Thủ đoạn lừa bịp mới từ các công ty môi giới tài chính
Gần đây, hàng chục đại diện các công ty môi giới tài chính từ Nam Phi, Philipines, Australia... đến Việt Nam đặt vấn đề giúp các DN tiếp cận các nguồn vay tư nhân của nước ngoài. Nhiều DN đã “tiền mất, tật mang” vì thủ đoạn lừa bịp mới này.
Đem tiền cho vay khi năng lực tài chính "mù mờ"
Ngày 15/4 vừa qua, đại diện công ty có tên Financical Brokerage từ nước Anh đã đến Bộ Tài chính xin gặp mặt người có thẩm quyền. Theo lời, họ là một công ty môi giới tài chính rất có uy tín bên nước Anh nay được uỷ quyền của khách hàng bên Úc sang Việt Nam tìm những đối tác có nhu cầu vay vốn.
Điều kiện vay tiền xem ra rất thoáng, chỉ cần "DA vay được Chính phủ xem xét duyệt khả thi hạn tiền khả thi, thời gian hoàn vốn từ 5 - 20 năm. Hồ sơ vay vốn được thiết lập đúng thời hạn do cty JV International Consultanaf PTY LTD (cho vay) yêu cầu.
Giá trị vốn vay không dưới 20 triệu USD và khôngquá 800 triệu USD, tuy nhiên JV cũng có thể xem xét đến những DA có giá trị dưới 20 triệu USD tuỳ theo mục đích DA đó là gì.
Điều kiện và chi phí lãi suất vào khoảng 1,25% + LIBOR, thậm chí có thể tuỳ theo tính khả thi của DA, phí cho tập đoàn tài chính môi giới sẽ là 2,5% số tiền vay và được tính 1 lần duy nhất trong đợt chuyển tiền đầu tiên...
Tại buổi gặp, Bộ Tài chính đã nêu rõ: "Nếu công ty môi giới không chứng minh được năng lực tài chính của nơi cho vay và cung cấp thông tin về các dự án đã thực hiện từ trước đến nay trên thế giới thì Bộ Tài chính không thể giúp".
Đứng trước "tài sản" mà vị đại diện này mang theo chỉ vỏn vẹn: Thông báo của một ngân hàng trên thế giới đã từng có giao dịch với cty đó, những giấy tờ liên quan đến đăng ký thành lập cty (toàn bản photo không hề công chứng), Vụ Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) đã từ chối cấp "thư bảo lãnh" để công ty nọ "tiện" xuống làm việc tại các DN và địa phương.
Trao đổi với báo chí, ông Phan Văn Hiến, Phó vụ Tài chính đối ngoại, bức xúc: "Thời gian qua, chúng tôi đã phải tiếp đến vài chục "khách" và các hồ sơ kiểu này. Các giấy tờ của họ đều rất mù mờ, thiếu căn cứ. Thậm chí, sau khi Bộ Tài chính đưa ra những yêu cầu trên, các công ty đều "một đi không trở lại".
Mời gọi vay để "rửa tiền" hay vì mục đích nào khác?
Theo ông Bùi Tuấn Anh, chuyên viên pháp luật Vụ Tài chính đối ngoại, năm 1998 khi những lời mời gọi vay kiểu này xuất hiện tại VN, Bộ Tài chính đã thuê ngay 1 công ty tư vấn Luật có uy tín (tại Mỹ) thẩm tra.
Sau một thời gian tìm hiểu, công ty luật trên đã chính thức trả lời, khẳng định: "Trên thế giới chưa bao giờ tồn tại loại hình cho vay này", đồng thời cho biết đã từng có chuyện Bộ Tài chính một nước Trung Á cấp tín thư bảo lãnh cho một công ty nước ngoài có "chiêu" mời vay vốn y hệt VN.
Công ty này ngay lập tức đem thư bảo lãnh tới cầm cố tại một ngân hàng để đổi lấy mấy trăm triệu USD. May nhờ có sự kiểm tra thông tin của ngân hàng và sự can thiệp kịp thời của cảnh sát Interpol, Bộ Tài chính nước đó mới kịp thu hồi lại tín thư bảo lãnh.
Vậy, mục đích của những cá nhân, tổ chức nước ngoài tới VN mời gọi các DN và các địa phương vay vốn với lãi suất thấp là gì? Có thực như họ nói muốn ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng như phi trường, cảng biển và hướng đến tính nhân đạo như xây dựng trại trẻ mồ côi, trường học, bệnh viện giúp VN phát triển? Ông Phan Văn Hiến lắc đầu: "Chuyện vay mượn cho những mục tiêu này là khó xảy ra vì họ không có năng lực tài chính như cam kết".
Hay các tổ chức, cá nhân đó không muốn chứng minh năng lực bởi vì đứng đằng sau họ có thể là những đại gia muốn đem "tiền bẩn" sang những nước nghèo "rửa" thành "tiền sạch"? Ông Bùi Tuấn Anh khẳng định ngay: "Không thể vì thời gian cam kết cho vay dài tới 10, 20 năm, những kẻ có tiền không đợi được lâu như thế". (Đã từng có lời đề nghị Bộ Tài chính cho mượn tài khoản để sáng đưa vào 1 tỷ USD, chiều rút ra sẽ để lãi vài trăm triệu USD).
Đặt vào trường hợp cụ thể của VN, lý do "nặng ký" hơn cả là những cá nhân, tổ chức kiểu này đang mong có được một "tín thư bảo lãnh" của bộ Tài chính hay Ngân hàng Nhà nước để có thể dùng nó làm vật thế chấp, vay tiền tại bất cứ một ngân hàng nào trên thế giới.
Dù không đạt được mục đích này nhưng ông Hiến cho biết: suốt thời gian qua họ vẫn đi đến các địa phương mời gọi (qua điều tra cho thấy các đối tượng này đã đến hầu hết các tỉnh, thành và nhiều DN) như một kiểu tranh thủ đi du lịch không mất tiền, thậm chí không loại trừ khả năng mong muốn "kiếm chác" chút ít. (Trên thực tế, không ít nơi đã tổ chức đón tiếp họ rất nhiệt tình, tốn cả thời gian và tiền bạc để quà cáp đón tiếp và đưa tiễn khách quý).
Đứng trước kiểu làm ăn khó hiểu và có nhiều dấu hiệu lừa bịp này, vừa qua, Bộ Tài chính đã chính thức đưa ra lời cảnh báo tới tất cả DN, Tổng công tynhà nước và lãnh đạo các tỉnh, thành.
Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị ngoài xác định tính hiện thực của bản chào cho vay, cần tìm hiểu rõ tư cách pháp nhân và năng lực tài chính của người cho vay (báo cáo tài chính có kiểm toán mới nhất), tiền vay chuyển từ đâu đến và khi nào, điều kiện người vayđược nhận tiền vay sau khi cung cấp bảo lãnh, thông tin về các dự án cho vay tương tự.
Trong trường hợp cần thiết, các cơ quan DN có thể làm việc với Ngân hàng Nhà nước, Tổng cục An ninh- Bộ công an để được hỗ trợ trong việc xác định thực lực của các loại đối tác này.
Theo Tiền phong