Làm giàu không khó:

Thoát nghèo, kiếm bạc tỷ mỗi năm từ ... lan rừng

(Dân trí) - Cách đây hơn 10 năm về trước, ý tưởng trồng lan rừng để phát triển kinh tế của anh Phạm Đức Tố được nhiều người cho là “điên rồ”. Vậy mà, giờ đây anh đã trở thành ông chủ của một vườn lan rừng (giống Ngọc Điểm) mỗi năm cho thu nhập trên cả tỷ đồng.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình đông con, lại nghèo khó tại vùng “chiêm trũng” tỉnh Hà Nam, nên năm 1996 anh Phạm  Đức Tố (42 tuổi, ngụ tại thôn 6, xã Mađaguôi, huyện Đạ Huoai), quyết định khăn gói rời quê hương lên mảnh đất cao nguyên Lâm Đồng lập nghiệp.

“Vua” lan Ngọc Điểm

Bạn đọc có thắc mắc hay cần tư vấn, chia sẻ về kinh nghiệm làm giàu, hãy gửi đến cho chúng tôi: kinhdoanh@dantri.com.vn

Lúc đầu, tại vùng đất hoang sơ Đạ Huoai (Lâm Đồng) anh Tố mua được 0,5 ha đất để cất nhà và làm kế sinh nhai. Trong những năm đầu mới vào lập nghiệp, anh đã chọn nhiều loại cây ăn quả như mít, chôm chôm và sầu riêng để trồng thử, đồng thời đi làm thuê, làm mướn để kiếm thêm thu nhập lo cuộc sống.

Công việc nhọc nhằn là vậy, thế nhưng chỉ đủ miếng ăn qua ngày. Sau nhiều trăn trở, anh nghĩ mình đã rời bỏ quê hương đi lập nghiệp để thoát khỏi nghèo khó, nên không thể tiếp tục để cái đói, cái nghèo mãi đeo bám gia đình mình.

Năm 2002, khi anh đang loay hoay tìm hướng đi khác để phát triển kinh tế, thì vô tình anh được một người bạn ở TP Hồ Chí Minh giới thiệu về nghề trồng lan rừng.

Khi được “mách nước”, anh Tố có ý tưởng trồng lan rừng ngay lập tức. Nhưng lan rừng là loài hoa rất khó trồng, nhiều người đã khuyên can anh và thậm chí có người còn cho rằng ý tưởng trồng lan rừng của anh là “điên rồ”.

Thoát nghèo, kiếm bạc tỷ mỗi năm từ ... lan rừng - 1

Anh Tố tâm sự: “Ngày ấy, khi được nghe bạn bè nói nhiều về việc làm giàu bằng nghề trồng lan rừng, nên tôi mê lắm. Thế là, sau một thời gian tìm hiểu, tôi đã quyết định chọn giống lan rừng Ngọc Điểm (còn gọi là lan Tai trâu hay Nghinh xuân) để trồng thử. Vì trồng thử, nên ban đầu tôi chỉ trồng 50 trụ lan”.

Thế nhưng, do mới tiếp cận với cây lan rừng, nên ngày qua ngày, anh dường như bất lực nhìn những trụ lan mình trồng cứ chết dần, chết mòn. Nhiều lúc anh Tố chán nản nhưng anh vẫn không bỏ cuộc.

Cứ như vậy sau vài lần thất bại, anh nhận ra thiếu sót lớn nhất của mình chính là việc không hiểu biết về kỹ thuật trồng, chăm sóc lan. Vậy là, anh lại bắt đầu đi tìm hiểu, qua những vùng trồng nhiều lan rừng, qua sách, báo...

Trong năm đầu trồng thử nghiệm, anh dành trọn thời gian để tìm hiểu nguyên nhân tại sao cây lan mình trồng không thể phát triển được và loại cây nào thì phù hợp với mảnh đất nơi đây.

Cuối cùng anh nhận ra rằng, lan Ngọc Điểm thích hợp nhất với khí hậu nơi đây và phát triển tốt khi trồng trên cây vú sữa. Cùng với đó, việc điều tiết độ ẩm, nhiệt độ, nước và ánh sáng cho lan là vô cùng quan trọng và cần thiết.

Từ đó, anh quyết định vay mượn thêm kinh phí để đầu tư làm nhà lưới, săn tìm mua cây vú sữa và mày mò thêm về kỹ thuật chăm sóc cây lan.

Anh Tố chia sẻ: “Lan Ngọc Điểm là một trong những loại lan rừng có nguồn gốc từ Campuchia và Thái Lan. Loài lan này chỉ nở vào mua xuân (nở đúng dịp tết) rất quý, hiếm nên được gọi là lan Nghinh xuân. Để trồng được, đòi hỏi phải nắm vững kỹ thuật điều tiết độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng và nước phù hợp cho nó.

