1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Thống đốc, điểm 8 và nửa giải Nobel

(Dân trí) - Trước nghị trường, cũng là trước 90 triệu người dân, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã tự nhận 8 điểm về công tác điều hành tiền tệ, và xin nhận “nửa giải Nobel” nếu giải quyết được một trong những vấn đề tăng trưởng - lạm phát - tỷ giá.

Cuộc thăm dò về mức độ hài lòng với phiên trả lời chất vấn của các Bộ trưởng và Thống đốc trên Báo Điện tử Dân trí triển khai từ đầu giờ tối qua (13/11) đến chiều nay đã có hơn 1.700 lượt ý kiến. Ngoài 60% số người bày tỏ sự chưa hài lòng chung, thì Thống đốc được “chấm điểm” cao nhất với 17% lựa chọn, so với 13% dành cho nữ Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, 6% chọn Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và 4% cho Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng.
 
Thống đốc Nguyễn Văn Bình tự nhận điểm 8 về công tác điều hành
Thống đốc Nguyễn Văn Bình tự nhận điểm 8 về công tác điều hành

Là người được quan tâm nhất trong phiên chất vấn, với 361 phiếu đại biểu muốn đặt câu hỏi, Thống đốc đã lần lượt giải thích những vấn đề nóng bỏng như độc quyền thị trường vàng, tín dụng cho doanh nghiệp, nghi vấn lợi ích nhóm trong tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và núi nợ xấu chưa có dấu hiệu giảm.

Trả lời và lý giải được hầu hết các vấn đề, Thống đốc tự chấm mình 8 điểm cho công tác điều hành. Trước yêu cầu của một số đại biểu về việc phải duy trì đồng thời mức tăng trưởng cao, níu lạm phát xuống thấp và giữ giá đồng tiền, Thống đốc đã nói vui rằng nếu làm được một trong những việc đó ông xin nhận “1/2 giải Nobel”. Có lẽ Thống đốc đã liên tưởng ước lệ, bởi lý thuyết "bộ ba bất khả thi"[*] không cho phép một quốc gia đạt được tất cả các mục tiêu trong chính sách điều hành tiền tệ, dù rằng Việt Nam vẫn còn rất nhiều việc phải làm để nâng cao hiệu quả sử dụng đồng tiền nhằm kéo hệ số tỷ lệ thuận giữa lạm phát và tăng trưởng xuống mức thấp hơn.

Có thể nói, Thống đốc đã có một phiên trả lời chất vấn khảng khái, tự tin và rất kiên định với quan điểm điều hành của mình. Không có sự bối rối nào trước câu hỏi rất nóng và gay gắt từ nghị trường, đồng nghĩa với việc NHNN sẽ không cân chỉnh lại chiến lược và giải pháp điều hành trong thời gian tới.  Nhưng đằng sau điểm 8 mà Thống đốc tự nhận, vẫn còn rất nhiều điều mà cử tri và đại biểu muốn hỏi, muốn làm rõ hơn nữa.

Bằng chứng là sáng nay các đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương, Dương Trung Quốc đã đặt những câu hỏi, đáng ra dành cho Thống đốc, về tín dụng cho doanh nghiệp và độc quyền vàng miếng tới người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Và còn nhiều băn khoăn khác: Làm sao để chống vàng hóa thành công và huy động vàng trong dân để tăng thanh khoản nhưng không để người dân chịu thiệt và lo lắng tức thời? Đồng tiền người dân có được từ chính sách huy động vàng sẽ được đầu tư vào đâu khi các thị trường đầu tư cơ bản như bất động sản, chứng khoán đều xám xịt? Làm sao để đồng vốn bơm vào nền kinh tế thực sự đến với khối sản xuất, không đi vào đầu cơ và không bị biến tướng thành đòn bẩy tài chính cho các nhóm lợi ích ở nhiều ngành khác nhau? Và có hay không những mục tiêu xen cài khác phía sau mục tiêu ổn định vĩ mô - chống vàng hóa - ổn định tỷ giá?

Những câu hỏi đó có lẽ sẽ còn theo suốt nhiệm kỳ của Thống đốc, cho đến lúc nào người cầm vàng không còn nơm nớp sợ “vàng rơi”, các doanh nghiệp tốt bớt kêu thiếu vốn, hệ thống ngân hàng trở nên khỏe mạnh và nền kinh tế “con hổ mới của châu Á” một thời không còn phải loay hoay chống chọi với lạm phát.

Sau phiên trả lời chất vấn đầy bản lĩnh, hàng chục triệu cử tri đang mong chờ bản lĩnh tương tự trong điều hành và những hiệu quả nhìn thấy được từ các chính sách mà Thống đốc đã đưa ra và kiên định thực hiện. Lúc đó, những gì mà Thống đốc được dân ghi nhận có thể còn cao hơn điểm 8 và 1/2 giải Nobel.
 
Hồng Kỹ
 

[*]: Trong kinh tế học, Bộ ba chính sách không thể đồng thời (còn gọi: bộ ba bất khả thi, tam nan kinh tế) chỉ một giả thuyết kinh tế cho rằng không thể thực hiện đồng thời ba chính sách gồm chế độ tỷ giá hối đoái cố định, chính sách tiền tệ độc lập để ổn định giá cả và tự do lưu chuyển vốn. Chỉ có thể thực hiện đồng thời hai trong ba chính sách này mà thôi. Thuật ngữ này còn dùng để chỉ tình thế kinh tế dễ đổ vỡ khi mà một quốc gia cố tình thi hành ba chính sách trên cùng lúc.

Các lý luận kinh tế như sơ đồ DD-AA hay mô hình Mundell-Fleming đều chỉ ra quan hệ giữa chính sách tiền tệ và tỷ giá hối đoái với giả định là vốn được tự do lưu chuyển qua biên giới quốc gia. Khi ngân hàng trung ương thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng thì tỷ giá hối đoái sẽ tăng lên, khi thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt thì tỷ giá giảm đi. Như thế, nếu thực hiện một chế độ tỷ giá cố định, thì chính sách tiền tệ không thể thay đổi linh hoạt được.

Giả sử một nước cố gắng thực hiện cả ba chính sách trên đồng thời. Khi kinh tế tăng trưởng nhanh, vốn nước ngoài sẽ chảy vào trong nước gây ra áp lực tăng giá nội tệ. Khi đó, ngân hàng trung ương muốn bảo vệ chế độ tỷ giá cố định thì phải thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng. Song điều này có thể làm tăng lượng cung tiền trong lưu thông dẫn đến tăng tốc lạm phát. Muốn lạm phát không tăng tốc, thì phải thực hiện chính sách thanh khoản đối ứng. Song như thế thì vốn nước ngoài càng chảy vào nhiều.

Đầu thập niên 1990, một số nước châu Á đã cố gắng thực hiện đồng thời ba chính sách và hậu quả là rơi vào khủng hoảng.
 
(Nguồn: Wikipedia)