“Thời điểm thích hợp để IPO ra nước ngoài”

(Dân trí) - Thị trường chứng khoán trong nước ảm đạm, nhà đầu tư lần lượt rút vốn sang các kênh khác, hàng hóa ế ẩm….Theo ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Trưởng Ban hợp tác quốc tế (UBCKNN), “đây là thời điểm thích hợp để doanh nghiệp Việt Nam IPO cũng như niêm yết trên thị trường nước ngoài”.

IPO ra nước ngoài có phải là lựa chọn đúng đắn cho các doanh nghiệp trong tình hình hiện nay không, thưa ông?

Các doanh nghiệp tham gia niêm yết trên TTCK đang gặp rất nhiều khó khăn, các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) hoạt động rất hiệu quả, quy mô lớn và ổn định cũng khó có thể phát hành lần đầu ra công chúng thành công trong thời điểm hiện nay.

Thực trạng này cũng giống với các TTCK trong khu vực, chẳng hạn như Trung Quốc. Khi chỉ số chứng khoán từ hơn 6.000 điểm xuống 3.400 điểm từ đầu năm đến nay, Trung Quốc chỉ có 2 trong số 52 doanh nghiệp thành công trong việc phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng.

Do vậy, tôi thiết nghĩ, hiện nay các DNNN IPO cũng như huy động vốn ở thị trường nước ngoài là hợp lý.

Sao ông lại cho là hợp lý?

Thông qua phát hành chứng khoán thành công, huy động vốn thành công ở TTCK nước ngoài sẽ đảm bảo cho doanh nghiệp xây dựng lại niềm tin cho các nhà đầu tư trong nước, để thu hút họ quay lại với thị trường.

Niêm yết ở TTCK nước ngoài, ngoài việc doanh nghiệp huy động vốn đảm bảo cho hoạt động sản xuất kinh doanh họ còn có thể nâng cao vị thế, hình ảnh doanh nghiệp, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu cho chính mình.

Sáng 19/5, UBCKNN VÀ Công ty Tư vấn Tài chính Singaporre (IHC) đã tổ chức hội thảo “Tham gia toàn cầu hóa thông qua niêm yết trên TTCK Singapore”.

Sở Giao dịch chứng khoán Singaporre (SGX) có khoảng 500 tỉ USD vốn hóa, với hơn 290 công ty nước ngoài niêm yết. Trong đó, doanh nghiệp nước ngoài niêm yết chiếm tới 40% tỷ lệ vốN hóa toàn sàn.

Các công ty muốn niêm yết trên TTCK Singapore phải trải qua một quá trình dài thực hiện các thủ tục, với thời gian thực hiện một quy trình niêm yết kéo dài 8 - 12 tháng.

Một lộ trình IPO thế nào sẽ là hợp lý cho các doanh nghiệp Việt Nam, thưa ông?

Trước hết, doanh nghiệp phải hiểu rõ, tuân thủ chặt chẽ Luật Chứng khoán Luật Doanh nghiệp đã được ban hành. Với các doanh nghiệp đã CPH cần sự thống nhất của đại hội đồng cổ đông; còn các DNNN tiến hành IPO thì cần sự đồng ý của cơ quan chủ quản.

Thứ hai, khi tham gia niêm yết tại các TTCK nước ngoài, mỗi doanh nghiệp cần làm rõ loại hình doanh nghiệp, quy mô vốn, mục đích, để lựa chọn TTCK phù hợp.

Vì mỗi sở giao dịch chứng khoán sẽ có điều kiện niêm yết khác nhau. Các sở giao dịch chứng khoán cũng có những thuận lợi khác nhau khi doanh nghiệp Việt Nam tham gia huy động vốn trên TTCK quốc tế.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần phải áp dụng quy chế quản trị doanh nghiệp theo thông lệ tốt nhất, làm quen với chế độ kế toán, kiểm toán theo thông lệ quốc tế, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về công bố thông tin ra công chúng.

Ông có thể gợi ý cho các doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác nhau có thể chọn thị trường niêm yết phù hợp nhất với thế mạnh của mình?

Như tôi đã đề cập, tuỳ từng thị trường sẽ có những lợi thế và tiêu chuẩn niêm yết, phát hành khác nhau. Doanh nghiệp cần tìm hiểu từng thị trường để làm rõ yêu cầu của mình trong việc IPO, huy động vốn một cách hiệu quả nhất với chi phí thấp nhất.

Trong khu vực có TTCK Hồng Kông lâu đời là nơi tập trung rất nhiều quỹ đầu tư lớn trên thế giới, việc tiếp cận với các nguồn vốn đầu tư nước ngoài sẽ rất thuận lợi với chi phí thấp.

Bên cạnh đó, TTCK Singapore đang nổi lên như một trung tâm tài chính của khu vực, cũng có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia niêm yết huy động vốn một cách rất thuận lợi.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cao có thể hướng tới các thị trường như Nasdas của Mỹ. Tôi thiết nghĩ, đây là vấn đề mà mỗi doanh nghiệp cần cân nhắc trước khi quyết định tham gia niêm yết, huy động vốn ở thị trường nào.

Tuy nhiên, thời điểm trước mắt, chúng ta nên để một số doanh nghiệp tiềm lực, có khả năng đáp ứng được với các yêu cầu niêm yết của TTCK nước ngoài tham gia niêm yết trước. Đây cũng là cách các doanh nghiệp khác rút kinh nghiệm để đảm bảo hiệu quả huy động vốn.

- Xin cám ơn ông!

Nguyễn Hiền