“Thời” của bất động sản lân cận TPHCM

(Dân trí) - Hai năm gần đây, những dự án đô thị liên tiếp mọc lên tại các tỉnh lân cận TPHCM như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu… Phải chăng đã đến “thời” của bất động sản lân cận TPHCM?

“Thời” của bất động sản lân cận TPHCM - 1
Một khu đô thị ở Đồng Nai đang gấp rút xây dựng hạ tầng

Hàng ra dồn dập

Không phải đến nay giới đầu tư mới nhắm đến các tỉnh lân cận TPHCM, nhưng phải kể là từ năm 2009, người ta mới thấy mức độ đầu tư bất động sản tại khu vực này mạnh mẽ hẳn lên. Chỉ trong vòng 1 năm, từ quý 1/2009 đến quý 1/2010, các công ty bất động sản đã công bố hàng loạt dự án quy mô hàng ngàn nền đất, căn hộ.

Chẳng hạn như ở Bình Dương, sau các khu dân cư Mỹ Phước 1, 2, 3, 4… tỉnh Bình Dương lại cho ra thêm dự án Thành phố mới Bình Dương rộng hàng ngàn hecta với đủ loại hình bất động sản như chung cư, cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại, nhà phố, nhà liên kế… Bên cạnh đó là hàng loạt các khu dân cư nhỏ hơn như: Phú Hòa, Hoàng Gia, EcoLakes, Bình Nguyên…

Ở Đồng Nai thì có các khu dân cư và các khu đô thị như: Phú Thạnh - Long Tân, Hoa Sen - Đại Phước, Phú An, Thác Giang Điền, Long Hưng, Thung lũng xanh, Phước Hưng, Aquacity, Waterfront… Mỗi khu đều có quy mô hàng chục đến hàng trăm hecta và số vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng. 

Đặc biệt là khu đô thị Đông Sài Gòn ở Nhơn Trạch được chủ đầu tư công bố vốn đầu tư lên đến 6 tỷ USD với diện tích gần 760 hecta cũng đã được khởi công vào cuối năm 2009.

Ở Vũng Tàu thì xuất hiện hàng loạt dự án nghỉ dưỡng, thương mại, dịch vụ khách sạn trị giá vài chục đến vài trăm triệu USD như: The Long Hải, Hồ Tràm Strip, Sant Simeon, Côn Đảo resort, khu biệt thự suối nước nóng Bình Châu, khu thương mại Ocean View Manor…

Chỉ  điểm sơ sơ có thể thấy thị trường bất động sản phía Nam đang dồn dập “tung” hàng. Mà đặc trưng quan trọng là hầu hết chủ các dự án bất động sản này đều là giới đầu tư ở TPHCM kéo về tỉnh.

“Thời” hay “thế”

Theo ông Lê Quang Hàng, Tổng giám đốc Công ty Saigon Land thì hiện giá đất tại TPHCM quá đắt đỏ, vượt xa khả năng của hầu hết người có nhu cầu mua nhà ở nên các khu đô thị tại các tỉnh lân cận TPHCM rất có tiềm năng với lợi thế giá rẻ. Chính yếu tố này hấp dẫn các nhà đầu tư nhảy vào phát triển thị trường bất động sản ở đây.

Ông Lương Trí Thìn, Tổng Giám đốc Công ty Đất Xanh cũng đồng ý với ý kiến trên. Ông cho là các khu vực đô thị mới ở Bình Dương, Đồng Nai hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu ở cho một bộ phận người làm việc ở TPHCM nhưng không đủ khả năng mua nhà ở TP.

Ngoài ra, các dự án hạ tầng kỹ thuật lớn vừa  được khởi công thời gian qua như đường cao tốc  TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, nâng cấp quốc lộ 51, di dời trung tâm hành chính tỉnh Đồng Nai… càng kích thích các nhà đầu tư tham gia thị trường này. Vì hạ tầng hoàn thiện, thời gian đi lại giữa TPHCM và các tỉnh càng ngắn, các sản phẩm bất động sản này sẽ càng thu hút nhiều khách hàng.

Theo các phân tích trên, có vẻ đã đến “thời” phát đạt của bất động sản các tỉnh lân cận TPHCM như Đồng Nai, Bình Dương… Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư khác thì cho đây là cái “thế” bất khả kháng của thị trường bất động sản hiện nay, khi mà nhu cầu ở và đầu tư các dự án cao cấp tại TPHCM đã bão hòa và đang đình lại vì nhiều lý do. 

Hiện bên cạnh phân khúc nhà giá rẻ, các nhà đầu tư  TPHCM phải “đổ” về các tỉnh lân cận để tạo thêm những sản phẩm bất động sản giá rẻ khác, hợp túi tiền để thu hút nhiều nhà đầu tư nhỏ tham gia đầu tư, kích thích giao dịch trên thị trường. Đây đồng thời cũng là kênh đầu tư quan trọng, đón đầu các dự án hạ tầng trong tương lai. Nhưng đầu tư như thế này, nhà đầu tư phải trường vốn mới theo nổi.

Nhiều  người cũng lo ngại với tình trạng phát triển cấp tập như hiện nay rồi cũng sẽ xảy ra tình trạng cung nhiều mà cầu ít. Vì thực tế hiện các dự án này chỉ đáp ứng nhu cầu mua đi bán lại là chính chứ ít đáp ứng nhu cầu ở thực sự. Nhiều khu đô thị tại Bình Dương đã hoàn thành nhưng vẫn chưa lấp đầy người ở. Nhiều khu dân cư mới ở Đồng Nai thì chỉ thấy đường xá, hạ tầng mà chẳng mấy ai đến xây nhà.

Tùng Nguyên