Thống đốc Lê Minh Hưng yêu cầu cắt giảm chi phí để hạ lãi suất
(Dân trí) - Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng chỉ đạo toàn bộ hệ thống cần tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động để giảm lãi suất cho vay. Hiện tại, mặt bằng lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 6-9%/năm.
Khách hàng tốt được vay lãi suất từ 4-5%/năm
Ngày 27/7, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Lê Minh Hưng đã có buổi làm việc với các tổ chức tín dụng một số tỉnh miền Trung để lắng nghe các ngân hàng báo cáo tình hình hoạt động, triển khai các chủ trương chính sách của Chính phủ, của NHNN liên quan đến triển khai chính sách lãi suất, tín dụng, xử lý nợ xấu.
Theo yêu cầu của Thống đốc, chi nhánh NHNN và chi nhánh các ngân hàng thương mại phát biểu thẳng thắn đặc biệt liên quan đến kiến nghị đề xuất vì hôm nay có nhiều Vụ, Cục chức năng NHNN, và lãnh đạo các ngân hàng thương mại để cùng tìm biện pháp tháo gỡ để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, của NHNN đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của địa phương.
Trao đổi tại buổi làm việc, đa số các tổ chức tín dụng trên địa bàn cho rằng, trong 6 tháng đầu năm việc điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng đã đạt được thành công quan trọng là ổn định được niềm tin thị trường, đạt được các chỉ tiêu điều hành chính sách tiền tệ như ổn định tỷ giá, lãi suất, tăng trưởng tín dụng hợp lý, hướng dòng vốn tín dụng vào sản xuất và các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Giám đốc các ngân hàng: Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ngân hàng đầu từ và phát triển Việt Nam, Ngân hàng Công thương, Ngân hàng thương mại cổ phần Sacombank, VPBank cho biết: Mặt bằng lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 6-9%/năm, trong đó đối với lĩnh vực ưu tiên lãi suất ở mức 6-6,5%/năm, lĩnh vực kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm, khách hàng tốt lãi suất từ 4-5%/năm.
Tăng trưởng tín dụng trên địa bàn có thấp hơn mức bình quân của cả nước nhưng dòng vốn tín dụng tập trung vào sản xuất và các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ đặc biệt một số ngân hàng đã triển khai một số chương trình tín dụng hỗ trợ bà còn bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển và cho vay theo Nghị định 67. Về tái cơ cấu và xử lý nợ xấu các tổ chức tín dụng trên địa bàn đang chủ động, tích cực triển khai Đề án tái cơ cấu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Nghị quyết xử lý nợ xấu được Quốc hội thông qua theo đúng tinh thần chỉ đạo của NHNN.
Tiết giảm chi phí, nâng cao chất lượng hoạt động để giảm lãi suất
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đánh giá, trong 6 tháng đầu năm nay ngành ngân hàng đã có đóng góp tích cực với kinh tế địa phương. Nhờ có sự chỉ đạo kiên định của Chính phủ trong ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát đã giúp hệ thống ngân hàng phát triển an toàn lành mạnh và ngược lại sự phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng góp phần ổn định vĩ mô.
Theo đó, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng chỉ đạo 4 vấn đề cơ bản sau:
Về điều hành chính sách tiền tệ: Tiếp tục nhất quán chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ để ổn định vĩ mô để kiểm soát lạm phát. Các ngân hàng trên địa bàn cần triển khai chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng để góp phần đạt mục tiêu lạm phát cơ bản ở mức 1,8-1,9%; để có dư địa cho các lĩnh vực khác để kiểm soát lạm phát dưới 4% năm 2017.
Đối với lãi suất: Thống đốc chỉ đạo toàn bộ hệ thống cần tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động để giảm lãi suất cho vay. Hệ thống Ngân hàng có cơ sở để giảm lãi suất cho vay khi Chính phủ vẫn tiếp tục kiên định ổn định vĩ mô. NHNN giảm lãi suất điều hành kể cả trên thị trường mở, tái cấp vốn để hỗ trợ nguồn vốn cho các ngân hàng để tiếp tục cho vay với mức lãi suất thấp hơn.
Về tín dụng, NHNN chỉ đạo rất nhất quán và xuyên suốt yêu cầu các Ngân hàng thương mại (NHTM) đều phải tập trung đưa tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro, tăng trưởng tín dụng khoảng 18%. Tuy nhiên, NHNN không cứng nhắc mà linh hoạt điều hành để thực hiện chỉ đạo điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ để đưa thêm tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
Các NHTM trên địa bàn cần phối hợp với các cơ quan chức năng để tăng cường chương trình kết nối ngân hàng với doanh nghiệp, để đẩy vốn vào nền kinh tế. Đồng thời, các ngân hàng phải có trách nhiệm chính trị để triển khai chương trình Nghị định 55 và Nghị định 67 của Chính phủ để chia sẻ khó khăn với bà con, không gây phiền hà cho bà con trong việc tiếp cận vốn.
Về tái cơ cấu và xử lý nợ xấu: Yêu cầu các ngân hàng thương mại trên địa bàn triển khai quyết liệt Đề án Tái cơ cấu các tổ chức tín dụng đã được Chính phủ phê duyệt và Nghị quyết xử lý nợ xấu đã được Quốc hội thông qua. Các tổ chức tín dụng bám sát Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các Chương trình hành động của ngành ngân hàng, chỉ đạo của Thống đốc NHNN để triển khai hiệu quả và có kết quả.
"Trên tinh thần chúng ta thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại và hạn chế như cơ sở pháp lý chưa đầy đủ, năng lực thanh tra giám sát còn yếu, năng lực quản trị điều hành của 1 số ngân hàng còn kém, một bộ phận cán bộ chưa đáp ứng chuẩn mực đạo đức của ngành... Chúng ta cần nhìn nhận và có biện pháp để nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức tín dụng như minh bạch thông tin, nâng cao chất lượng hoạt động thành tra giám sát, quản trị điều hành, hệ thống công nghệ thông tin, đưa ra tiêu chuẩn, quy định, chuẩn mực đạo đức cán bộ", Thống đốc nhấn mạnh.
Đồng thời, ông Hưng yêu cầu các tổ chức phải tự xây dựng Đề án tái cơ cấu của chính tổ chức tín dụng để trình Ngân hàng Nhà nước. Việc thực hiện tái cơ cấu và xử lý nợ xấu đảm bảo kỷ cương, công khai, minh bạch và xử lý nghiêm hành vi vi phạm.
An Hạ