Thời đại gia cầm cố xe sang

Vì không vay được vốn, kinh doanh gặp khó, không có tiền trả lãi ngân hàng, tiền lương nhân viên và thuê văn phòng..., nhiều đại gia đã phải tìm đến các salon ô tô cầm cố xe tiền tỷ để lấy tiền cho công ty cầm cự qua ngày.

Chiếc Lexus 470 đang được rao bán với giá 2 tỷ 250 triệu đồng tại một salon ô tô ở quận Cầu Giấy Ảnh: P.C

Chiếc Lexus 470 đang được rao bán với giá 2 tỷ 250 triệu đồng tại một salon ô tô ở quận Cầu Giấy. Ảnh: P.C.

Bước đường cùng

Anh Nam là chủ tịch HĐQT một công ty từng lọt vào top 10 lĩnh vực việc làm và cung ứng nhân lực do một hiệp hội uy tín bầu chọn. Cả tháng nay, nhiều nhân viên trong công ty xì xào bàn tán “không biết chiếc Lexus 470 của sếp Nam biến đâu mất”, vì chỉ thấy sếp đến văn phòng (thuê tại một toà nhà vào loại sang trọng nhất Hà Nội hiện nay) bằng taxi.

Các nhân viên mới không dám hỏi đã đành, những người thân cận cũng không dám đề cập vì sợ sếp... cáu.

Hóa ra, vì công ty kinh doanh gặp khó, tiền thu vào không đủ chi nên anh Nam phải đưa chiếc Lexus ra ký gửi tại một salon ô tô trên đường Lê Văn Lương (quận Cầu Giấy).

“Ngân hàng thúc nợ mạnh quá. Khoản tiền vay anh em cũng đã đến hạn. Giấy tờ nhà cầm cố hết rồi. Mượn thêm mấy sổ đỏ cầm cố ngân hàng cũng không đủ trả nợ. Bước đường cùng tôi phải nghiến răng cắm nốt xe” - anh Nam buồn rầu.

Dù anh Nam không nói ra nhưng một số người bạn tâm giao cho biết, hồi anh Nam mua chiếc Lexus 470, giá gần 180 nghìn USD, cộng thêm thuế trước bạ, bảo hiểm... giá chiếc xe thành trên 4 tỷ đồng, nhưng nay khi đến ký gửi chỉ được hơn 2 tỷ đồng.

Trung bình mỗi tháng, anh Nam phải trả cho salon tiền lãi 120 triệu đồng (2.000 đồng/1 triệu đồng/ngày).

“Không chỉ xấu hổ với nhân viên mà bạn bè hỏi mình cũng ậm ờ cho qua chuyện. Với 2 tỷ đồng, cũng mới chỉ giải quyết được những khoản nợ trước mắt, còn về lâu dài, nếu không vay được tiền ngân hàng nữa thì có khi phải tuyên bố công ty phá sản” - anh Nam tâm sự.

Không chỉ riêng gì anh Nam, chị Vân Anh - Giám đốc Cty truyền thông MH cũng vừa đâm đơn xin vào một tập đoàn nước ngoài ở vị trí giám đốc truyền thông.

Do suy thoái kinh tế, các đối tác tiềm năng cắt hợp đồng nên Cty MH rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Vì chậm lương triền miên nên nhân viên lũ lượt ra đi. Để trang trải tiền lương và trả nợ ngân hàng, chị Vân Anh đành ngậm ngùi đưa chiếc xe Bentley Continental đi ký gửi.

“Chồng kinh doanh bất động sản cũng bể nợ, đang vay ngân hàng một đống. Giấy tờ nhà cầm cố hết. Giờ chỉ còn mỗi chiếc xe nên dù tiếc cũng phải ký gửi lấy 1,5 tỷ đồng để trả nợ. Vì nếu không trả, sẽ mất hết uy tín, khó làm ăn về sau” - chị Vân Anh nói.

Với 1,5 tỷ đồng, chị Vân Anh đã trả hết tiền nợ lương cho 10 nhân viên, tiền thuê văn phòng và lãi ngân hàng. Chị quyết định tạm thời đóng cửa công ty, đi làm thuê.

Salon ô tô thành tiệm cầm đồ

Theo sự chỉ dẫn của anh Nam và chị Vân Anh, trong vai người đi mua xe, tôi lượn qua các salon ô tô ở Hà Nội. Ngạc nhiên là tại nhiều salon, xe sang đã qua sử dụng được bày bán khá nhiều.

Tại một salon ở quận Cầu Giấy, anh G. - chủ salon cho biết, hiện salon của anh có gần 10 chiếc xe sang đã qua sử dụng được các đại gia ký gửi, nhờ bán.

Các loại xe cũ được chào bán, hội đủ những thương hiệu nổi tiếng thế giới như: Hummer, Lexus, Porsche Cayenne, Acura... “Bọn em sẽ mua đứt bán đoạn và sẽ làm công chứng ngay cho anh nếu chồng tiền đặt cọc” - anh G. cho biết.

