Thu "bộn" từ BOT, Tasco tăng lãi 558% nửa đầu năm

(Dân trí) - Về dài hạn khi thêm 3 dự án (BOT Quốc lộ 10 Hải Phòng, BOT Đông Hưng và BOT Quốc lộ 32 Phú Thọ) đang được triển khai và dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2018, VCBS tính toán, nguồn thu phí của Tasco sẽ tăng mạnh lên mức trên 800 tỷ đồng/năm (xấp xỉ 2,2 tỷ đồng/ngày).

Trạm thu phí Mỹ Lộc - 1 trong 4 dự án đang thu phí có doanh thu khá ổn định của Tasco
Trạm thu phí Mỹ Lộc - 1 trong 4 dự án đang thu phí có doanh thu khá ổn định của Tasco

Công ty cổ phần Tasco (mã chứng khoán HUT) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2016 với kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, trong kỳ Tasco đạt doanh thu 761 tỷ đồng, tăng 173% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế tăng 302% đạt 74,6 tỷ đồng mặc dù công ty phải ghi nhận một khoản giảm trừ doanh thu khác lớn là 145 tỷ đồng do đối tác thanh lý (hủy) hợp đồng chuyển nhượng đất từ năm 2010.

Lũy kế 6 tháng, Tasco đạt mức tăng trưởng 196% về doanh thu (đạt 1.358 tỷ đồng) và 558% về lợi nhuận sau thuế (đạt 159 tỷ đồng).

Trong khi mảng bất động sản đang đóng góp 72% vào tổng doanh thu của Tasco thì mảng thu phí BOT đang tăng trưởng rất mạnh. Trong nửa đầu năm, doanh thu thu phí BOT của Tasco lên tới 203 tỷ đồng, tăng 155% so với cùng kỳ, chiếm 15% tổng doanh thu của Tasco.

Theo phân tích của Công ty chứng khoán Ngân hàng Vietcombank (VCBS) tại báo cáo mới phát hành, nguồn thu từ mảng thu phí BOT của Tasco tăng mạnh trong kỳ do có thêm 2 dự án bắt đầu thu phí là BOT Quốc lộ 1 Quảng Bình từ tháng 6/2015 và BOT 39B Thái Bình từ tháng 3/2016.

Trong khi lợi nhuận gộp của mảng bất động sản đạt mức 36,3% thì lợi nhuận gộp mảng thu phí BOT lại đạt mức cao 53,8%.

VCBS đánh giá, mảng thu phí BOT của Tasco có dòng tiền đều và hiệu quả ngày càng tăng. Doanh nghiệp này hiện có 4 dự án đang thu phí có doanh thu khá ổn định bao gồm: BOT 10 Tân Đệ, BOT 21 Mỹ Lộc, BOT Quốc lộ 1 Quảng Bình và BOT 39B Thái Bình.

Hồi đầu tháng 6, trạm BOT Mỹ Lộc của Tasco gây chú ý khi tiếp tục tăng phí từ 1/6 dù trước đó Chính phủ đã có yêu cầu không tăng phí BOT. Doanh nghiệp này đã bị "tuýt còi" và buộc phải đưa về mức phí ban đầu.

VCBS tính toán, 6 tháng cuối năm doanh thu dự kiến sẽ đạt trên 200 tỷ đồng, lũy kế cả năm 2016 sẽ đạt trên 400 tỷ đồng. Về dài hạn khi thêm 3 dự án (BOT Quốc lộ 10 Hải Phòng, BOT Đông Hưng và BOT Quốc lộ 32 Phú Thọ) đang được triển khai và dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2018, VCBS tính toán, nguồn thu phí của Tasco sẽ tăng mạnh lên mức trên 800 tỷ đồng/năm.

Như vậy, riêng với Tasco mà nói, việc đầu tư BOT "lấy công làm lãi" có lẽ chỉ là câu nói đùa của ông Phạm Quang Dũng - Chủ tịch HĐQT công ty này.

Phát ngôn của ông Dũng từng gây xôn xao dư luận khi cho rằng, "thời gian qua, vốn ngân hàng không ai vay, không ai làm gì thì các nhà đầu tư mới quan tâm đến các dự án BOT giao thông. Doanh nghiệp đi làm để lấy công làm lãi, khai thác nhân công, không bị thất nghiệp thôi".

Liên quan đến việc cơ quan quản lý nhà nước sẽ tăng cường quản lý các dự án BOT, như chưa tăng phí BOT, giãn thời gian thu phí (giảm phí, giãn thời gian thu hồi vốn) và siết chặt giám sát thực hiện đối với các dự án BOT, theo VCBS, các chính sách này sẽ ảnh hưởng lớn đến các dự án mới đang đề xuất chủ trương do hiệu quả thấp hơn các dự án trước hoặc các dự án đang tìm kiếm nguồn tài trợ vốn đầu tư để triển khai do các ngân hàng cũng đang thắt chặt đối với các chủ đầu tư BOT dùng tỷ lệ vốn vay cao.

Tuy nhiên, đối với Tasco, các dự án BOT (bao gồm 4 dự án đang thu phí và 3 dự án đang được xây dựng) sẽ ít bị tác động hơn, ngoại trừ việc giãn thời gian thu phí hoặc giảm phí BOT của dự án sẽ làm thời gian hoàn vốn đầu tư lâu hơn, nhưng về tổng thể, với đặc thù của đầu tư dự án BOT, doanh nghiệp vẫn sẽ thu hồi đủ vốn đã đầu tư - theo VCBS.

Trong kỳ, Tasco cũng chứng kiến chi phí lãi vay tăng mạnh lên 99,8 tỷ đồng, tăng 184% so cùng kỳ do tổng vay nợ (99% là vay dài hạn) đã tăng và đạt mức 4.070 tỷ đồng tăng 52,6% so cùng kỳ. Phần lớn nguồn vay nợ đang được dùng đầu tư các dự án BOT có nguồn doanh thu ổn định trong dài hạn. Tasco cũng đang đẩy mạnh khai thác các dự án bất động sản cùng thu hồi dòng tiền để tái đầu tư mới sang các dự án BOT.

Bích Diệp