Thông thường, lan Ngọc Điểm thích hợp với nhiệt độ khoảng 20 - 32oc và độ ẩm từ 55 - 60%. Loài lan này rất ưa nước, nên vào mùa khô cần phải tưới nước thường xuyên để kích thích lan ra rễ; đồng thời, cần điều tiết ánh sáng ở mức từ 60 - 70 % là đủ cho lan phát triển”.

“Đặc biệt, người trồng lan cần phải thường xuyên bám vườn theo dõi để kịp thời xịt thuốc, bón phân theo định kỳ hàng tháng, thậm chí hàng tuần. Khi phát hiện lan bị bệnh với các triệu chứng như úa vàng, héo rũ, thối rễ… cần phải trị tận gốc không để lây lan”, anh Tố chia sẻ thêm.

Hiện nay, vườn lan Ngọc Điểm của anh Tố đã có diện tích 2.000 m2, được trồng trên 1.000 trụ bằng cây vú sữa cao từ 1,5 - 2m. Điều đặc biệt, lan của anh chỉ thu hoạch để bán giống và được tính theo kg.

2-15-1441283627852
Vườn lan rừng tiền tỷ của anh Tố

Hiện, mỗi trụ lan của anh cho năng suất từ 5 - 7kg/năm. Tất cả được anh xuất bán đi 3 thị trường chính là TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Với giá bán từ 250 - 300 ngàn đồng/kg, mỗi năm mang lại cho gia đình anh nguồn thu nhập trên 1 tỷ đồng.

Vườn lan rừng của anh Tố hiện nay gần như lớn nhất cả huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng), không những mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình anh, mà còn tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động ở địa phương.

Chia tay với cái nghèo từ trồng lan rừng

Cùng với anh Tố, hiện nay, trên địa bàn huyện Đạ Huoai đang có khoảng 15 hộ đầu từ trồng lan Ngọc Điểm. Hiện, các hộ trồng lan chủ yếu tập trung tại 3 địa phương là thị trấn Mađaguôi, xã Mađaguôi và xã Đạ Oai.

Trong đó, anh Phạm Đức Tố đang nhận hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc lan cho 6 hộ. Anh Tố niềm nở chia sẻ: “Mình là người đi đầu và có hiểu biết được chút ít, nên ai cần tư vấn về những vấn đề liên quan đến lan rừng thì minh luôn sẵn sàng. Nhưng, trồng loại lan này vốn đầu tư rất lớn và đòi hỏi người trồng phải có tâm huyết với cây lan.

Ngoài những yếu tối cần thiết về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng và nguồn nước, thì phải chú ý đến không khí xung quanh. Lan rừng không thích nghi với không khí ô nhiễm, nên cần trồng trong môi trường trong sạch, thoáng mát”.

Anh Phạm Quốc Thuần, ngụ tổ 11, thị trấn Mađaguôi (người được anh Tố giúp đỡ về kỹ thuật trồng lan), cho biết: thấy cây lan rừng phù hợp với vùng đất này, nên anh đã đầu tư trồng để phát triển kinh tế. Hiện, anh Thuần đang đầu tư trồng với diện tích 300m2 lan Ngọc Điểm.

4-3-1441283627823

“Tôi thật may mắn và yên tâm khi được một người am hiểu về cây lan rừng như anh Tố giúp đỡ về kỹ thuật. Từ cây lan mà thu nhập của gia đình tôi tăng đáng để”, anh Thuần cho biết thêm.

Tương tự gia đình anh Nguyễn Trọng Thái, một người trồng lan khác (ngụ tại thôn 2, xã Mađaguôi), chia sẻ: “Chúng tôi là những người đi sau, không những được anh Tố hướng dẫn về kỹ thuật trồng, chăm sóc lan mà còn được anh giới thiệu cả thị trường xuất bán. Được sự giúp đỡ của anh Tố, chúng tôi rất yên tâm khi đầu từ trồng lan để phát triển kinh tế gia đình”.

Chính tình yêu hoa lan và quyết tâm vươn lên làm giàu chính đáng đã tạo cho anh Phạm Đức Tố có được thành công như ngày hôm nay. Không những vậy mà còn giúp địa phương thoát nghèo, khi một số hộ gia đình được anh Tố chia sẻ cách trồng lan rừng giờ đây đã phát triển và đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Hy vọng, trong thời gian tới anh Tố cùng với những người trồng lan khác tại huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng), sẽ viết nên một “kỳ tích” thoát nghèo từ chính cây lan rừng với tên gọi Ngọc Điểm cho vùng đất này.

Ngọc Hà

Thoát nghèo, kiếm bạc tỷ mỗi năm từ ... lan rừng - 4