1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Thời của thịt nhân tạo sắp bắt đầu?

Ngày 5/8 tới, bữa tiệc thịt bò nhân tạo với giá bán khoảng 220.000 bảng Anh/miếng (hơn 7,1 tỉ đồng) sẽ diễn ra ở London (Anh). Nếu kết quả thành công, sự kiện này sẽ là dấu mốc mở đầu kỷ nguyên thịt nhân tạo.

Thịt nhân tạo được nuôi trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Daily Mail
Thịt nhân tạo được nuôi trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Daily Mail

 

Thịt nhân tạo làm từ tế bào gốc của bò

 

Giáo sư Mark Post ở đại học Maastricht (Hà Lan), trưởng nhóm nghiên cứu của dự án sản xuất thịt bò nhân tạo cho biết ông sẽ trình bày tại buổi tiệc chi tiết của quá trình nuôi cấy tế bào gốc trong ống nghiệm.

 

Cụ thể, từ tế bào gốc lấy từ mô trên má loài bò Bovine, nhóm nghiên cứu đã phát triển thành một dải các tế bào cơ khi nuôi dưỡng trong môi trường tổng hợp chứa nhiều chất dinh dưỡng quan trọng. Lượng tế bào ban đầu sau ba tuần đã tăng gấp đôi. Sau khi đưa sang môi trường nuôi cấy khô, các tế bào này chuyển thành các tế bào cơ có màu hồng với chiều dài 12mm và đường kính 1mm.

 

Để tạo ra một khúc thịt nạc không mỡ, phải tạo ra một mạng lưới các kênh – tương đương với các mạch máu để chất dinh dưỡng đến từng tế bào. Theo thời gian, chúng liên kết lại tạo thành các dải tế bào (sợi cơ protein), trải qua một thời gian sẽ trở nên dẻo dai như cơ thực sự và thành miếng thịt màu hồng, với cấu trúc sợi và mùi gần giống thịt bò.

 

GS Mark Post sẽ tự tay cắt từng lát thịt bò nhân tạo này và chọn một đầu bếp nổi tiếng thế giới giúp ông làm món “thịt bò rán”. Miếng thịt nhân tạo có cấu trúc gồm 3.000 lớp mô cơ dài 3cm, rộng 1,5cm, mỗi lớp mô được nuôi từ một tế bào gốc. Vì là sản phẩm nghiên cứu khoa học công nghệ cao lần đầu tiên ra mắt, nên giá bán mỗi miếng thịt bò rán rất đắt đỏ (hơn 7 tỉ đồng). Sau này khi thịt nhân tạo được sản xuất công nghiệp, mức giá dự kiến sẽ giảm mạnh. Quá trình sản xuất công nghiệp cũng sẽ chỉ cho ra các loại thịt mà người tiêu dùng ưa chuộng, không có các thứ phẩm như da, nội tạng, sừng, móng, lông… nên giá thành thịt nhân tạo sẽ không chỉ rất cạnh tranh với thịt động vật mà còn bảo đảm an toàn về dịch bệnh cho người dùng, đồng thời có thể gia giảm một số thành phần dưỡng chất tốt hay xấu cho sức khoẻ, tiết kiệm được nhiều chi phí so với chăn nuôi, giết mổ và bảo quản thịt gia súc, gia cầm.

 

Giải pháp cho nạn thiếu hụt thịt trong tương lai

 

Thịt nhân tạo được cho là xu hướng lựa chọn ưu tiên của những người ăn chay, khi giúp họ vượt qua chướng ngại tâm lý phải giết động vật mới có thịt ăn. GS Mark Post nhận định: “Thịt nhân tạo không hấp dẫn như một miếng thịt bò tươi. Tuy nhiên trong tương lai gần nó sẽ trở thành giải pháp thay thế thịt gia súc, đáp ứng nhu cầu thiếu hụt thịt ăn nghiêm trọng vào năm 2050 và giúp thế giới tiết kiệm hàng tỉ tấn khí thải metan do động vật chăn nuôi thải ra gây hiệu ứng nhà kính”.

 

Cũng theo GS Mark Post, kết quả nghiên cứu này sẽ được sử dụng để sản xuất thịt gà, thịt heo… Có nguồn tin cho biết, dự án nghiên cứu thịt nhân tạo khởi xuất từ đề nghị và tài trợ của Chính phủ Hà Lan (khoảng 2 triệu euro), ngoài ra còn có một số công ty hỗ trợ khoảng 300.000 euro, sau khi có thông tin các nhà khoa học của cơ quan Hàng không vũ trụ NASA (Mỹ) đã tạo ra được thịt cá từ tế bào cơ của cá, nhằm cung cấp thức ăn cho phi hành gia trong chuyến bay dài ngày. Hiện thế giới cũng có khoảng 30 nhóm nghiên cứu đang phát triển dự án thịt nhân tạo trong phòng thí nghiệm.

 

GS Mark Post cho biết đã và đang tiếp tục triển khai tìm một số đối tác để kết hợp như: xây dựng một ngân hàng tế bào gốc động vật để gia tăng tốc độ nhân tế bào một cách lý tưởng nhất; chuẩn hoá dây chuyền sản xuất chất dinh dưỡng làm môi trường nuôi tế bào; sử dụng phát minh in công nghệ 3D-bioprinter của GS Gabor Forgacs ở viện đại học Missouri – Columbia (Mỹ) để tạo ra các miếng thịt có độ dày theo ý muốn; tự động hoá hoàn toàn các công đoạn trong quy trình sản xuất thịt nhân tạo và tái sử dụng các chất thải của dây chuyền này...

 

Trước kết quả nghiên cứu thịt nhân tạo của GS Mark Post, các tổ chức bảo vệ động vật trên thế giới đã bày tỏ sự hoan nghênh và cho rằng những người ăn loại thịt này sẽ không bị coi là “vô đạo đức”, do không lấy từ động vật chết. Để khuyến khích các nhà khoa học nghiên cứu thịt nhân tạo, nhóm bảo vệ quyền động vật Peta hứa thưởng 1 triệu USD cho nhà khoa học nào tạo ra thịt gà trong phòng thí nghiệm giống như thịt gà tự nhiên và bán ra thị trường trước năm 2016.

 

Một khoa học gia nhận định, thịt nhân tạo khi đưa ra thị trường, người tiêu dùng sẽ khó lòng chấp nhận ngay, bởi thói quen sử dụng thịt tự nhiên đã tồn tại hàng ngàn năm. Do đó, việc truyền thông để người tiêu dùng thay đổi nhận thức và thói quen để thích nghi với thịt nhân tạo là rất quan trọng. “Nếu buổi tiệc của GS Mark Post nhận được sự hưởng ứng của thực khách thì đây sẽ là thông điệp mạnh mẽ và thuyết phục nhất để đánh dấu kỷ nguyên ẩm thực mới và thành tựu của con người trong cuộc chiến chống đói nghèo, tiết kiệm nguồn lực tự nhiên, thúc đẩy cuộc cách mạng chuyển dịch sản xuất thịt động vật từ trang trại tới phòng thí nghiệm và bảo vệ môi trường bền vững cho tương lai”, một nhà khoa học ở Mỹ nhận định.

 

Theo Trần Hồng Giang

SGTT

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm