăn” nhất, vì chi phí xăng dầu, hư hỏng, nhân công… mọi thứ đều tăng, chỉ có diện tích gặt là giảm. “Nhưng đáng lo nhất là máy bị hư nhiều do bị lầy, lún,… Tuy nhiên, mình và bà con nông dân đã có “ăn thua” với nhau từ nhiều năm trước, nhất là vụ đông xuân nên vụ này có khó mấy, dân máy gặt chúng tôi cũng không thể bỏ bà con. Chỉ “bỏ” khi trời mưa dầm như những ngày qua thôi!”, anh Nguyễn Văn Tiến – một chủ máy gặt ở An Giang chia sẻ.

Theo tìm hiểu của PV Dân trí, trong vụ lúa hè thu này, giá công gặt không tăng, đối với lúa đứng dao động từ 250.000 – 290.000 đồng/ công; đối với lúa ngã từ 300.000 – 500.000 đồng/ công (tùy theo diện tích ngã ít hay nhiều). Với mức giá này, bà con nông dân đã tiết kiệm từ 200.000 – 400.000 đồng/công nếu phải thuê thu hoạch lúa bằng thủ công như trước đây.

Theo các Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, TP. Cần Thơ… nếu tính đến nay bà con nông dân đã thu hoạch khoảng 2/3 diện tích vụ lúa hè thu, năng suất trung bình đạt từ 6,3 - 6,5 tấn/ha. Riêng tỉnh An Giang do thời gian gieo sạ muộn hơn các địa phương khác nên hiện tại, toàn tỉnh An Giang chỉ thu hoạch khoảng 1/3 diện tích gieo sạ.

 

Bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Đồng Tháp thông tin, những ngày qua do ảnh hưởng của cơn bão số 1 nên toàn tỉnh có hơn 621ha lúa hè thu bị đổ ngã, với mức độ từ 5-10%, tập trung ở các diện tích lúa chuẩn bị thu hoạch. Ngoài ra, tính đến ngày 25/6 theo thống kê nông dân các huyện như Tháp Mười, Cao Lãnh, Lấp Vò, Lai Vung… có diện tích xuống giống lúa thu đông trên 103.362ha, trong đó mưa bão làm ngập úng hư hại trên 170ha. Đối với các diện tích có tỷ lệ giống chết từ 70% trở lên, nông dân phải sạ lại, các diện tích còn lại thực hiện sạ dặm hoặc cấy dặm. Riêng các tỉnh khác, như An Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long… bão số 1 có gây ảnh hưởng đến cây lúa, hoa màu… nhưng mức độ thiệt hại không đáng kể.

 

Nguyễn Hành

 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”