Thời buổi KOC "ngáo giá", đòi cả chục triệu đồng cho một video hời hợt
(Dân trí) - Không ít thương hiệu phàn nàn về việc có không ít KOC (chỉ người tiêu dùng có sức ảnh hưởng lớn) đòi giá cao hơn thị trường nhưng không đem lại hiệu quả về chất lượng nội dung.
Khi mạng xã hội lên ngôi, có thêm một nghề mới xuất hiện: nghề sáng tạo nội dung (content creator). Theo miêu tả, người sáng tạo nội dung là người làm ra những nội dung có ý nghĩa, độc đáo, mới lạ, thu hút nhiều người xem và kinh doanh những nội dung này trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram, TikTok, YouTube…
Ngoài KOL (Key Opinion Leader) chỉ những người chuyên về một lĩnh vực và có sức ảnh hưởng đến một cộng đồng, "thị trường" của những người sáng tạo nội dung có thêm khái niệm KOC (Key Opinion Consumer) chỉ người tiêu dùng có sức ảnh hưởng lớn.
Đúng với tên gọi, KOC là những người tiên phong trong việc sử dụng một sản phẩm, dịch vụ và chia sẻ trải nghiệm của bản thân tới cộng đồng. KOC có thể chia sẻ trải nghiệm thật của bản thân gồm cả tích cực và tiêu cực hoặc có thể nhận tiền quảng cáo từ một thương hiệu và chia sẻ những nội dung có lợi cho thương hiệu đó.
Với những chi tiết có phần tiêu cực, nếu KOC nhận tiền quảng cáo, sẽ tìm cách tiết chế hoặc không nhắc tới những điểm này trong bài chia sẻ của mình.
Không có mức cát-xê cố định cho nghề sáng tạo nội dung
Hiện nay, mức giá hợp tác của KOC với thương hiệu có mức dao động lớn tùy thuộc vào chất lượng nội dung mà KOC mang lại. Bên cạnh những KOC làm nội dung chỉn chu, "có tâm", đem lại nhiều lợi ích cho nhãn hàng, có không ít KOC bị nhận xét làm nội dung hời hợt, không xứng đáng với mức giá mà nhãn hàng bỏ ra cho một lần hợp tác.
Thậm chí, có nhiều KOC bị đánh giá "ngáo giá" khi lấy cát-xê cho một bài viết/clip lên tới cả chục triệu đồng nhưng không có nhiều giá trị.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, chị Lê Khánh Linh - founder một công ty agency chuyên cung cấp các giải pháp truyền thông cho doanh nghiệp, đồng thời Linh cũng là một KOC trong lĩnh vực mẹ và bé - cho rằng: "Các bạn trẻ gen Y, gen Z bây giờ thật sự rất giỏi, sáng tạo phong phú. Đa số KOC đem đến nhiều nội dung tích cực cho cộng đồng nhưng cũng có không ít KOC vì muốn tăng tương tác nên làm thông tin tiêu cực để câu view".
Trả lời về việc nhiều KOC bị đánh giá "ngáo giá", chị Khánh Linh cho rằng việc này không phải câu chuyện mới gặp. Tuy nhiên, bảng giá đặt KOC (booking) là không cố định vì đã là sáng tạo nội dung thì sẽ không có một mức cố định nào.
Theo chị, việc sáng tạo nội dung để kiếm tiền là hợp lý bởi đó là chất xám mà các nhà sáng tạo nội dung đã bỏ ra. Trong trường hợp nếu có một KOC báo giá cao hơn thực tế, chị sẽ phân tích về lợi ích KOC mang lại cho thương hiệu và cân nhắc đó là đúng giá hay "ngáo giá".
"Nếu KOC mang lại nhiều lợi ích, ra doanh thu, hỗ trợ trước sau khi hợp tác thì hai bên sẽ cùng cân nhắc từ mức giá", chị khẳng định.
Chị Linh cho rằng yếu tố quan trọng nhất để KOC "được lòng" nhãn hàng là thái độ làm việc. Nếu KOC xác định đó là nghề thì cần nâng cao kỹ năng, tập trung tăng khả năng sáng tạo và tạo ra nhiều nội dung ý nghĩa cho người xem. Đó là cách tốt và bền vững nhất nếu KOC muốn nâng hạng hình ảnh của bản thân và nâng giá booking xứng tầm.
Đứng ở cương vị là một KOC, chị cho biết nếu trường hợp nhãn hàng phản hồi giá booking của chị cao hơn giá thị trường, chị sẽ đưa ra những lý do về việc giá booking của chị cao hơn những KOC khác cùng phân khúc. Ví dụ như việc KOC sẽ hỗ trợ thương hiệu trước và sau khi lên bài trải nghiệm hoặc có thể hỗ trợ về việc đăng bài đa nền tảng.
Thương hiệu nên tỉnh táo lựa chọn cách thức truyền thông
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, chị Nga Phạm, chủ một đơn vị thẩm mỹ, làm đẹp, cho biết thời điểm này, các thương hiệu cảm thấy bối rối bởi thị trường KOC có nhiều mức giá không tưởng.
Trong nhiều lần ngỏ lời hợp tác với KOC, chị nhận về mức booking cao gấp 4-5 lần giá thực tế. Ví dụ, với những KOC có khoảng 10.000 người theo dõi, mức giá phổ biến dao động khoảng 1 triệu đồng, có những KOC báo giá tới 3-4 triệu đồng và từ chối hợp tác nếu thương hiệu thỏa thuận về giá.
"Khi lần đầu hợp tác chưa rõ hiệu quả thế nào nhưng nhiều KOC để giá cao không tưởng. Đúng là chất xám các bạn bỏ ra cần nhận được thù lao xứng đáng nhưng không thể quá cao so với người khác", chị nói.
Bên cạnh đó, Nga Phạm cho rằng thị trường KOC đang dần bão hòa. Thay vì tập trung đầu tư hợp tác với KOC, các thương hiệu có thể tìm cách xây dựng những kênh truyền thông riêng để tiết kiệm chi phí truyền thông bởi không phải KOC nào cũng mang lại hiệu quả.
Sau nhiều lần hợp tác không có kết quả, Nga Phạm xây dựng một đội ngũ làm nội dung riêng và phát triển trên chính nền tảng của công ty.
Có nhiều cách để một thương hiệu làm truyền thông và hợp tác với KOC chỉ là một trong số đó. Vì vậy, các thương hiệu được khuyên nên tỉnh táo lựa chọn KOC phù hợp. Cùng với đó, các KOC nên khẳng định vị trí bản thân bằng cách nâng cao kiến thức, nội dung, đem đến những chia sẻ chất lượng cho cộng đồng.