Thống đốc Lê Minh Hưng đã báo cáo gì với Quốc hội?

(Dân trí) - Bản báo cáo dài 11 trang vừa được Thống đốc Lê Minh Hưng gửi đến các đại biểu Quốc hội với nhiều nội dung liên quan đến hoạt động ngân hàng ...

Báo cáo với Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho hay: Trong hơn 8 tháng đầu năm, mặt bằng lãi suất về cơ bản được tiếp tục duy trì ổn định trong điều kiện lãi suất các nước trên thế giới đang tăng lên.

Hiện nay, mặt bằng lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 4,3 -5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,3-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,5-7,3%/năm. Mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến 6-9%/năm đối với ngắn hạn; 9-11%/năm đối với trung và dài hạn. Đối với lãi suất cho vay ngắn hạn thuộc các lĩnh vực ưu tiên giảm 0,5%/năm trong năm 2017 và trong những tháng đầu năm 2018, một số ngân hàng tiếp tục giảm 0,5%/năm đối với các khách hàng có tình hình tài chính lành mạnh thuộc các lĩnh vực ưu tiên.

Về tỷ giá, trong những tháng đầu năm, tỷ giá và thị trường ngoại tệ tương đối ổn định. Từ ngày 7/2/2018, NHNN bắt đầu niêm yết tỷ giá mua kỳ hạn 3 tháng, góp phần kiểm soát cung ứng tiền trong khi vẫn mua được ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước. Qua đó, NHNN mua được lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối nhà nước. Đến nay, dự trữ ngoại hối nhà nước đạt khoảng 60 tỷ USD.​

Từ cuối tháng 6, tỷ giá có diễn biến tăng và thiết lập mặt bằng mới do áp lực từ những biến động bất lợi của kinh tế thế giới. Để ổn định tỷ giá, NHNN đã chủ động, kịp thời điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt; phối hợp đồng bộ với các biện pháp khác như điều tiết thanh khoản, lãi suất tiền VND hợp lý; thực hiện các biện pháp thông tin, truyền thông; bán ngoại tệ khi cần thiết để ổn định thị trường.

Thời gian qua, NHNN đã phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm ổn định giá trị đồng tiền, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tính đến ngày 4/10, các chỉ số vĩ mô cơ bản như sau: Tổng phương tiện thanh toán tăng 8,85% so với cuối năm 2017; tín dụng tăng 9,89%; lạm phát bình quân 9 tháng đầu năm 2018 tăng 3,57% và lạm phát cơ bản 9 tháng đầu năm 2018 tăng 1,41%.


Bản báo cáo dài 11 trang vừa được Thống đốc Lê Minh Hưng gửi đến các đại biểu Quốc hội với nhiều nội dung liên quan đến hoạt động ngân hàng ...

Bản báo cáo dài 11 trang vừa được Thống đốc Lê Minh Hưng gửi đến các đại biểu Quốc hội với nhiều nội dung liên quan đến hoạt động ngân hàng ...

Dù đạt được những kết quả tích cực, nhưng theo Thống đốc NHNN, điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới tiếp tục đối mặt với các khó khăn thách thức như: giá các hàng hóa quan trọng, thiết yếu trên thị trường thế giới (đặc biệt là giá nhiên liệu, lương thực thực phẩm ...) biến động, có thể làm tăng áp lực lạm phát trong nước; kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong nước có thể chịu áp lực từ những diễn biến khó lường từ thị trường thế giới (xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ của các nước, tăng trưởng kinh tế thế giới được dự đoán bắt đầu xu hướng giảm tốc, dòng vốn tiếp tục dịch chuyển khỏi các thị trường mới nổi, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang…).

Đối với điều hành tín dụng: Việc cấp tín dụng đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản (BĐS) luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với ngân hàng do các quy định pháp luật hiện hành đối với lĩnh vực BĐS còn nhiều bất cập, đặc biệt là các quy định điều chỉnh đối với một số loại hình bất động sản mới; việc định giá tài sản đảm bảo là BĐS gặp khó khăn do đây là tài sản đặc biệt, có lợi nhuận kỳ vọng cao, có nhiều hoạt động đầu cơ, thao túng giá thị trường nên dẫn đến giá cả BĐS không phản ánh đúng giá trị tài sản; sự chênh lệch về kỳ hạn và lãi suất giữa nguồn vốn huy động và cho vay; hệ thống thông tin chính thức về thị trường BĐS còn hạn chế dẫn đến các tổ chức tín dụng (TCTD) gặp khó khăn trong dự báo nguồn cung, trong đánh giá sự phù hợp về giá, phân khúc khách hàng,...

Đối với các dự án BOT, BT giao thông, các TCTD có thể gặp rủi ro trong dài hạn do việc thu hồi vốn vay đối với các dự án giao thông gặp khó khăn, đặc biệt là các rủi ro xuất phát từ chính sách, từ chính dự án và khách hàng vay vốn.

"Tín dụng phục vụ đời sống tăng là tín hiệu tích cực để thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng, tuy nhiên nếu không được kiểm soát theo đúng mục đích và đối tượng vay vốn sẽ tiềm ẩn rủi ro trong thời gian tới", Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh.

An Hạ

Thống đốc Lê Minh Hưng đã báo cáo gì với Quốc hội? - 2