Thoái vốn doanh nghiệp “khủng”: Không cẩn thận Nhà nước bị thiệt hại!

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - Liên quan tới việc thoái vốn tại Sabeco và VEAM, Bộ Công Thương cho biết quan điểm là khẩn trương nhưng không phải thoái càng nhanh càng tốt. Nếu thoái vốn không cẩn thận Nhà nước sẽ bị thiệt hại.

Vấn đề thoái vốn cổ phần chậm làm ảnh hưởng nguồn thu ngân sách, ảnh hưởng tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) sau cổ phần hoá.

Đơn cử như tiến độ thoái vốn, bàn giao Tổng công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) thuộc Bộ Công Thương cho Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) được cho là rất chậm.

Thông tin về lộ trình thoái vốn 2 DN nói trên tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 4/9, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay: Bộ Công Thương luôn quan tâm thực hiện các chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền về thoái vốn cổ phần hoá các DNNN trong thẩm quyền của mình đối với các DN như Sabeco, VEAM…

Thoái vốn doanh nghiệp “khủng”: Không cẩn thận Nhà nước bị thiệt hại! - 1
Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ Trưởng Bộ Công Thương

Đối với DN Sabeco, ông Hải cho biết đã có một lần bán vốn Nhà nước tương đương với 53,59% số vốn Nhà nước, số tiền thu được khoảng hơn 110.000 tỷ đồng, tương đương 4,8 tỷ USD.

“Đây là thương vụ được đánh giá là thành công, vì nếu thoái trong bối cảnh hiện nay thì giá trị thu được sẽ khiêm tốn, nếu không nói là thiệt” - Thứ trưởng Bộ Công Thương nói và cho biết hiện tại Sabeco Nhà nước còn 36% vốn, tương đương 2.308 tỷ đồng. 

Cũng theo ông Hải, tuần trước, Bộ Công Thương đã bàn giao số vốn còn lại 36% vốn của Sabeco cho SCIC tiếp nhận làm chủ sở hữu vốn Nhà nước tại DN này, tiếp tục thực hiện thoái vốn.

“Quan điểm là khẩn trương thực hiện việc thoái vốn, nhưng việc này cần tính toán thời điểm nào lợi ích cao nhất chứ không phải thoái càng nhanh càng tốt” - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho hay.

Công ty VEAM có đặc thù ngoài lĩnh vực kinh doanh chính trong lĩnh vực cơ khí, ô tô, nhưng thu nhập chính là các liên doanh mà VEAM đang thực hiện với các hãng lớn như Honda, Toyota, Ford. Số vốn điều lệ tham gia 3 liên doanh chỉ chiếm 7% nhưng mang lại trên 90% tổng lợi nhuận của VEAM.

“Do đó, nếu thoái vốn không cẩn thận Nhà nước sẽ bị thiệt hại, vì mỗi năm riêng phần chia liên doanh đã mang lại lợi nhuận tới hơn 7.000 tỷ đồng. Nếu bán vốn ở thời điểm này chỉ thu được khoảng 30.000 tỷ đồng, tương đương với khoảng 5 năm lợi nhuận” - ông Hải phân tích.

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, dù trước đó đã có quyết định thoái vốn, nhưng sau khi nghiên cứu kỹ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước mắt chưa thoái vốn tại DN này. Lãnh đạo Chính phủ đã đồng ý và yêu cầu khi thoái vốn sau này cũng cần trình phương án cụ thể, khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý mới thoái vốn.

“Bộ Công Thương khẳng định quan tâm việc thoái vốn nhưng phải thoái vốn bảo đảm lợi ích cao nhất của Nhà nước” - ông Hải nhấn mạnh.

Thoái vốn doanh nghiệp “khủng”: Không cẩn thận Nhà nước bị thiệt hại! - 2
Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Tuấn Anh

Thông tin thêm về vấn đề thoái vốn chậm, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết: Việc cổ phần hoá thuộc trách nhiệm nhiều bộ ngành, trong đó có Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNN). Năm 2020 tiến trình thoái vốn chậm do nhiều nguyên nhân, trong đó có dịch Covid-19. Quan điểm của Bộ Tài chính là luôn thúc đẩy cổ phần hoá DN, đổi mới DNNN.

Bộ Tài chính đã xây dựng các cơ chế chính sách tài chính, bảo đảm triển khai thuận lợi việc cổ phần hoá, thoái vốn Nhà nước. Đặc biệt, Bộ Tài chính cũng xây dựng các cơ chế chính sách phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) , bảo đảm sau khi cổ phần hoá các DN niêm yết trên TTCK, bảo đảm công khai minh bạch trong quá trình cổ phần hoá, thoái vốn DNNN.

Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết Bộ này đã phối hợp với các bộ, ngành, UBQLVNNN báo cáo Chính phủ có kế hoạch thúc đẩy tiến trình cổ phần hoá, thoái vốn Nhà nước tại DN.