Tôi tỏ ý muốn mua chiếc Lexus 470, anh G. nói, đây là xe cá nhân chứ không phải xe công ty nên yên tâm về chất lượng. Chủ nhân là một đại gia bất động sản nhưng khi hết hạn ký gửi không có tiền trả nên đã giao toàn quyền cho salon bán xe.

“Con này đời 2008, nhưng được đăng ký lần đầu năm 2009. Giá thoả thuận là 108.000 USD (khoảng 2 tỷ 250 triệu đồng). Nếu anh mua, bọn em làm hợp đồng và cho xe vào hãng kiểm tra luôn” - anh G. giới thiệu.

Đưa tôi đi một vòng quanh xe, anh G. cho biết, đây là xe của một đại gia ở quận Hà Đông, vì bể nợ do kinh doanh bất động sản thua lỗ nên phải ký gửi xe. Ngay bên cạnh chiếc Lexus 470 là chiếc Porsche Cayenne cũng của một đại gia ký gửi nhưng không có tiền lấy xe ra. Chiếc xe này được rao với giá 94.000 USD.

“Nếu anh thích, nên mua con RX 350 đời 2011 kia. Hàng xuất của Mỹ, chất lượng đảm bảo tuyệt đối. Giá 126.000 USD” - G. nói.

Tôi muốn hỏi sâu về chủ nhân của chiếc xe Lexus 470, anh G. lưỡng lự: Anh thông cảm, xe ký gửi nên họ yêu cầu giấu tên. Khi thỏa thuận giá xong, hợp đồng bán xe hoàn tất, lúc đó em sẽ mang các giấy tờ liên quan cho anh xem trước khi đi công chứng.

Hôm sau, mượn con mẹc E250 của người bạn, tôi vòng qua phố Lê Văn Lương - một trung tâm mua bán, ký gửi ô tô của Hà Nội. Vừa thấy tôi vào, chủ salon có tên Đ.T chạy ra đon đả. “Anh mua xe hay ký gửi?”.

Tôi bảo ký gửi. Anh T. mời vào văn phòng, mang ra hợp đồng giới thiệu các chủ nhân đang ký gửi xe tại đây để làm chứng. Để lấy lòng khách, anh T. đưa tôi lượn một vòng salon.

Tại đây, có nhiều xe đắt tiền đang được nhiều người ký gửi như: Lexus 470, BMW X5, Prado GX 3.0... Đến từng chiếc xe, anh T. không quên thông báo giá: con 470 là 100 ngàn USD, con BMW X5 1,2 tỷ...

“Đây toàn xe ký gửi nhưng đến hạn chủ nhân không có tiền trả nên nhờ salon bán hộ” - anh T. khẳng định thêm.

Tôi hỏi T, con mẹc E250 của tôi ký gửi được bao nhiêu?. “Anh em kiểm tra kỹ rồi, xe anh chỉ được khoảng 1 tỷ, nếu đồng ý thì làm hợp đồng luôn”- Anh T. cho biết “luật ký gửi là 2.000 đồng/1 triệu đồng/ngày, xe anh ký gửi 1 tỷ đồng sẽ phải đóng tiền lãi mỗi tháng 60 triệu đồng. Hết hạn ký gửi theo thoả thuận, khách không trả gốc và lãi solon được quyền bán xe”.

Để chắc ăn, bên chủ xe ký gửi phải ký một hợp đồng ủy quyền có công chứng cho chủ salon. Nên khi chủ xe không quay lại, chủ salon toàn quyền định đoạt. Bản chất của ký gửi này, không khác tiệm cầm đồ.

Thấy tôi chê lãi cao, anh T. cho biết, tất cả các salon trên phố Lê Văn Lương này đều có giá (lãi vay) vậy cả. Lấy lý do đi một vòng tham khảo giá, tôi tiếp tục đến đường Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên).

Tại đây, dọc hai bên đường, salon ô tô nằm san sát. Các loại xe sang chờ bán như Lexus, BMW, Mercedes-Benz... bày ra cả vỉa hè. Giá mỗi chiếc xe được chủ salon dán hẳn lên trên kính lái. Xe đắt nhất khoảng hơn 3 tỷ đồng nhưng cũng có xe chỉ hơn 1 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo anh L.T - giám đốc một salon vào loại lớn nhất quận Long Biên, xe đang rất ế ẩm, khó bán, đặc biệt là xe cũ đắt tiền của những người từng rất giàu ký gửi. Cũng theo anh T., những người ký gửi xe chủ yếu kinh doanh chứng khoán, bất động sản, một số kinh doanh dịch vụ hàng hoá.

“Họ ký gửi cho sang, chứ sau khi ký gửi xong, ít người lấy lại xe lắm. Thường khi gần đến hạn trả nợ, họ đến bán đứt cho salon, lấy được chút tiền chênh rồi đi thẳng” - anh T. cho biết.

Theo Phong Cầm
Tiền Phong