Thống đốc: "Biết rõ ngân hàng nào vượt trần và vượt bao nhiêu"

(Dân trí) - Trước tình trạng vi phạm vượt trần lãi suất huy động quay trở lại sau một thời gian tạm lắng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết NHNN biết rõ vấn đề này.Tuy nhiên, ông không nói về việc xử lý sai phạm như đã từng thực hiện quyết liệt trong năm 2011.

Thống đốc: "Biết rõ ngân hàng nào vượt trần và vượt bao nhiêu" - 1
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đã cho biết như vậy tại buổi gặp gỡ với báo chí chiều 11/1. Cũng theo Thống đốc NHNN, trong quý I/2012 sẽ tập trung giải quyết vấn đề thanh khoản cho hệ thống ngân hàng nên lãi suất sẽ không điều chỉnh nhiều. Cụ thể là đến hết tháng 6/2012, việc gỡ trần lãi suất là điều không tưởng.

Xin Thống đốc cho biết rõ về tình hình thanh khoản trên thị trường ngân hàng hiện nay như thế nào?

Phải nói rõ rằng, tất cả các kịch bản đang diễn ra cho đến ngày hôm nay trong hệ thống NHTM đã được NHNN lường đón từ tháng 6/2011. Chúng tôi cũng biết, thời điểm này nhiều ngân hàng đang khó khăn về thanh khoản. Chắc chắn sẽ có người đặt dấu hỏi: Biết sao không làm? Vì sao?

Chúng ta đều biết rất rõ, nguyên nhân chính thiếu thanh khoản của hệ thống ngân hàng là do cơ cấu dự nguồn. Hiện tại hệ thống ngân hàng sử dụng cơ cấu kỳ hạn chưa hợp lý.

Trong thời gian dài, nguồn vốn huy động của các ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn, với kỳ hạn 1 - 3 tháng và rất hiếm người gửi kỳ hạn 3 - 5 năm. Tâm lý của người dân là thế, chỉ gửi tiết kiệm 1 tháng là sốt ruột lắm rồi, ngân hàng nào thân quen lắm thì cũng chỉ gửi đến 3 tháng là cùng. Nếu tôi đi gửi tiền thì cũng chỉ gửi 1 tháng và cùng lắm là 3 tháng. Cơ cấu vốn vào là vậy nhưng các ngân hàng lại chủ yếu cho vay dài hạn.

Trước đây, NHNN quy định các ngân hàng chỉ được sử dụng 40% vốn ngắn hạn để cho vay dài hạn, đến năm 2010 thì rút xuống còn 30%. Nhưng trong thời gian qua, việc tuân thủ yêu cầu này của các ngân hàng còn yếu và xử lý cũng chưa mạnh. Một mặt, dư nợ cho vay trung và dài hạn tăng lên, không còn 30% hay 40% như quy định mà còn lên cao nữa, cá biệt có trường hợp lên tới gần 100%.

Trong khi đó, nguồn vốn vào của hệ thống ngân hàng lại hoàn toàn lệ thuộc vào thị trường, huy động được bao nhiêu là cho vay bấy nhiêu. Mặc dù, đứng giữa tổng dư nợ và tổng tài sản ngân hàng nhận thế chấp thì có vẻ yên tâm, ví dụ chỉ cho vay 40% giá trị tài sản thế chấp, cao thì 70%, phù hợp với quy định; nhưng về cơ cấu thời hạn thì không phù hợp. Chính vì vậy, rủi ro thanh khoản tăng lên và các ngân hàng trở nên thụ động khi huy động gặp khó khăn.

Trước đây, khi thị trường còn hồng hào thì ngân hàng còn có thể huy động từ các kênh khác để bù đắp thiếu hụt thanh khoản. Nhưng trong điều kiện thắt chặt tiền tệ như hiện nay thì sự bù đắp thiếu hụt đó cũng trở nên khó khăn dẫn đến nhiều ngân hàng lâm vào tình trạng mất thanh khoản.

Vậy thưa Thống đốc, NHNN sẽ có các biện pháp gì để đảm bảo tính thanh khoản cho hệ thống ngân hàng trong bối cảnh chính sách tiền tệ thắt chặt?

Để giải quyết được vấn đề này, nhiều học giả cho rằng NHNN cần phải bơm vốn ra để giải quyết vấn đề thanh khoản. Đề xuất này cũng đúng, không có gì là quá ghê gớm, hạn thì bơm nước. Nhưng vấn đề không đơn giản như vậy vì còn nhiều góc độ khác nữa. Nếu bơm ra mà không thay đổi được tập quán thì bơm bao nhiều cho đủ, rồi nó lại tích tụ.

