Thống đốc: “Nhiều cổ đông lớn chống đối việc tái cơ cấu ngân hàng”

(Dân trí) - “Hiện nay, chênh lệch giữa lãi suất đầu vào và lãi suất đầu ra chưa tính đến chi phí dự phòng rủi ro tín dụng là 3,03%; nếu trừ chi phí dự phòng rủi ro tín dụng thì chênh lệch chỉ còn 1,93%, giảm so với mức 2,33%/năm tại thời điểm cuối năm 2012”.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã cho biết như vậy, tại báo cáo Kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, thứ 4.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình (thứ 2 từ trái sáng) trao đổi với các đại biểu

Thống đốc Nguyễn Văn Bình (thứ 2 từ trái sáng) trao đổi với các đại biểu tại hành lang nghị trường (ảnh: Việt Hưng).


Lợi nhuận ngân hàng sụt giảm mạnh

Theo số liệu do Thống đốc Nguyễn Văn Bình cung cấp, tính đến cuối tháng 5/2013, tổng phương tiện thanh toán tăng 5,46% so với cuối năm 2012. Trong đó, huy động vốn VND tăng 7,55%, mặc dù trần lãi suất huy động vốn VND đã được điều chỉnh giảm đáng kể. “Đây là nguồn vốn dồi dào và ổn định để các tổ chức tín dụng có dư địa giảm lãi suất cho vay, mở rộng tín dụng và đảm bảo thanh khoản ổn định, không biến động căng thẳng như các năm trước”, Thống đốc nói.

Cũng theo Thống đốc Bình, tín dụng đối với nền kinh tế tăng trưởng đáng khích lệ trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, sức cầu yếu, khả năng hấp thụ vốn còn hạn chế, phản ánh nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước và hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) trong việc tháo gỡ khó khăn về vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tính đến cuối tháng 5/2013, dư nợ tín dụng tăng 2,98% so với cuối năm 2012 (trong năm 2012, phải đến cuối quý 2, tín dụng mới tăng trưởng dương so với cuối năm 2011). Trong đó, tín dụng bằng VND tăng 5,48%, tín dụng bằng ngoại tệ giảm 8,41%, góp phần quan trọng giảm bớt tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế.

Dư nợ tín dụng tăng trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động và cho vay giảm từ 2 - 4%/năm so với đầu năm 2013. Lãi suất của các khoản cho vay mới đã giảm mạnh về mức lãi suất của giai đoạn 2005 - 2006 và thấp hơn năm 2007 là điều kiện tốt để các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tăng khả năng tiếp cận vốn ngân hàng. Lãi suất của các khoản cho vay cũ cũng giảm mạnh.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, thời gian tới, lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm do từ đầu tháng 5/2013, 4 ngân hàng thương mại Nhà nước đã cam kết giảm lãi suất của các khoản vay cũ về mức tối đa 13%/năm. “Lãi suất cho vay giảm mạnh trong khi tín dụng chưa tăng cao cho thấy lãi suất không còn là nhân tố ảnh hưởng tới lưu thông dòng vốn tín dụng và chu chuyển vốn trong nền kinh tế”, Thống đốc khẳng định.

Cũng theo vị tổng tư lệnh của ngành ngân hàng: Việc giảm nhanh mặt bằng lãi suất huy động và cho vay, trong đó lãi suất cho vay giảm nhanh hơn so với lãi suất huy động đã khiến cho chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra của hệ thống ngân hàng giảm mạnh.

Hiện nay, chênh lệch giữa lãi suất đầu vào và lãi suất đầu ra chưa tính đến chi phí dự phòng rủi ro tín dụng là 3,03%; nếu trừ chi phí dự phòng rủi ro tín dụng thì chênh lệch chỉ còn 1,93%, giảm so với mức 2,33%/năm tại thời điểm cuối năm 2012. “Đây cũng là nguyên nhân khiến lợi nhuận của các TCTD sụt giảm mạnh trong năm 2012 và những tháng đầu năm 2013”, Thống đốc lý giải nguyên nhân lợi nhuận ngân hàng sụt giảm.

Cổ đông lớn ngân hàng chống đối tái cơ cấu

Về lộ trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015 đã được phê duyệt, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết đang tiếp tục tập trung đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại ở tất cả các nhóm tổ chức tín dụng, đặc biệt là xử lý các ngân hàng yếu kém.

Về cơ bản, Ngân hàng Nhà nước đã kiểm soát được tình hình của 9 ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém cần xử lý thông qua các biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật. Theo đó, khả năng chi trả của các ngân hàng yếu kém được cải thiện đáng kể và quyền lợi của người gửi tiền được bảo đảm, nguy cơ mất an toàn từng bước được giảm bớt.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã hoàn thành căn bản việc cổ phần hóa các NHTM nhà nước (trừ Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam - Agribank) và đang triển khai cơ cấu lại một số ngân hàng liên doanh. Với Agribank, Ngân hàng Nhà nước đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam cùng với các công ty trực thuộc, bao gồm cả Công ty cho thuê tài chính II của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam.

Còn với ngân hàng liên doanh, hiện đã có chủ trương sáp nhập Ngân hàng liên doanh Shinhanvina vào Ngân hàng Shinhan Việt Nam. Ngân hàng liên doanh Việt Nga đã trình Ngân hàng Nhà nước phương án cơ cấu lại để xem xét, chấp thuận. Một số ngân hàng liên doanh chưa đáp ứng mức vốn điều lệ theo quy định đã được Ngân hàng Nhà nước báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất phương án để xử lý cụ thể.

Mặc dù đạt được một số kết quả quan trọng, nhưng theo thừa nhận của Thống đốc Bình, quá trình cơ cấu lại các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém diễn ra chậm hơn so với dự kiến. Theo dự kiến của Ngân hàng Nhà nước sẽ có khoảng 5-8 ngân hàng hoàn tất việc cơ cấu lại trong quý I/2013. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có phương án tái cơ cấu của Ngân hàng TMCP Tiên Phong và Nhà Hà Nội (sáp nhập với Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội) được công bố và triển khai.

Quá trình tái cơ cấu chậm, một trong những nguyên nhân theo đánh giá của Thống đốc Bình: “Vì quyền lợi cá nhân, một số cổ đông lớn của các ngân hàng TMCP yếu kém thiếu sự hợp tác hoặc chống đối với chính sách, biện pháp cơ cấu lại của Ngân hàng Nhà nước, gây thêm khó khăn cho quá trình cơ cấu lại các ngân hàng này”.

Nguyễn Hiền