Thủ đoạn của đại gia Hà Thành lừa gán "sổ đỏ" của dân vào ngân hàng
(Dân trí) - Sau khi lừa vay hàng chục tỷ và gán hàng loạt "sổ đỏ" của người dân vào ngân hàng, ông Hoàng Đức Dũng - GĐ Cty CP thương mại XNK Đại Gia còn tiếp tục "đẻ" ra một công ty con để lừa đảo tiếp trước khi cao chạy xa bay.
Trong bản Hợp đồng hạn mức tín dụng 30 tỷ đồng ký kết với Ngân hàng Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) chi nhánh Thăng Long, Công ty Cổ phần thương mại xuất nhập khẩu Đại Gia (Công ty Đại Gia) ghi địa chỉ tại số 109 đường Ngọc Lâm - Ngọc Lâm - Long Biên - Hà Nội. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV Dân trí, điểm hoạt động của công ty này lại ở một khu đất thuê lại nằm trong khuôn viên một công ty thuỷ sản tại số 67, phố Phú Viên, phường Bồ Đề - Long Biên (Hà Nội).
Trụ sở thuê của Công ty Đại gia là một căn nhà cấp 4 và một nhà kho lụp xụp nay đã trống trơn phủ bụi, không còn một chút tài sản nào đáng giá. Vừa thấy có người lạ tìm đến hỏi công ty Đại gia, anh T., một cán bộ công ty thuỷ sản đã nghĩ ngay là người đến đòi nợ và bức xúc tố tội vị đại gia "rởm" vì chính ông cũng bị lừa mất mấy trăm triệu.
Theo anh T, từ khi thành lập Công ty Đại gia, khoảng 8 năm nay, vợ chồng ông Dũng đã thuê một phần diện tích trong khuôn viên công ty thuỷ sản này để hoạt động. Ban đầu Công ty Đại gia do bà Trịnh Thị Kim Hà, vợ ông Dũng làm giám đốc. Tuy nhiên, cách đây mấy năm, khi bà Hà xin đi dạy học, được biên chế nên đã chuyển chức danh giám đốc công ty sang cho ông Dũng.
Công ty Đại Gia kinh doanh inox nhưng thời điểm bất động sản đang "nóng" ông Dũng cũng tham gia buôn bán. Chính anh T đã nhiều lần đưa ông Dũng đi xem và mua đất. Thời điểm đó, ông Dũng bung ra vay hàng chục tỷ đồng từ ngân hàng và tín dụng "đen". Lãi suất hàng tháng lên tới hơn nửa tỷ đồng. Cách đây khoảng 2 năm, giá inox rớt thảm hại, bất động sản cũng "đóng băng" khiến Công ty Đại gia bắt đầu "giãy chết".
Anh T cho biết, chính anh cũng bị ông Dũng lừa vay mất mấy trăm triệu đồng. Do sống cạnh nhau gần chục năm khá thân thiết nên khi Dũng hỏi, anh cho vay không lấy lãi. Đến khi số inox của Công ty này tập kết tại kho bị ngân hàng đến "xiết nợ", anh T mới biết mình bị mất trắng số tiền. "Từ cách đây vài tháng đến giờ, hàng chục chủ nợ tìm đến đây hỏi ông Dũng. Thời điểm trước khi bỏ trốn, ông Dũng còn khất nợ nhưng sau này khi "đại gia" cao chạy xa bay thì nhiều chủ nợ đến công ty ngơ ngác vì "sổ đỏ" đã bị Dũng đưa vào gán nợ trong ngân hàng", anh T nói.
Theo anh T, có khoảng hơn chục "sổ đỏ" của người dân bị lừa gán vào "chết thay" cho Công ty Đại gia trong ngân hàng. Số tiền mặt các chủ nợ đến đòi ông Dũng lên tới hàng chục tỷ đồng. Trong số các trường hợp bị lừa đảo thì trường hợp của gia đình bà Hoàng Thị Sau (SN 1958), trú tại Cổ Loa - Đông Anh (Hà Nội) là một trong những trường hợp muộn nhất. Thời điểm đó, Công ty Đại gia đã vỡ nợ công khai.
Nhiều nạn nhân của ông Dũng đến công ty đòi nợ đều tố thủ đoạn lừa đảo của Công ty Đại Gia là hứa hẹn vay giúp một khoản tiền với điều kiện gia đình phải đồng ý uỷ quyền sử dụng hoặc thế chấp "sổ đỏ" vào ngân hàng cho công ty. Với nhiều lời hứa hẹn ngon ngọt, "đại gia" Dũng đã khiến nhiều gia đình tan cửa nát nhà. Sau khi công ty này bỏ trốn, ngân hàng tiến hành thanh lý tài sản. Các nạn nhân của Đại gia bị đẩy ra khỏi chính mảnh đất mình đang sống. Đó là kết cục của một kịch bản lừa đảo nhẫn tâm và trắng trợn.
Điều đặc biệt là trước khi bị phát hiện vỡ nợ, ông Dũng cùng Công ty Đại Gia đã mang đầy tai tiếng không còn lừa vay được tiền của bất cứ ai thì vị giám đốc này đã bày ra một thủ đoạn xảo trá. Ông Dũng tiếp tục thành lập Công ty TNHH Thương mại Inox Minh Anh là công ty con của Đại gia, nhằm "thay tên đổi họ" để tiếp tục đi lừa đảo.
Tuy nhiên theo anh T, ông Dũng đi thuê, thậm chí ép nhân viên giữ chức danh giám đốc công ty mới nhưng không ai nhận. Cách đây vài tháng, các chủ nợ "xã hội" liên tiếp đên đe doạ, thúc nợ khiến vợ chồng ông Dũng hoảng sợ bỏ trốn, đến nay đã bặt vô âm tín. Khoản tiền tuê trụ sở công ty gần 100 triệu đồng, cặp vợ chồng này cũng kịp quỵt nốt.
Trao đổi với PV Dân trí, bà Mai Kim Oanh - Hiệu trưởng trường THPT Lý Thường Kiệt (Long Biên - Hà Nội) cho biết bà Trịnh Thị Kim Hà (vợ công Dũng) về công tác tại trường, được biên chế chính thức cách đây được khoảng 3 năm. Tại trường, bà Hà được giao chủ nhiệp lớp, giảng dạy môn tiếng Anh.
Bà Oanh cho biết thêm, bà Hà đã tự ý bỏ việc. Vì vậy, ban giám hiệu nhà trường đã báo cáo sự việc lên Sở GD&ĐT TP Hà Nội, đồng thời làm việc với chính quyền địa phương xác nhận việc bà Hà đã không có mặt tại địa phương trong thời gian tự ý bỏ việc.
"Cách đây 2 năm, cô Hà được tín nhiệm bầu vào ban chấp hành công đoàn. Tuy nhiên, đến thời điểm bỏ việc, cô Hà không có vướng mắc chuyện tiền nong với nhà trường", bà Oanh khẳng định.
Trước đó như Dân trí đã đưa tin, ông Hoàng Đức Dũng - Giám đốc Công ty Cổ phần thương mại xuất nhập khẩu Đại Gia đã lừa bà Hoàng Thị Sau (SN 1958), trú tại Cổ Loa - Đông Anh (Hà Nội) đưa "sổ đỏ" ngôi nhà đang sinh sống vào thế chấp trả nợ thay cho công ty tại Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) chi nhánh Thăng Long với thủ đoạn hứa hẹn vay giúp gia đình 500 triệu đồng.
Tuy nhiên, sau đó, gia đình bà Sau đã "tố" 3 cán bộ Ngân hàng LienVietPostBank chi nhánh Thăng Long gồm: ông Lưu Hoài Nam, bà Trần Thị Định Yên và ông Trần Vũ Việt định giá "trên trời" miếng đất và tài sản của gia đình bà để thế chấp trả nợ thay cho công ty Đại gia.
Hơn nữa, theo gia đình bà Sau, 3 cán bộ ngân hàng này biết chuyện gia đình bà bị dụ thế chấp thay hơn 7 tỷ để vay... 500 triệu nhưng không giải thích mà còn liên tục "động viên", tạo niềm tin cho gia đình bà Sau yên tâm việc việc giải ngân khoản tiền 500 triệu. Gia đình bà Hoàng Thị Sau cho biết đã gửi một số cứ liệu chứng minh điều này tới lãnh đạo LienVietPostBank.
* Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc này.
Anh Thế