Vì vậy, trước khi bơm vốn ra phải thay đổi tập quán. Tiền bơm ra thị trường phải tập trung cho sản xuất, theo các kỳ hạn nào. Do đó, phải tái cấu trúc, với thời gian dài hạn 5 - 10 năm tới.

Từ năm 2012, nhiệm vụ chủ yếu của NHNN là tập trung tái cấu trúc TCTD yếu kém, để họ hoạt động như hiện nay thì có nguy cơ đổ vỡ chính họ và ảnh hưởng hệ thống. Phải thay đổi, chặn đứng được thực tiễn đó thì mới bơm ra, dòng vốn ra mới hiệu quả hơn, mới đổ vào khu vực sản xuất giúp tăng trưởng kinh tế phù hợp, không làm tăng áp lực lạm phát. Tiền đưa ra không phải để lấp vào những chỗ làm ăn không đúng như trước đây.

Bao giờ NHNN sẽ giảm lãi suất và gỡ trần lãi suất huy động?

Cái khó nhất trong điều hành năm 2012 là làm sao hạ được lãi suất. Nói là hạ lãi suất nhưng không phải nói là làm được ngay. Bình thường bơm tiền nhiều, nhu cầu về tiền bớt đi thì mới giảm được lãi suất. Nhưng giờ ai cũng thiếu thanh khoản, ai cũng cần vốn thì giá vốn làm sao giảm được.

Lạm phát đang có chuyển biến, nhưng lạm phát không phải là yếu tố quyết định duy nhất, mà phải đảm bảo thanh khoản. Vì vậy, từ nay cho đến tháng 6/2012, việc bỏ trần lãi suất là không tưởng, còn điều chỉnh lãi suất hay không còn tùy tình hình thị trường.

Hiện tại nếu thả tự do, mặt bằng lãi suất huy động cao, lãi suất cho vay ra cao, nền kinh tế và doanh nghiệp còn gặp khó khăn hơn, không đảm bảo được mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2012. Nhưng trước mắt, trần lãi suất vẫn phải duy trì ở một mức nhất định để lãi suất cho vay ra ở mức chấp nhận được. Nếu để lãi suất theo thị trường thì sẽ rất cao, như vậy nền kinh tế sẽ khó khăn rất lớn. Vì vậy, cần phải sử dụng biện pháp hành chính là để trần lãi suất. Để sử dụng biện pháp hành chính thì phải có những chế tài bằng biện pháp hành chính.

Vậy với hiện tượng một số ngân hàng đang lách trần lãi suất huy động từ 16 - 18%, thậm chí có ngân hàng lên đến 20%, thì NHNN sẽ xử lý như thế nào?

Những hiện tượng này NHNN đều biết, thậm chí là biết rất rõ ngân hàng nào đang làm và huy động vượt trần bao nhiêu. Vì vậy, trong 3 tháng đầu năm 2012, NHNN sẽ tập trung để xử lý các ngân hàng yếu kém, để không quấy đảo thị trường. Sau đó, sẽ xử lý quyết liệt hơn vấn đề thanh khoản, tạo vốn tốt hơn, từ đó mới đẩy mạnh cung tiền để vốn đi vào khu vực sản xuất.

Năm nay, dưới góc độ chính sách tiền tệ, NHNN sẽ cung tiền ở mức hợp lý để kiềm chế CPI trong quý I/2012. Vì vậy, năm nay bà con ăn tết sẽ rất khiêm tốn, chứ không còn tính chất hoang phí như mọi năm.

Xin cảm ơn Thống đốc!

 

Sẽ sáp nhập 5-8 ngân hàng nữa trong quý I/2012

 

Cũng trong buổi gặp gỡ báo chí, Thống đốc Nguyễn Văn Bình tiết lộ trong quý I/2012 này sẽ có khoảng 5-8 ngân hàng thương mại thuộc diện xem xét cho phép hợp nhất hoặc mua bán lại.

 

Tuy nhiên Thống đốc cũng khẳng định, “Đó là dự tính, còn nó có diễn ra đúng như vậy hay không còn tùy thuộc vào các yếu tố nội tại của các ngân hàng. Khi triển khai thì vẫn thực hiện trên cơ sở tự nguyện và theo đúng quy định của pháp luật”.

 

Trước đó, ba ngân hàng thương mại đầu tiên là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đệ Nhất (Ficombank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank) đã được hợp nhất dưới tên gọi mới là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB).

 

Nguyễn Hiền (ghi)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm